17/01/2017 10:34 GMT+7

Mãi nhớ thương chú Sáu Thảo

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - 17h ngày 16-1, lễ viếng ông Dương Đình Thảo bắt đầu. Ở nhà tang lễ, nhìn những người đến viếng ông, mới biết ông đã sống như thế nào.

*** Error ***
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang chia buồn cùng gia đình ông Dương Đình Thảo - nguyên trưởng Ban tuyên huấn Thành ủy TP.HCM - chiều 16-1-2017 - Ảnh: TỰ TRUNG

Từ rất sớm, nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan ban ngành, đoàn thể của TP.HCM, những đồng chí, đồng đội, bạn bè, người thân đã có mặt ở nhà tang lễ TP để chờ được tiễn đưa ông Sáu Thảo trong chuyến đi cuối cùng của cuộc đời.

Hai miền Nam - Bắc là nước Việt Nam

Tự nhận mình thuộc lớp “đàn em” ông Sáu Thảo, cụ ông Phan Nhẫn - năm nay đã 90 tuổi - bần thần ngồi thật lâu bên bàn ghi sổ tang. Ông là người đến sớm nhất, thắp nén nhang đầu tiên tiễn đưa người anh, người đồng chí thân thương về nơi cuối trời.

Tay run run, ông Nhẫn viết: “Gần 7 năm ở Paris trong đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, anh là người luôn bày tỏ rõ lập trường: Hai miền Nam - Bắc là nước Việt Nam. Người hai miền là dân tộc Việt Nam, nên chung lưng để kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là chân lý không bao giờ thay đổi, được sự ủng hộ của dư luận thế giới và trong nước”.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, nguyên đại sứ tại Vương quốc Anh, nhắc lại kỷ niệm với ông Sáu Thảo trong những ngày làm công tác ngoại giao: “Khi tôi tập tành vào ngành, anh Thảo đã là trưởng đoàn đại diện của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cộng hòa dân chủ Đức.

Tôi vinh dự cùng anh tham dự một số hội nghị quốc tế, hội thảo. Với nhiều cương vị khác nhau, anh Thảo là nhà ngoại giao sắc sảo, nhạy bén, ứng phó với những diễn biến phức tạp. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi và đồng nghiệp là tình cảm và sự chân tình anh luôn dành cho đồng chí, bạn bè. Đúng như một vị lãnh đạo TP đã nhận xét: Thật khó có được một người như anh Sáu Thảo”.

*** Error ***
Ông Dương Đình Thảo (tên thường gọi là chú Sáu Thảo, lúc đó là trưởng Ban tuyên huấn Thành ủy TP.HCM) dự buổi họp mặt thân mật nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ (2-9-1990) - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Chí tình, chí nghĩa

Cũng trong chiều 16-1, đoàn viếng lễ tang của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM do ông Đinh La Thăng - bí thư Thành ủy TP.HCM - dẫn đầu đã đến thắp hương cho ông Sáu Thảo. Cùng đi có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Tất Thành Cang, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm. Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng viết về ông Dương Đình Thảo: “Người cán bộ đảng viên trung kiên của Đảng, người cán bộ ngoại giao, cán bộ tuyên huấn của Đảng đã có nhiều công lao cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.

Riêng Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong xúc động viết: “Vĩnh biệt chú Sáu - người cán bộ ưu tú của Đảng. Cháu luôn ghi nhớ lời của chú: Phải sống chí nghĩa, chí tình với bạn bè đồng chí, hết lòng với cách mạng, kiên định mục tiêu lý tưởng đã chọn”.

Nguyên bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải bày tỏ: “Chú Sáu Thảo yêu quý của cháu. Là cán bộ lão thành cách mạng, chiến sĩ cộng sản kiên trung, suốt cuộc đời chú vì dân vì nước. Tấm lòng nhân hậu, trung thực, thẳng thắn mà hết mực chân tình, nghĩa tình sâu đậm với đồng bào, đồng chí là tấm gương mà chú luôn dặn dò, nhắc nhở”.

Nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua viết: “Cháu mãi nhớ và biết ơn chú Sáu Dương Đình Thảo. Những lời căn dặn tâm huyết, ruột gan về công việc của chú ở những nhiệm vụ khác nhau và về việc rèn luyện trong cuộc sống mà không ít điều cháu chưa làm được”.

Sinh thời, ông Dương Đình Thảo rất quan tâm đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Đến viếng ông, nhiều văn nghệ sĩ không thôi nhắc nhớ về những lời chỉ bảo ân cần, thắm tình của ông. Nghệ sĩ Bạch Tuyết chia sẻ: “Em cùng tất cả anh chị em, chú bác nghệ sĩ TP.HCM ơn anh chăm sóc, dạy dỗ để từng ngày hoàn thiện tài năng, nhân cách, phục vụ cho công chúng khán giả, sống hữu ích và sống biết ơn dân, ơn nước”. Theo nghệ sĩ Bạch Tuyết, riêng với bộ môn cải lương, nhờ có sự lãnh đạo của ông Sáu Thảo mới có những tác phẩm kinh điển lưu lại ngàn sau, mới có những chuyến đem chuông đi đánh xứ người làm rỡ ràng văn hóa dân tộc.

Còn họa sĩ Đặng Ái Việt thì tâm sự: “Ân tình của anh Sáu Dương Đình Thảo đối với Ái Việt sâu nặng vô cùng. Ái Việt chỉ mới ký họa chân dung anh, chưa kịp hoàn tất trong chương trình Chân dung đồng đội. Hôm nay tiễn đưa anh, Ái Việt vẫn nhớ anh hoài”.

Tiễn biệt nhà cách mạng, người chú, người anh

Ông DƯƠNG ĐÌNH THẢO, cán bộ tiền khởi nghĩa, sinh ngày 2-1-1924. Nguyên ủy viên Ban thường vụ Thành ủy (khóa IV), nguyên trưởng Ban tuyên huấn Thành ủy. Ông được trao Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Ông Dương Đình Thảo từ trần lúc 22h30 ngày 15-1-2017 (nhằm ngày 18 tháng chạp năm Bính Thân) tại nhà riêng, hưởng thọ 93 tuổi. Linh cữu quàn tại: nhà tang lễ TP, số 25 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3, TP.HCM. Lễ viếng từ 17h ngày 16-1-2017. Lễ truy điệu lúc 8h ngày 19-1-2017. Lễ động quan lúc 9h ngày 19-1-2017. An táng tại nghĩa trang TP (quận Thủ Đức).

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông Dương Đình Thảo kinh qua nhiều vai trò, nhiệm vụ. Trong đó đáng chú ý là từ tháng 6-1973 đến tháng 10-1974: ủy viên kiêm người phát ngôn đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị hai bên về Việt Nam ở Paris.

Sau ngày giải phóng, ông Thảo có thời gian làm giám đốc Sở Ngoại vụ, giám đốc Sở Văn hóa - thông tin TP.HCM, chuyên viên cấp cao của ông Nguyễn Văn Linh - thời điểm đó đang là thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên