13/03/2008 20:00 GMT+7

Lupus ban đỏ

BS LÊ THUÝ TƯƠI
BS LÊ THUÝ TƯƠI

TTO - Tôi có một ngừơi em gái, hiện nay 23 tuổi. Em tôi bị bệnh Lupus ban đỏ hệ thống và hội chứng Raynaud. Xin bác sĩ cho biết rõ hơn về căn bệnh này của em tôi. Bệnh của em tôi có nặng lắm không? Có điều trị hết được không?(Hop)

Trả lời của phòng mạch online:

Lupus là một từ latin có nghĩa là chó sói, xuất phát từ việc người bệnh thường có ban đỏ đặc trưng ở mặt giống như hình vết cắn của chó sói. Bệnh không khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát nếu được điều trị đúng. Lupus ban đỏ là một loại bệnh tổ chức liên kết mạn tính thường gặp. Nữ mắc bệnh nhiều hơn nam từ 8-10 lần và tuổi từ 20 - 40. Thường chia làm 2 loại: Lupus ban đỏ dạng đĩa và Lupus ban đỏ hệ thống. Như em gái chị là bị lupus ban đỏ hệ thống.

Nguyên nhân: Y học hiện đại cho rằng cơ sở của bệnh là một phản ứng tự miễn do hình thành các tự kháng nguyên tại các tổ chức đã bị biến đổi do nhiều nguyên nhân như cơ học (chấn thương), hóa học (thuốc, hoá chất), lý học (tia xạ, nóng, lạnh), vi khuẩn, vi rút. Cũng như trong quá trình tự miễn dịch nói chung, trong LE có vai trò của các hệ thống tế bào miễn dịch T và B (mất cân bằng giữa Lympho T và Lympho B).

Lupus ban đỏ hệ thống: là thể nặng nhất, có thể tiên phát hoặc thứ phát từ các thể khác chuyển thành, ngày càng gặp nhiều hơn. Tổn thương đa dạng ở da, nội tạng và nhiều cơ quan khác, có khi cấp diễn có khi từ từ, nhiều trường hợp tử vong sau thời gian ngắn, có khi tiến triển mạn tính, lúc tăng lúc giảm thất thường. Tổn thương da và niêm mạc như thể trên nhưng đa dạng hơn, rộng khắp hơn, kèm theo các tổn thương toàn thân như sốt, đau cơ, tổn thương khớp, nội tạng. Sốt nhẹ, có lúc cao đến 40-41oC (lúc bệnh cấp diễn).

Biểu hiện của bệnh gồm:

- Ban hình cánh bướm ở mặt (hai má và sống mũi).

- Sạm da, da nhạy cảm với ánh nắng.

- Sốt kéo dài.

- Rụng tóc.

- Loét miệng, loét họng.

- Đau nhức các khớp nhưng rất hiếm khi bị biến dạng khớp. Khoảng có 90% đau các khớp to nhỏ chân tay, biển hiện viêm khớp phong thấp, có khi dẫn đến teo cơ biến dạng, đau khớp cố định hoặc di chuyển

- Viêm các mạch máu nhỏ, viêm hạch, viêm cầu thận và cơ.

- Viêm và tràn dịch các màng (màng phổi, màng bụng, màng tim).

- Bệnh lý thần kinh trung ương và ngoại vi.

Tổn thương nội tạng: 30-50% tổn thương tim mạch (viêm nội hoặc ngoại tâm mạc, viêm cơ tim), 45-75% tổn thượng thận (viêm cầu thận, suy thận cấp), 25% biểu hiện biến chứng tâm thần kinh (co giật, liệt nứa người, rối loạn tâm thần, viêm dây thần kinh ngoại biên), 20-60% tổn thương phổi (viêm phổi, viêm màng phổi), ngoài ra có thể kèm theo rối loạn tiêu hoá; viêm gan viêm lách, sưng hạch rải rác.

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh có triệu chứng lâm sàng rất đa dạng, nhiều khi rất khó chẩn đoán, nhất là thể lupus không có tổn thương ngoài da. Như em gái chị đã bắt đầu có tổn thương mạch máu nhỏ với biểu hiện co mạch ở các đầu chi dẫn đến hội chứng Raynaud. Những lúc như thế nên ngâm tay vào nước ấm để mạch giãn ra sẽ đỡ đau.

Chị hỏi rằng triển vọng của em gái chị sẽ ra sao? Bình thường, hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus...) nhưng trong lupus ban đỏ hệ thống và các bệnh tự miễn khác, hệ miễn dịch mất khả năng phân biệt lạ-quen. Nó quay ra chống lại chính mình bằng cách sinh ra các kháng thể chống lại tế bào của hầu hết các cơ quan. Trong tên của bệnh, Lupus có nghĩa là chó sói, vì người bệnh thường có ban đỏ ở mặt giống hình vết cắn của chó sói. Từ "ban đỏ" để chỉ một dấu hiệu phổ biến ở hầu hết các bệnh nhân. Từ "hệ thống" được sử dụng do bệnh gây ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể.

Lupus ban đỏ hệ thống không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng. Trong giai đoạn nặng của bệnh đang cấp, người bệnh cần được nghỉ ngơi, nhưng vẫn cần một chế độ vận động hợp lý để tránh teo cơ và cứng khớp. Các thuốc chống viêm giảm đau không steroid như aspirin, ibuprofen, naproxen, nimesulide có hiệu quả tốt với các triệu chứng ở cơ và khớp. Thuốc dễ gây viêm loét dạ dày tá tràng nên phải dùng khi no.

Các loại corticosteroid chống viêm mạnh hơn nhóm thuốc trên nhưng cũng nhiều tác dụng phụ hơn, chỉ dùng trong trường hợp bệnh nặng có tổn thương nội tạng. Các tác dụng phụ thường gặp là viêm loét dạ dày tá tràng, tăng đường máu, loãng xương, rạn da, tăng nguy cơ nhiễm trùng, ức chế tuyến thượng thận. Do vậy, nên uống thuốc một lần sau bữa ăn sáng.

Các thuốc chống sốt rét như hydroxychlloroquine, chloroquine có hiệu quả khá tốt với tổn thương ở da và khớp. Thuốc ức chế miễn dịch như azathioprin (Imuran), cyclopphosphamide (Endoxan), cycloporin (Sandimum) có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên chỉ dùng trong những trường hợp nặng không đáp ứng với corticosteroid đơn thuần.

Người bị mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống cần có một cuộc sống lành mạnh, năng vận động, tránh bị sang chấn tâm lý. Da bệnh nhân lupus hệ thống rất mẫn cảm với tia mặt trời; vì vậy, cần chú ý không để ánh nắng và tia tử ngoại chiếu lên da. Khi ra nắng, phải mặc áo quần dài, che ô hoặc đội mũ. Tránh bị lạnh, nhất là lạnh đột ngột. Nên ăn các thực phẩm giàu canxi như sữa, các chế phẩm từ sữa, đậu nành; không ăn các gia vị cay, nấm hương, rau thơm; ăn ít dầu mỡ. Nên uống nước trà hoa cúc thường xuyên vì hoa cúc tính mát, có tác dụng giải độc.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

BS LÊ THUÝ TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên