15/07/2019 10:47 GMT+7

Mặt sân trơ đất, mấp mô, cầu thủ đá V-League 2019 như bị... cực hình

SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TTO - Những mùa V-League gần đây, nhiều HLV đã than phiền bởi chất lượng quá tệ của ba sân Thanh Hóa, Vinh và Lạch Tray. Với cầu thủ, đây là cực hình...

Mặt sân trơ đất, mấp mô, cầu thủ đá V-League 2019 như bị... cực hình - Ảnh 1.

Thi đấu trên mặt sân Vinh lồi lõm là “cực hình” của các cầu thủ - Ảnh chụp qua màn hình tivi

Xem các trận đấu của V-League qua truyền hình, khán giả có lẽ cũng đồng cảm với những lời than phiền ấy khi mặt sân Vinh, Thanh Hóa và Lạch Tray (Hải Phòng) phơi bày quá nhiều khoảnh sân trơ đất, mấp mô... 

Chơi bóng trên mặt sân như vậy là cực hình với cầu thủ do họ không thể kiểm soát bóng, điều khiển trái bóng theo ý muốn...

Vì sao sân xấu?

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, nhiều HLV ở V-League cho rằng họ rất thông cảm cho một số địa phương ở phía Bắc luôn đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, khi thì bị sương muối, lúc thì hứng chịu cái nóng của gió Lào...

Dù vậy, những lý do này khó thuyết phục nếu nhớ lại trước đây, ở TP Vinh có hai CLB chuyên nghiệp là SLNA và Quân Khu (QK) 4. Trong khi mặt sân Vinh lam nham thì mặt cỏ trên sân QK4 luôn xanh rì, tốt tươi, bằng phẳng.

Trong một lần gặp gỡ HLV Vũ Quang Bảo khi còn dẫn dắt đội QK4, ông Bảo nói về sự tương phản của hai sân bóng ở TP Vinh: "Khác biệt cơ bản nhất chính là công tác duy tu, bảo dưỡng diễn ra theo đúng trình tự hằng ngày, hằng tuần và thậm chí là hằng tháng.

Ví dụ khi nào thì cần bón phân, lúc nào cắt cỏ và vào mùa hè thì cần phải tưới với lượng nước như thế nào để tránh cho cỏ bị khô cháy". Vì vậy, có thể nói chất lượng mặt sân tùy thuộc vào sự quan tâm của những người quản lý CLB.

Chúng tôi rất xấu hổ!

"Các HLV không sai khi nhận xét về sân Vinh. Chúng tôi xấu hổ lắm!" - chủ tịch CLB bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh nói.

Ông Thanh giải thích: "Lần cuối cùng sân Vinh được chỉnh trang lớn cách đây đã hơn 20 năm. Hiện tại, khán đài cũng như mặt sân cỏ xuống cấp rất nhiều, và do hệ thống tưới ngầm gần như bị hỏng hoàn toàn nên buộc phải tưới trên bề mặt.

Hơn tháng qua, TP Vinh liên tục hứng chịu những đợt nắng nóng, mạch nước ngầm sụt giảm rất nhiều nên không đủ nước giếng để tưới hằng ngày. Để cứu vãn mặt sân, CLB cầu viện cảnh sát PCCC của tỉnh hỗ trợ bằng cách dăm ba ngày cho 4 xe, mỗi xe chứa 4m3 nước đến phun tưới trên toàn mặt sân. Đây chỉ là biện pháp "chữa cháy" bởi dưới trời nắng nóng, nước được phun trên bề mặt cũng bị bốc hơi đáng kể.

Tưới xong, chúng tôi phải thuê xe lu loại 8 tấn chuyên dụng cho làm đường vào lu để mặt sân bằng phẳng. Tuy nhiên, đó chỉ là cách làm chắp vá. Vừa qua, Sở VH&TT Nghệ An - đơn vị chủ quản sân Vinh - đã có tờ trình gửi đến HĐND tỉnh xin cấp kinh phí chỉnh trang mặt sân và hệ thống tưới ngầm. Kết thúc V-League 2019, việc cải tạo mặt sân Vinh sẽ được tiến hành".

Mặt sân đẹp, cầu thủ mới "cháy" hết mình

Đó là nhận định của cựu tuyển thủ Minh Phương. Anh phân tích: sân cỏ tốt tươi, bằng phẳng thì cầu thủ thêm động lực, hưng phấn để "cháy" hết mình, làm hài lòng và có đá hay, đá đẹp mới lôi kéo được khán giả đến sân.

Cầu thủ ngày nay đều được đào tạo rất căn bản, kỹ thuật cá nhân hoàn chỉnh. Nhưng điều đó chỉ giúp họ phát huy tối đa phẩm chất vốn có nếu được đá trên mặt sân đúng quy cách. Việc phải chơi trên mặt sân lồi lõm là điều hết sức tai hại, thậm chí nguy hiểm bởi cầu thủ phải đối mặt với chấn thương rất khó lường trên mặt sân xấu.

Bài học từ sân Thống Nhất

14 trận của vòng loại U17, 13 trận vòng chung kết Giải U15 toàn quốc, tổng cộng có 27 trận đấu diễn ra trên sân Thống Nhất với mật độ 2 trận/ngày trong tháng 6 vừa rồi.

Tổ chức xong hai giải bóng đá trẻ, giám đốc Trung tâm TDTT Thống Nhất Trần Đình Huấn cho biết: "Từ lúc làm mới mặt cỏ hồi tháng 2 đến nay, chưa lúc nào sân Thống Nhất có mật độ thi đấu dày đặc như vậy. Tôi thật sự âu lo về chất lượng của mặt sân khi lượt về V-League 2019 khởi tranh trở lại trong tháng 7".

Tuy nhiên, điều ông Huấn lo lắng đã không xảy ra với mặt cỏ sân Thống Nhất.

Chuyên gia Chartchay Kake của Công ty Sport Turf Managament & Equipments (Thái Lan) - đơn vị tài trợ mặt cỏ cho sân Thống Nhất trị giá 6,8 tỉ đồng - cho biết: "Khi ông Huấn bày tỏ sự lo ngại về mặt cỏ, tôi trấn an ông chỉ 48 giờ sau khi giải bóng đá trẻ kết thúc, mặt cỏ sẽ tốt tươi và bằng phẳng, không việc gì phải lo ngại...

Cỏ trên sân bóng đá hay sân golf sẽ không bị cháy nếu được bón phân, lu bằng phẳng, bồi cát sau mỗi trận đấu và tưới nước đúng quy cách.

Mặt khác, cỏ chỉ trên sân Thống Nhất có tên gọi là Bermuda, rễ ăn sâu đến 20 phân, các nhánh cỏ bện vào nhau nên có độ bền và tuổi thọ cao hơn các loại cỏ chỉ khác hoặc cỏ lá gừng mà nhiều sân bóng đá ở VN hiện sử dụng".

Sân Thanh Hóa: sửa chữa khi mùa giải kết thúc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Đệ (bầu Đệ), chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hóa, thừa nhận những phản ảnh của các HLV về việc mặt SVĐ Thanh Hóa xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu là đúng thực tế.

Ông Đệ nói: "Chúng tôi cam kết kết thúc mùa giải năm nay, Thanh Hóa sẽ cho thi công nâng cấp ngay mặt sân cỏ, hệ thống chiếu sáng và một số hạng mục khác nhằm đảm bảo điều kiện tốt cho việc tập luyện và thi đấu. CLB cũng sẽ đề nghị với lãnh đạo UBND tỉnh giao cho Công ty cổ phần Bóng đá Thanh Hóa trực tiếp thi công, sửa chữa sân. Trong quá trình thi công, sửa chữa sẽ có sự giám sát chặt chẽ về chất lượng của Sở

VH-TT&DL, Sở Xây dựng và các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa". (HÀ ĐỒNG)

HLV Hữu Thắng lo tuyển thủ dính chấn thương vì mặt sân quá xấu HLV Hữu Thắng lo tuyển thủ dính chấn thương vì mặt sân quá xấu

TTO - HLV trưởng đội tuyển VN Nguyễn Hữu Thắng cho biết ông chỉ cầu mong không có cầu thủ nào của đội tuyển VN bị chấn thương sau trận đấu với Đài Loan diễn ra trên SVĐ Hàng Đẫy (tối 22-3) - nơi có mặt sân quá xấu.

SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên