27/03/2024 09:19 GMT+7

Mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện của TP.HCM đến năm 2030 sẽ có gì?

Bức tranh mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện của TP.HCM dần lộ diện với ba cụm xương sống đặt ở trung tâm, Tân Kiên (Bình Chánh) và TP Thủ Đức. Đi cùng sẽ có trung tâm cấp cứu đường không và đường thủy.

Trong tương lai gần, TP.HCM xây dựng trụ sở Trung tâm cấp cứu 115 tại huyện Bình Chánh và phát triển mạng lưới cấp cứu tại 4 khu vực - Ảnh: TTCC 115

Trong tương lai gần, TP.HCM xây dựng trụ sở Trung tâm cấp cứu 115 tại huyện Bình Chánh và phát triển mạng lưới cấp cứu tại 4 khu vực - Ảnh: TTCC 115

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký phê duyệt đề án triển khai cấp cứu ngoài bệnh viện (ngoại viện) tại TP.HCM theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn 2030 và giai đoạn tiếp theo nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình cấp cứu.

Đây là đề án được ngành y tế TP.HCM đeo đuổi nhiều năm qua, đặc biệt từ giữa năm 2023 đơn vị chủ động xin ý kiến góp ý rộng rãi từ các sở ngành và có tờ trình gửi UBND TP xem xét.

Ngoài việc nâng cấp, đầu tư các cơ sở vật chất hiện hữu, đề án lần này có nhiều điểm đột phá như sẽ xây dựng mới Trung tâm cấp cứu 115 tại xã Tân Kiên (Bình Chánh), hình thành hệ thống các cụm Trung tâm cấp cứu 115 tại khu vực trung tâm và TP Thủ Đức. 

Đặc biệt, bổ sung các trung tâm cấp cứu đường không và đường thủy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sau khi được phê duyệt đề án này, ông Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 - chia sẻ đây là tin vui cho ngành y tế, lực lượng cấp cứu ngoại viện và người dân. 

Ông đã chia sẻ rõ hơn về quy mô và chức năng nhiệm vụ của các trung tâm này.

Trung tâm cấp cứu 115 cụm Tân Kiên:

Có diện tích 10.700m², đặt tại cụm y tế chuyên sâu Tân Kiên. Theo ông Long, đây sẽ là trung tâm chỉ huy của hệ thống cấp cứu ngoại viện với cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại được thiết kế phù hợp với một trung tâm cấp cứu chuyên nghiệp.

Tại đây sẽ có khu huấn luyện, đào tạo thực hành cho chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện (paramedic); có khu cung ứng vật tư, thiết bị y tế, khu bảo hành, bảo trì chuyên dụng cho xe cấp cứu ngoại viện. Đặc biệt cũng sẽ có hẳn một trung tâm tiếp nhận cuộc gọi, tư vấn cách xử trí tại chỗ cho người dân, điều phối các đội cấp cứu ngoại viện (dispatcher).

Bác sĩ Long cho biết khi hình thành, trung tâm này sẽ cùng với các Trạm cấp cứu vệ tinh 115, các bệnh viện trong khu vực đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp cứu cho người dân trên địa bàn quận Bình Tân, quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh.

Để vận hành, trung tâm này được trang bị 15 xe cứu thương chuyên dụng, 5 xe mô tô cứu thương với nhân lực dự kiến là 99 người.

Trung tâm cấp cứu 115 cụm trung tâm:

Đặt tại cơ sở hiện hữu ở quận 10, đảm trách nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện tại khu vực trung tâm TP, đồng thời đảm bảo sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp tại các khu vực trọng điểm gồm UBND TP và các công trình giao thông, các lễ hội, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch trên địa bàn.

Trung tâm được trang bị 10 xe cứu thương chuyên dụng, 10 xe mô tô cứu thương với nhân lực dự kiến là 69 người. Bác sĩ Long cho biết trung tâm này sẽ cùng với các Trạm cấp cứu vệ tinh 115, các bệnh viện trong khu vực đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện cho người dân các quận: 1, 3, 4, 5, 7, 10, 11.

Trung tâm cấp cứu 115 cụm Thủ Đức:

Đặt tại khu đất có diện tích 29.000m², phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, chuyên đảm trách tiếp nhận cuộc gọi, điều phối cấp cứu ngoại viện khu vực TP Thủ Đức. Ngoài ra, trung tâm này còn là cơ sở dự phòng về hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo an ninh mạng cho cơ sở chính khi có các tình huống khẩn cấp xảy ra.

Trung tâm được trang bị 7 xe cứu thương chuyên dụng, 5 xe mô tô cứu thương với nhân lực dự kiến là 51 người. 

Trung tâm cấp cứu 115 hàng không:

Đặt tại khuôn viên Bệnh viện Quân y 175, cùng Bệnh viện Quân y 175 và Công ty Trực thăng Miền Nam (Binh đoàn 18) đảm trách nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện bằng đường hàng không cho người dân TP.HCM và khu vực phía Nam.

Trung tâm này được trang bị trực thăng cứu thương, 17 xe cứu thương chuyên dụng và 5 xe mô tô cứu thương với nhân lực dự kiến là 111 người.

Ngoài việc phát triển cấp cứu bằng đường không, trung tâm này sẽ cùng với các Trạm cấp cứu vệ tinh 115, các bệnh viện trong khu vực đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện cho người dân các quận, huyện gồm: 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Hóc Môn và Củ Chi.

Trung tâm cấp cứu 115 đường thủy:

Đặt trong khuôn viên của Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ (cũ), đảm trách nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện khu vực huyện Cần Giờ và phát triển mô hình cấp cứu đường thủy.

Theo bác sĩ Long, Trung tâm cấp cứu 115 đường thủy sẽ cùng với Bộ đội biên phòng TP, Công an TP, các Trạm cấp cứu vệ tinh và các bệnh viện trong khu vực đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện cho người dân huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Đồng thời, triển khai cấp cứu bằng đường thủy cho người dân TP.HCM và khu vực các tỉnh lân cận.

Hai giai đoạn phát triển mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện

Về thời gian thực hiện, đề án thống nhất chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ năm 2023-2026 sẽ ưu tiên thành lập và triển khai Trung tâm cấp cứu 115 cụm Tân Kiên, Trạm cấp cứu 115 đường không và Trạm cấp cứu 115 đường thủy.

Trong thời gian này, tiếp tục phát triển hoạt động Trung tâm cấp cứu 115 cụm trung tâm tại khu vực quận 10.

Giai đoạn 2 từ năm 2026-2030 sẽ thành lập Trung tâm cấp cứu 115 cụm Thủ Đức và hoàn thiện hoạt động Trạm cấp cứu 115 đường thủy.

Mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện ở TP.HCM: Đa dạng thêm đường bộ, đường thủy, đường khôngMạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện ở TP.HCM: Đa dạng thêm đường bộ, đường thủy, đường không

Đa dạng hóa loại hình cấp cứu đường bộ, đường thủy, đường không sẽ là giải pháp nhằm nâng cao năng lực, chất lượng và độ bao phủ cấp cứu ngoài bệnh viện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên