04/11/2019 13:39 GMT+7

Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ 3: Làm chủ con sóng

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Làm chủ tinh tế được cây cọ bằng chính bàn tay trái duy nhất thành công càng khiến Lợi có thêm lý do và động lực khai phá bản thân. Anh tiếp tục đối diện những con sóng và quyết không để bị nhấn chìm...

Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ 3: Làm chủ con sóng - Ảnh 1.

Không có chân nhưng Lợi đã tập lái xe an toàn- Ảnh: C.TRIỆU

"Bạn biết không, khi cái tên Nguyễn Hồng Lợi được đọc to lên trên loa, mình nhìn xuống có biết bao nhiêu người, những người cùng cảnh ngộ với sự quyết thắng như mình và rất nhiều người lành lặn bình thường đang lắng nghe cái tên được vinh danh.

Nguyễn Hồng Lợi

Để không bị nhấn chìm...

Năm hơn 20 tuổi, Lợi sắp xếp lại thời khóa biểu mới cho mình sao cho vừa kỷ luật vừa thư thả. Ngoài thời gian đi làm, anh có thêm thời gian đưa đón tụi nhỏ trong làng đi học, rồi đi tập thể hình và kể cả đi chơi.

Việc phải di chuyển bằng xe lắc liên tục trên quãng đường dài đã tiêu tốn quá nhiều thời gian và sức lực, Lợi chợt nghĩ: "Vì sao mình không tập đi xe máy? 

Tại sao những người khác đi được mà mình thì không?". Anh nhất quyết sẽ phải tập đi xe ngay lập tức.

Quyết định này khiến mẹ anh không đồng ý. Nhưng hơn ai hết, anh hiểu rằng chiếc xe lắc đã không còn phù hợp với mình nữa. 

Nhất là khi anh đã đi làm và cần di chuyển nhiều. Có sẵn xe trong nhà, thế là Lợi "thông đồng" cùng anh trai lén tập xe. 

Trước giờ, với bất cứ công việc nào mới mẻ, Lợi không sợ mình không làm được. Anh thường chỉ nghĩ phải bắt đầu như thế nào. Việc tập đi xe máy cũng vậy, chỉ cần anh trai ngồi sau đảm bảo an toàn nếu có sự cố, còn Lợi tự nghĩ cách vặn ga, đạp số...

Di chuyển bằng xe gắn máy khiến quỹ thời gian của Lợi dư ra kha khá. Anh bắt đầu theo dõi báo chí và xem tivi nhiều hơn để biết thêm thông tin thế sự. Anh nhớ như in trong một bản tin sáng thứ tư, MC giọng rất buồn đọc tin về một nhóm học sinh thiệt mạng vì tắm suối. 

Lý do: không biết bơi. Ngồi sững sờ, hàng trăm điều "giá như" được anh nghĩ đến. Anh thắc mắc là liệu rằng mình có thể sống sót nếu ở trong tình cảnh đó? Và rồi chính thắc mắc đó thôi thúc anh đi học bơi. Anh muốn trả lời câu hỏi của chính mình.

Đó là mùa hè năm 2005. Việc học bơi với anh cũng bắt đầu như cách mà anh từng bắt đầu với những thứ khác. Anh tìm đến hồ bơi ở quận 5 để thử sức mình. 

Như mọi khi, hàng chục ánh mắt nơi hồ bơi soi ngó anh. Người tiếp nhận anh vào học miễn phí với điều kiện phải "nghiêm túc và nỗ lực" là thầy Nguyễn Huệ.

Những buổi tập bơi đầu tiên của anh bắt đầu bằng màn uống nước sặc sụa. Có thể nói những khó khăn mà Lợi gặp phải khi đi tập thể hình là một thì bơi với anh khó gấp mười. 

Không chân, chỉ còn lại một tay khiến anh thiếu hẳn "phương tiện" để đẩy thân hình nổi trên nước. Chiều cao chỉ hơn 1m khiến anh rất ái ngại chỗ sâu trong hồ bơi.

Cơ thể khiếm khuyết buộc anh phải rướn hết sức mình để luyện tập. Nhưng càng rướn thì những cơn co thắt cơ ngày càng làm khó anh hơn. 

"Chúng làm tôi lo lắng, đúng hơn là lo sợ. Trước cơn đau và những lần choáng nước khiến tôi lo mình không đủ sức để vượt qua dù là con sóng nhỏ trong hồ bơi. Và nếu đó không phải là khúc sông êm đềm mà là sóng dữ ở biển khơi thì liệu mình sẽ ra sao?" - Lợi kể. 

Cũng nhờ "chiếc phao" là người thầy cùng các bạn ở hồ bơi, anh bắt đầu quen dần khi ở dưới nước.

Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ 3: Làm chủ con sóng - Ảnh 3.

Lợi giành được huy chương ngay giải bơi lội đầu tiên - Ảnh CÔNG TRIỆU chụp lại

Giành huy chương

Khi đã bơi sành sỏi, những tưởng tự tin vùng vẫy được trong nước như thế là đã đủ với chính mình. Thế rồi Lợi chợt sững sờ khi một vận động viên bơi lội tên Khanh dẫn anh đến hồ bơi ở quận Tân Bình. 

Vừa bước vào, hình ảnh những "kình ngư" khuyết tật đang lao mình vun vút dưới đáy bể khiến anh giật mình.

Anh tràn trề thất vọng với chính mình, với những kỹ năng nổi, di chuyển được trên nước mà mình có bởi chúng chả là gì so với những hình ảnh diễn ra trước mắt. Người khiếm khuyết tay thực hiện bài tập bơi bướm đúng là "cực hình". 

Còn với màn quay vòng dưới nước tưởng như "bất khả thi" với người khiếm khuyết ở chân, vậy mà họ vẫn làm được...

Lợi nói ngay với anh Khanh rằng làm sao có thể thực hiện được những màn khó đến như vậy, so với những gì mà anh tưởng chừng như đã quá nỗ lực mới có được. 

"Anh Khanh vỗ vai tôi, nói rằng những gì tôi thấy ở dưới kia là những màn tập luyện đỉnh cao của vận động viên khuyết tật dự thi toàn quốc và quốc tế. Tôi mới yên lòng", anh kể.

Trong đầu Lợi lúc ấy lóe lên câu hỏi "mình có làm được như vậy không?". Chưa kịp nghĩ đến câu trả lời thì anh Khanh đã ngỏ lời muốn xin cho Lợi theo tập luyện "đỉnh cao" này. 

Lòng Lợi vui hơn khi huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn nhận xét ngay sau màn "xem giò": "Với khả năng bơi hiện tại của cậu mà dự thi cấp thành phố cũng đã là choán suất của người khác". Anh lại được nhận vào học miễn phí.

Sau hai năm làm quen với hồ bơi, Lợi tập tễnh bước chân vào con đường làm "kình ngư" chuyên nghiệp. Từ nhu cầu học biết bơi, Lợi xin thầy học tiếp những bài bơi khó. Đã nhuần nhuyễn bơi sải, anh bắt đầu học sang các kiểu bơi ếch và bơi ngửa.

Khó nhất với người thiếu tay chân như anh chính là món bơi bướm, sau nhiều tháng cần mẫn tập luyện, Lợi bắt đầu bơi được kha khá. Nắm được kỹ năng hầu hết các kiểu bơi, anh dành nhiều thời gian cho kỹ thuật lặn. 

Quan trọng hơn trong thi đấu chính là động tác lấy đà xuất phát và quay vòng, anh đầu tư tập luyện rất kỹ để rút ngắn thời gian.

Thành quả đầu tiên đến với anh vào tháng 7-2009, khi Lợi được chọn vào đội tuyển bơi TP.HCM tham gia Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc diễn ra tại TP Đông Hà (Quảng Trị). 

Với một vận động viên, mùa thi đầu tiên luôn được xem là cuộc thử lửa nhưng với Lợi thì không. Anh quyết phải có huy chương. Anh thường dặn lòng trước những trận quan trọng rằng phải chứng minh mình không phải học bơi để khỏi bị nhấn chìm, mà là có đủ khả năng để làm chủ con sóng.

"Khi cái tên Nguyễn Hồng Lợi được đọc to lên trên loa, mình nhìn xuống có biết bao nhiêu người, những người cùng cảnh ngộ với sự quyết thắng như mình và rất nhiều người lành lặn bình thường đang lắng nghe cái tên được vinh danh. Giờ phút đó không chỉ vinh hạnh mà còn quá nhiều cảm xúc khác nữa ở trong mình. 

Mình chợt nghĩ tới bản tin và giọng thật buồn của vị MC nọ trên truyền hình. Mình chợt nghĩ tới màn bơi "ngoài sức tưởng tượng" khi lần đầu xem các kình ngư đỉnh cao. 

Mình làm được rồi, chiến thắng rồi", Lợi chia sẻ cảm xúc khi nhận được hai huy chương bạc ở nội dung 100m và 200m tự do nam hạng thương tật S6 đầu tiên của mình.

Hơn mười năm sau, thầy Viễn vẫn còn ngạc nhiên không biết rằng Lợi đã làm gì để đạt được thành tích đó trong lần đầu ra quân. 

Và khi Lợi trả lời rằng "động lực để con bơi không biết mỏi mệt về phía trước là sợ mình thất bại, sợ mình bị nhấn chìm trước những con sóng đời", thầy anh không còn ngạc nhiên nữa.

Mỗi lần tham dự giải đấu trở về, các em nhỏ trong làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) cứ vây lấy chân tôi. Chúng tò mò rồi phấn khích khi được xem, được sờ và hôn lên tấm huy chương mà tôi mang về...

Kỳ tới: Cho đi và nhận lại

Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ 1: Đứa bé bất hạnh ở xóm nghèo Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ 1: Đứa bé bất hạnh ở xóm nghèo

TTO - Ngắm những cánh hoa tươi sau cơn mưa chiều Sài Gòn, Nguyễn Hồng Lợi nhẹ lau từng tấm huy chương bơi lội đánh dấu chặng đường không gục ngã của chính mình...

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên