11/01/2016 14:30 GMT+7

Lớp võ nghèo của Cao Ngọc Phương Trinh

NGUYÊN KHÔI (nguyenkhoi@tuoitre.com.vn)
NGUYÊN KHÔI (nguyenkhoi@tuoitre.com.vn)

TT - Chiều 9-1, cựu vô địch môn judo SEA Games Cao Ngọc Phương Trinh đã nở nụ cười hạnh phúc khi chứng kiến các học trò ở CLB judo Bình Khánh (Cần Giờ) lần đầu tiên giành HCV Hội khỏe Phù Đổng TP.HCM.

Phương Trinh hướng dẫn một học viên
Phương Trinh hướng dẫn một học viên "nhí" ở CLB judo Bình Khánh - Ảnh: N.K.

CLB judo Bình Khánh do Phương Trinh thành lập chỉ mới được hơn hai năm nay. Ấy vậy mà lứa học trò do nhà vô địch judo hạng cân dưới 48kg ở ba kỳ SEA Games liên tiếp (1991 đến 1995) trực tiếp đứng lớp đã sớm cho quả ngọt với 2 chiếc HCV giành được tại Hội khỏe Phù Đổng TP.HCM năm học 2015-2016.

Gặp lại Trinh tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) - nơi cô đang cùng cựu tuyển thủ quốc gia Trần Vũ Hiếu Hạnh đứng lớp giờ judo, “cô gái vàng” judo năm nào nở nụ cười hạnh phúc kể về CLB judo Bình Khánh.

Sau khi thuyết phục thành công ban giám hiệu Trường THPT Bình Khánh đồng ý cho mở CLB judo tại đây vào các tối ba, năm, bảy, Phương Trinh bỏ gần 70 triệu đồng tiền dành dụm đầu tư vào phòng tập. Tiền ít nên thảm tập chỉ là lớp bạt bên trên, còn bên dưới là cát, trấu và lớp mút mỏng. Thảm tập vài tháng bị lún, lồi lõm khiến học trò té đau, cô Phương Trinh lại đi mua trấu về đổ lại cho bằng.

Những khó khăn đó không ngăn cản được tình yêu của Trinh với các học trò ở xa. Sau giờ dạy chính khóa ở Trường Minh Khai, cô lại tranh thủ chạy ngay về Cần Giờ mỗi tối ba, năm, bảy - nơi những đứa học trò nghèo kêu cô bằng “sư phụ” ngóng đợi. Học trò đa số là con nhà nghèo, ba mẹ các em làm thợ hồ, công nhân hay chạy xe ôm... nên Phương Trinh chỉ lấy tiền những em có điều kiện để trang trải phần nào chi phí mặt bằng, tiền điện hằng tháng cho trường... Nhiều em được miễn học phí hoàn toàn, đặc biệt với những em cam kết chịu tập để có thể thi đấu giải.

Không chỉ vậy, Phương Trinh còn chịu khó tìm xin võ phục cũ còn tốt từ những học trò ở Trường Minh Khai hoặc từ người quen không còn sử dụng để các học trò nghèo có đồ chất lượng mặc khi thi đấu. Đấu xong, cô trò giặt võ phục sạch sẽ, đem cất lại để dành cho những giải sau.

Ở xa, nên mỗi kỳ thi lên đai hay đi thi đấu giải, cô trò lại phải dậy từ sớm và hẹn nhau tại bến phà lúc 5g20 để lên xe buýt và kịp đi chuyến phà lúc 5g30. Khó khăn nhiều như vậy, nhưng CLB Bình Khánh từ chỗ chỉ khoảng chục em đi tập thời gian đầu giờ đã nâng lên thành 40 người. Trong đó, nhiều em có tố chất tốt khiến Phương Trinh không giấu được niềm vui. Và 2 chiếc HCV tại Hội khỏe Phù Đổng mới đây chính là kết quả của nỗ lực lao động cật lực của cô trò Phương Trinh.

Chia sẻ về bí quyết để lôi kéo học trò, nhất là các em nhỏ hứng thú theo tập lâu dài, “cô gái vàng” của judo VN cho biết mỗi khi rảnh rỗi Phương Trinh thường vào Internet để tìm hiểu về cách dạy judo cho trẻ em cũng như cập nhật kiến thức mới. Bởi công việc dạy ở Trường Minh Khai và ở CLB Bình Khánh gần như chiếm gần hết thời gian của Phương Trinh. Có những lúc đứng chờ phà từ Nhà Bè sang Cần Giờ, Trinh lại lấy điện thoại ra tranh thủ lên Internet để cập nhật kiến thức. Chính tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp và niềm đam mê đã giúp Trinh có chỗ đứng vững chắc trong lòng nhiều học viên và phụ huynh.

Chia tay Phương Trinh, chúng tôi nhớ nhiều về nụ cười hạnh phúc của cô ở CLB judo Bình Khánh - nơi chắp cánh ước mơ cho Trinh và cho nhiều em bé nghèo mê võ…

Phương Trinh hạnh phúc bên các học trò giành thành tích tại HKPĐ TP.HCM năm học 2015-2016 - Ảnh: N.K.
Phương Trinh hạnh phúc bên các học trò giành thành tích tại HKPĐ TP.HCM năm học 2015-2016 - Ảnh: N.K.

 

Cảm ơn “sư phụ”

Ngoài lớp võ Bình Khánh, Phương Trinh và đồng đội cũ Hiếu Hạnh vẫn thay nhau đứng lớp chính ở giờ học judo chính khóa lẫn ngoại khóa của Trường Minh Khai. Điều làm Phương Trinh vui là nhiều phụ huynh bên ngoài nghe tên Phương Trinh đã tìm đến lớp ngoại khóa của trường vào buổi tối “gửi gắm” con em họ. Thậm chí lớp học ngoại khóa thu hút cả người nước ngoài đến học, như anh chàng 22 tuổi Tom Sinden (người Anh) mới sang VN bốn tháng dạy tiếng Anh.

Tom cho biết: “Tôi từng tập judo tại Anh. Khi nghe tôi nói muốn đi tập judo trong khi làm việc tại TP.HCM, cô bạn người Pháp của tôi đã lập tức chỉ tôi lớp judo ngoại khóa của cô Phương Trinh. Kỹ thuật ra đòn của cô Phương Trinh rất chuẩn, còn phương pháp giảng dạy thì rất sư phạm”.

Các học trò ở Cần Giờ khi nói về “sư phụ” Phương Trinh đều không giấu được sự tự hào. Võ sĩ Nguyễn Bảo Ngọc, 17 tuổi, nhà ở huyện Nhà Bè nhưng sang Cần Giờ học và giành HCV giải TP.HCM mở rộng 2015 cho biết: “Em học được rất nhiều ở sư phụ, không chỉ là chuyện võ thuật. Em sẽ nỗ lực tập luyện để có thể giỏi một phần giống sư phụ”.

NGUYÊN KHÔI (nguyenkhoi@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên