26/09/2018 11:32 GMT+7

Linh, hãy bước tiếp!

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Viên Trần Mỹ Linh - nữ sinh tuổi 18 đầy mộng mơ chỉ mơ duy nhất một điều: hết bệnh. Ngay trước khi trở thành tân sinh viên, Linh phải trải qua một cuộc phẫu thuật dài đến 8 tiếng để cắt bỏ hết xương hàm dưới và ghép xương cổ chân lên hàm.

Linh, hãy bước tiếp! - Ảnh 1.

Linh (trái) và mẹ trước ngày vào phòng mổ tại Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mẹ yếu đuối rồi thì tôi phải cứng để mẹ dựa vào, chứ tôi mà bi lụy nữa là gục ngã luôn.

VIÊN TRẦN MỸ LINH

Cách mà Linh đương đầu với bệnh tật để hoàn thành xuất sắc mọi kỳ thi, giữ danh hiệu học sinh giỏi mỗi năm là một hành trình mà không phải ai cũng làm được nếu không có một niềm tin mãnh liệt. 

Bạn vừa đậu vào ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bệnh tật

Linh nhớ như in từng mốc thời gian của bệnh tật như những nấc thang địa ngục mà bạn gồng mình lê từng bước chân vượt qua. 12 tuổi, cái tuổi còn quá nhỏ để Linh hiểu căn bệnh mà bác sĩ ghi "u xương hàm dưới cằm" là gì. 

Nhưng Linh hiểu được nỗi khổ những cơn đau. Nó dai dẳng và đay nghiến như muốn hạ gục Linh khi bác sĩ mổ thông túi, bảo tồn hàm. Năm đó, Linh nằm viện hai tuần liền tại TP.HCM nhưng khi trở về, bạn vẫn bắt nhịp và đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Năm 14 tuổi, khi chuẩn bị ôn thi từ lớp 9 lên lớp 10, bác sĩ thông báo: "nó ăn lại rồi". Nhưng để cho cô gái nhỏ hoàn thành kỳ thi, bác sĩ đặt lịch hẹn nhập viện cho Linh sau kỳ thi chuyển cấp. 

Năm đó, Linh bắt đầu hiểu rằng căn bệnh như đang có vô vàn con sâu đục khoét, phá hủy xương hàm của mình. 

Ngay hôm sau kết thúc kỳ thi, Linh khăn gói từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên TP.HCM nhập viện. Do răng của Linh vẫn đang phát triển, các bác sĩ cố gắng phẫu thuật nhưng vẫn bảo tồn hàm bằng cách gắn nẹp. 

Cứ mỗi ngày ba lần, Linh phải tự tháo một nắp đậy trong hàm để súc rửa khoang miệng.

Đến năm 16 tuổi, bệnh tình tái phát. Linh lần nữa khăn gói lên bệnh viện khi đang học dở dang lớp 11. Hành trang mang vào viện của Linh đầy ắp sách vở. 

Hằng đêm, Linh gắng gượng đèn sách ngay ở phòng bệnh. Không thầy cô, chẳng bạn bè, Linh lủi thủi một mình học bài trong căn phòng u ám. 

Linh buồn, nhưng không tuyệt vọng. Thẳm sâu trong tâm hồn đôi lúc cũng lợn cợn sự tủi thân dù Linh luôn tỏ ra mạnh mẽ. 

Ngay cả khi trở lại trường, những cơn đau âm ỉ, sự khó khăn khi nói chuyện cũng ít nhiều khiến Linh mặc cảm với bệnh tật. Vậy mà bạn đã kiên cường vượt qua tất cả. Ngay cả với cú sốc mất đi người trụ cột trong gia đình...

Không lùi bước

Đó là vào tháng 3-2017, cha Linh - một đầu bếp cần mẫn - bỗng dưng lên cơn nhồi máu cơ tim. Sau đó một thời gian, cơn bạo bệnh đã xô ngã người cha yêu thương ra khỏi vòng tay của Linh, để lại cho gia đình nghèo khó này một số tiền nợ chạy chữa bệnh hơn 280 triệu đồng. 

Mẹ Linh, bà Trần Thị Loan (43 tuổi), với đồng lương công nhân may 4 triệu đồng mỗi tháng, lại phải nuôi ba chị em Linh ăn học. 280 triệu, đó là con số khủng khiếp. 

Nhưng tiền bạc chẳng là gì bởi mất đi người thân, mất đi tình thương yêu của cha là nỗi mất mát không gì bù đắp được. Dù ai cũng động viên, nhưng sẽ thật khó để họ hiểu được những gì Linh vừa trải qua.

Linh gọi đó là một cú sốc của nghịch cảnh. Ở trong tận cùng đau khổ đó, với Linh, bệnh tật của mình cũng chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Cô chỉ còn cách duy nhất: đương đầu. 

Nhưng thực lòng, Linh trở nên mạnh mẽ hơn khi số phận dù đẩy cô đến bên bờ vực của tuyệt vọng nhưng cũng sắp đặt cho Linh gặp được hai nữ giáo viên dạy văn chân tình. 

Một người mắc căn bệnh giống Linh, còn một người luôn kề cạnh bên cô. Chính những lời động viên, an ủi của cô giáo lúc ngặt nghèo nhất đã tiếp thêm cho Linh động lực để bỏ lại nỗi buồn sau lưng mà bước tiếp. 

Bây giờ, Linh quan niệm mọi thứ "bình thường thôi". Ngồi trong căn phòng bệnh tại Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương trước ngày phẫu thuật, Linh vẫn lạc quan nghĩ rằng: "Cuộc sống tạo thử thách cho mình, rơi vào mình thì đành chịu. Đó là số phận rồi, chứ tiêu cực thì cũng chẳng giải quyết được gì".

Những giọt nước mắt

Nhưng Linh đã khóc trong lần tái khám mới đây, đó là lần đầu tiên Linh rơi nước mắt trong suốt hành trình chữa bệnh. 

Lần này, bác sĩ đã nói những cụm từ mà Linh chưa nghe bao giờ: "ca mổ lớn", "phức tạp", "ít nhất 8 tiếng", "phải mời bác sĩ Chợ Rẫy", "chi phí 80 triệu đồng"... 

Đớn đau đã từng, nghị lực có thừa. Nhưng Linh khóc vì số tiền quá lớn và nghĩ đến chặng đường học phía trước bởi năm nay Linh vào đại học.

Còn bà Loan, chỉ nghĩ tới từ "bệnh viện" thôi là người mẹ tảo tần này đã bật khóc rưng rức. Bà sợ lắm một nỗi lo vô hình mà bà đã trải qua hơn một năm. Nó bao trùm hết cả những nỗi lo cơm áo gạo tiền và viện phí cho con những ngày sắp tới. 

Cầm mô hình xương hàm 3D của Linh với cả hàm dưới đã bị phá hủy gần như toàn bộ, người mẹ này không kìm được nước mắt. 

Đến bước đường cùng thì còn lại gì cũng phải lo cho con, ngay cả người mẹ già của bà Loan năm nay đã 80 tuổi, dành dụm được ít tiền dưỡng già cũng trút hết đưa cho cháu ngoại 40 triệu đồng chữa bệnh. 

Trước ngày vào phòng mổ, chúng tôi đến thăm Linh, cô vẫn cười dù nói rằng ca mổ có thể làm khuôn mặt cô biến dạng. "Mẹ yếu đuối rồi thì tôi phải cứng để mẹ dựa vào, chứ tôi mà bi lụy nữa là gục ngã luôn" - Linh nói.

Ngày 7-8, bà Loan thông báo con gái đã hoàn thành ca mổ. Linh đã bắt đầu hồi phục sức khỏe. Cùng lúc này, Linh nhận được thông báo đậu đại học ở quê nhà Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Dù phía trước còn nhiều chông gai, nhưng với Linh đã có một cánh cửa rộng mở. Đó là cánh cửa bước vào giảng đường đại học!

Một nữ sinh đầy bản lĩnh

Cô Bùi Thị Thúy Ngân (giáo viên dạy văn Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, TP Vũng Tàu) cho biết Linh là một học sinh giàu nghị lực, điều này xuất phát từ chính hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình.

"Linh đối diện với vấn đề sức khỏe, hoàn cảnh gia đình đầy bản lĩnh, chín chắn. Em là điểm tựa tinh thần cho mẹ bởi mẹ em không chỉ mất đi trụ cột gia đình mà còn mất đi một chỗ dựa về kinh tế.

Dạy em hai năm liên tiếp, tôi có sự quý mến với em. Tôi cố gắng động viên, khích lệ và đồng hành với những suy nghĩ của Linh với mong muốn giúp em vượt qua được những giai đoạn khó khăn của cuộc đời" - cô Ngân nói.

Tiếp sức đến trường: Tin ở tương lai Tiếp sức đến trường: Tin ở tương lai

TTO - 11 năm nay, mẹ bại liệt nằm một chỗ, cha già thường đau yếu nên cuộc sống gia đình luôn túng khó. Thế nhưng chừng ấy năm, Hương vẫn tin sẽ thay đổi cuộc sống của mình bằng việc học hành chăm chỉ.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên