Lên Facebook chỉ để săn đồ cũ

HOA KIM 05/04/2024 06:30 GMT+7

TTCT - Trong thời mạng xã hội đìu hiu chợ chiều, chính Facebook đã trở thành một cái chợ theo đúng nghĩa đen, nơi người ta mặc sức mua bán đồ cũ, thực hành tiết kiệm giữa thời bão giá.

Ảnh: Rafael Henrique/SOPA Images

Ảnh: Rafael Henrique/SOPA Images

Theo New York Times, một trong những lý do hiếm hoi còn sót lại để gen Z vẫn còn chơi Facebook là để tiết kiệm tiền. 

Thế hệ này vốn chỉ thích Instagram, TikTok và Snapchat. Với họ, Facebook, tức "mạng xã hội của ông bà", không phải nơi để giao lưu kết nối, mà để tìm vài món hời - rao bán trên "chợ đồ cũ" Marketplace.

Dùng Facebook chỉ để… đi chợ

"Tôi chỉ sử dụng Facebook để vào Marketplace" - Ellicia Chiu (24 tuổi) nói với báo New York Times. Phần lớn thời gian sử dụng mạng xã hội của cô là để lướt TikTok và Instagram. 

Tháng 12-2023, Chiu và bạn cùng nhà Cher Su chuyển từ Los Angeles đến sống tại một căn hộ ở thành phố New York với hành trang gọn gàng. 

Họ sẽ mua sắm vật dụng nhà bếp, đồ trang trí và một số đồ nội thất cơ bản sau khi dọn đến. Địa điểm săn hàng cũ người mới ta, giá cả phải chăng chính là Marketplace.

"Ở độ tuổi 20, tôi muốn có những thứ tốt đẹp hơn nhưng bản thân chưa đủ tài chính để đạt được điều đó" - Chiu giải thích. Với cô, điểm cộng của Marketplace là có giao diện dễ sử dụng hơn so với các nền tảng mua bán đồ cũ khác, giúp việc tìm kiếm đồ nội thất giá hời rất thuận tiện.

Theo Yoo-Kyoung Seock, giáo sư tại Đại học Georgia (Mỹ) có nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của gen Z, Marketplace là phiên bản hiện đại hơn của các nền tảng với chức năng tương tự đã hoạt động từ lâu như eBay hay Craigslist.

Thành công đáng chú ý của nó phần lớn là nhờ sự tin tưởng của người dùng kết hợp với lạm phát gia tăng và một thế hệ trẻ ngày càng ý thức về tác động lên môi trường của chủ nghĩa tiêu dùng cũng như mong muốn giảm thiểu tác động đó bằng cách mua sắm đồ cũ, Yoo-Kyoung nhận xét.

Ra mắt năm 2016, Marketplace ghi nhận hơn 1 tỉ người dùng hoạt động hằng tháng và là trang web trực tuyến phổ biến thứ 2 về mua bán đồ cũ chỉ sau eBay, theo một cuộc khảo sát năm 2022 của công ty cung cấp dữ liệu thị trường Statista.

Meta - công ty sở hữu Facebook - không nhắc nhiều đến Marketplace trong các thông tin truyền thông chính thức cũng như hạn chế phân tích liệu họ có tầm nhìn phát triển nền tảng này trong dài hạn hay không trong các báo cáo thường niên, theo New York Times.

Lên Facebook chỉ để săn đồ cũ- Ảnh 2.

Thuận mua vừa bán

Khác với Craigslist - nơi thật sự như một "chợ trời" trực tuyến khi là nơi bất cứ ai có thể đăng bán bất cứ thứ gì - cơ chế gắn liền với tài khoản Facebook của Marketplace cho phép người bán và người mua có hồ sơ cá nhân chính chủ với đánh giá từ những người từng giao dịch trong quá khứ để tạo uy tín.

Việc tích hợp với công cụ nhắn tin phổ biến Messenger của chính Facebook càng làm quá trình trao đổi trở nên dễ dàng và thuận tiện. 

Marketplace hiện miễn phí cho người mua và tính phí giao dịch đối với người bán muốn sử dụng công cụ thanh toán tích hợp, nhưng khoản phí này hoàn toàn có thể tránh được bằng cách trao đổi bằng tiền mặt hoặc qua các kênh chuyển tiền khác ngoài Facebook. 

Chiu cho biết cô thường trả tiền bằng nền tảng thanh toán di động Venmo, nhưng cũng sẵn sàng mang theo tiền mặt nếu người bán yêu cầu.

Món hàng ưng ý nhất mà Chiu và Su từng mua được từ Marketplace là chiếc đi văng hiệu West Elm đã sử dụng 1 năm với giá chỉ 145 USD, trong khi giá mua mới lên đến 1.200 USD. Tổng cộng, Chiu và Su cho biết họ chỉ tốn khoảng 1.400 USD cho hơn 30 sản phẩm "săn" được trên Marketplace, tức tiết kiệm được hơn 3.000 USD nếu so với mua mới.

Sebastian Ramos (21 tuổi) là một ví dụ khác về người trẻ không sử dụng mạng xã hội Facebook nhưng lại thích lướt Marketplace để tìm hàng cũ giá rẻ. "Bạn không cần trả nhiều tiền cho một món đồ mới trong khi có thể tìm thấy món đã qua sử dụng, thậm chí chỉ mới sử dụng rất ít, với giá rẻ hơn rất nhiều" - Ramos nói.

Sarah Williams (24 tuổi) thì mới sinh con gần đây và cho biết Marketplace là nơi đầu tiên cô bắt đầu tìm mua đồ trẻ em khi biết mình có thai. 

Món đồ đầu tiên trong danh sách là một chiếc nôi bằng gỗ có giá thị trường lên đến 1.200 USD và nằm ngoài ngân sách của cô, nhưng may mắn Williams đã tìm được một bà mẹ khác sống gần nhà muốn nhượng lại chiếc nôi với giá chỉ 300 USD. 

"Đó là một cuộc trao đổi thân tình và tạo cho tôi cảm giác thật đáng yêu" - Williams nói và cho biết cô hy vọng sẽ tìm được những bà mẹ khác muốn nhượng lại đồ đạc mà con họ không còn sử dụng.

Lên Facebook chỉ để săn đồ cũ- Ảnh 3.

Lừa đảo rình rập

Không phải tất cả thương vụ của Chiu và Su đều thành công: họ từng mua một cây cảnh trên Marketplace nhưng không phát hiện ra cây bị thối rễ cho đến khi thay chậu mới. 

Chiu đề nghị hoàn lại 50% số tiền và được người bán chấp nhận, nhưng không phải lần nào cô cũng gặp may mắn như vậy. Su từng mua một chiếc giá sách và mang về đến tận nhà mới phát hiện nó bị hỏng và không bao giờ đòi được tiền bồi hoàn.

"Ngoài ra cũng có nhiều người lừa đảo cố gắng moi thông tin cá nhân khi bạn nhắn tin hỏi về sản phẩm" - Su cảnh báo. Tin nhắn rác là một vấn đề nhức nhối khác của Marketplace. Peter Panduro (32 tuổi), một kỹ sư phần mềm tại Thụy Điển, cho biết anh từng nhận một loạt tin nhắn rác với nội dung tương tự từ nhiều tài khoản khác nhau trên khắp thế giới sau khi đăng bán trên Marketplace hồi tháng 12-2023.

Tháng 1 năm nay, TSB - một ngân hàng bán lẻ có trụ sở tại Scotland với hơn 5 triệu khách hàng - công bố một số liệu gây sốc khi phát hiện 60% các vụ gian lận mua hàng được khách hàng báo cáo trong năm 2023 đều bắt nguồn từ Facebook Marketplace, tăng gấp đôi sau một năm.

Khoảng 1/3 số bài đăng bán trên nền tảng này có dấu hiệu lừa đảo, TSB cảnh báo, đồng thời kêu gọi Meta bổ sung thêm các biện pháp bảo vệ người dùng. 

"Người tiêu dùng vô tội quá dễ bị lừa bởi những hồ sơ, quảng cáo và bài đăng giả mạo và thiếu sự bảo vệ" - báo Wall Street Journal dẫn lời người phát ngôn TSB Matt Hepburn.

Một số ngân hàng khác của Mỹ cũng đã phát đi cảnh báo về các nguy cơ gắn với Marketplace, trong đó có Empeople Credit Union, United Bank & Trust và Merrimack County Savings Bank. Ủy ban thương mại liên bang Hoa Kỳ (FTC) cho biết các vụ lừa đảo bắt nguồn từ mạng xã hội đã gây thiệt hại 1,5 tỉ USD vào năm 2023.

Về phần mình, Meta cho biết đã đầu tư rất nhiều vào đội ngũ đánh giá nội dung và các công cụ phát hiện chuyên dụng để xác định hoạt động gian lận, cũng như cung cấp hướng dẫn và công cụ để giúp mọi người phòng tránh lừa đảo.

Theo Kevin Lee, phó chủ tịch công ty quản lý gian lận Sift, những món đồ thường được kẻ lừa đảo sử dụng làm mồi nhử bao gồm phụ tùng xe hơi, vé sự kiện và đồ điện tử - những món hàng giá trị cao nhưng người mua khó lòng xác thực chất lượng tại chỗ.

"Người mua nhẹ dạ nhìn thấy một món hời và muốn chốt giao dịch ngay lập tức. Trong nhiều trường hợp, họ sẵn sàng bỏ qua những điểm đáng nghi" - Wall Street Journal dẫn lời Lee.

Theo cây bút Emma Brockes của báo The Guardian, cái thú của việc giao dịch trên Marketplace đôi khi không liên quan nhiều đến số tiền mà nó tạo ra. "Facebook biết điều này, vì nó biết mọi thứ về chúng ta, bắt đầu từ việc chúng ta dễ bị lợi dụng như thế nào - Brockes viết - Sự hồi hộp của cuộc chơi mới là quan trọng. Đó là sự thỏa mãn tuy nhỏ nhưng rất thật khi thanh lý được một chiếc xe máy cũ nát để lấy tiền tươi thóc thật".

Còn với Chiu và Su, việc có thể kết nối và gặp gỡ những người bạn mới khi nhận hàng mua trên Marketplace là một phần thú vị trong trải nghiệm chuyển nhà và định cư tại ngôi nhà mới của họ. "Đó là khởi điểm của Facebook và thật tuyệt khi Marketplace cũng đang thúc đẩy điều đó" - Su nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận