01/06/2020 13:32 GMT+7

Lộ thông, tài mới thông

TRẦN HOÀNG NGÂN  (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)
TRẦN HOÀNG NGÂN (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)

TTO - Có lẽ người sống trong khu vực, đặc biệt là giới làm ăn, đều nhận xét giao thông giữa TP.HCM với Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu quá tệ! Rộng ra, Long An - cửa ngõ về ĐBSCL với 13 tỉnh, là vựa nông sản nhiều tỉ USD - cũng không khá hơn.

Lộ thông, tài mới thông - Ảnh 1.

Cảng Thị Vải - Cái Mép - Ảnh: TTO

Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư của trung ương cho giao thông tại khu vực này còn rất thấp trong khi 5 địa phương này đóng góp 40% tổng thu ngân sách nhà nước, làm ra 38% GDP của cả nước. Điều này chẳng đúng với câu nói "lộ thông, tài mới thông".

Đúng vậy, đường mở đến đâu, kinh tế, giao thương phát triển đến đấy, người dân giàu lên, doanh nghiệp khấm khá, nộp thuế cho Nhà nước nhiều hơn. Như vậy, lẽ ra giao thông ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm 8 tỉnh thành) phải bon bon, thênh thang mới đúng!?

Vậy mà bao năm qua, khu vực này vẫn phải gồng lên để "vì cả nước, cùng cả nước". Và sau dịch COVID-19, trọng trách này lại đặt lên vai khu vực kinh tế này. Trong cuộc họp ngày 30-5 giữa Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh thành vùng trọng điểm phía Nam, các địa phương đã cam kết không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP và tổng thu ngân sách trên địa bàn. Một cam kết rất có ý nghĩa khi dịch COVID-19 đã làm sản xuất kinh doanh đình đốn, thu ngân sách giảm sút trong khi Chính phủ cần nhiều tiền để giúp nền kinh tế vượt khó.

Không lẽ vùng kinh tế trọng điểm này cứ gồng lên mãi? Lộ không thông, tài cũng khó thông. Nếu không cải thiện về giao thông, chuyện này sẽ đến rất gần, thật là lãng phí. Điển hình là chi phí logistics ở khu vực này rất cao, làm giảm đi tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong khu vực. 

Giao thông kém, khó lòng thu hút được đầu tư, đặc biệt là thu hút sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19. Tương lai gần, thử nghĩ khi sân bay Long Thành đón chuyến bay đầu tiên, nhưng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua Đồng Nai chưa có, cao tốc Long Thành - TP.HCM chưa được mở rộng, đoạn cao tốc Long Thành - Bến Lức còn ì ạch... tất cả là điểm trừ cho hiệu quả của dự án xây sân bay.

Còn đó bài học cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), rất gần với các khu công nghiệp sản xuất hàng hóa ở Đồng Nai nhưng chậm phát huy hết hiệu quả bởi đường kết nối chưa đồng bộ.

Chúng ta đã quá chậm trong đầu tư giao thông trong khi khu vực này vẫn phải là động lực phát triển kinh tế quốc gia. Do vậy, nơi đây phải có đường thênh thang, để "lộ thông, tài thông". Không cách nào khác phải tăng tốc tối đa làm hạ tầng để bù lại cho thời gian đã mất. Trước hết, cần đưa hoạt động liên kết giữa các địa phương sôi động và thực chất hơn.

Làm sao các thành viên trong vùng kinh tế đều có lợi khi tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của vùng tăng. Thậm chí ngân sách nhà nước được phân bổ theo cơ chế đặc biệt, giữa các địa phương có quyền ứng vốn cho nhau để thực hiện những dự án giao thông trọng điểm. Ví dụ, Bà Rịa - Vũng Tàu cần mở đường đến cảng Cái Mép - Thị Vải nhưng chưa đủ vốn, TP.HCM, Đồng Nai... có thể ứng vốn để hoàn thành con đường.

Một vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với bộ dạng mới về giao thông chính là lời mời gọi nhà đầu tư, du khách hiệu quả nhất. Được vậy, "tài thông" sẽ đến với người dân, doanh nghiệp và cả Nhà nước.

Thủ tướng: Thủ tướng: 'Giao thông, giao thông và giao thông. Đất đai, đất đai và đất đai'

TTO - Đó là kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đón làn sóng đầu tư mới của tám tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vào chiều tối 30-5.

TRẦN HOÀNG NGÂN (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên