14/01/2021 10:00 GMT+7

Lạnh 'thấu xương'!

CHÍ TUỆ - DOÃN HÒA
CHÍ TUỆ - DOÃN HÒA

TTO - Mấy ngày qua không khí lạnh mang giá rét phủ trùm Bắc Bộ và tràn sâu xuống phía Nam khiến đời sống, sinh hoạt của người dân nhiều tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề.

Lạnh thấu xương! - Ảnh 1.

Học sinh một trường tiểu học ở huyện Tương Dương, Nghệ An được thầy cô đốt củi sưởi ấm trong sân trường để tránh cái lạnh “thấu xương” - Ảnh: TUYẾT CHINH

Lần đầu tiên người dân ghi nhận hình ảnh băng tuyết phủ trắng diện rộng núi đồi các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung Bộ cảm nhận cái lạnh "thấu xương" và miền Nam cũng đo được nhiệt độ thấp nhất trong vòng 40 năm qua. Dẫu lạnh, người dân vẫn phải gồng mình mưu sinh.

Trắng đêm dầm mình dưới cống

22h đêm 12-1, trời Hà Nội lạnh 9-100C, đường Nguyễn Tuân (Q.Thanh Xuân) vắng lặng hơn mọi ngày. Một nhóm công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội dụng cụ trên tay lặng lẽ chui xuống cống, dầm mình trong dòng nước thải nồng nặc để làm công việc thường nhật của họ.

Anh Hoàng Văn Trọng - tổ trưởng tổ cơ giới số 5, phụ trách nạo hút cống - cho hay kế hoạch nạo vét cống đã có từ trước nên dù thời tiết lạnh dưới 100C cũng phải làm. 

"Ở dưới nước nhiều tiếng đồng hồ trong giá rét mùa đông, nhất là vào ban đêm, khiến công việc chúng tôi càng khó khăn hơn. Bình thường một công nhân có thể hút được 4 ống cống, nhưng thời tiết lạnh thế này chúng tôi phải thay nhau, anh em làm 2 ống cống rồi nghỉ, người khác lại xuống làm để đảm bảo sức khỏe" - anh Trọng nói.

Gần 2h sáng 13-1, anh Hà Đức Tuấn (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cùng nhóm công nhân có mặt ở phố Hàng Bún (Q.Ba Đình). Khoác vội bộ quần áo lội nước, anh Tuấn cho biết nhiệm vụ của nhóm phải dọn dẹp hết đoạn cống trên tuyến phố Hàng Bún và phố Phạm Hồng Thái. 

Nói xong, anh Tuấn chui xuống lỗ cống, nước ngập tới ngực, đen ngòm. Anh bắt đầu đưa tay xuống mò những chất thải rắn như vỏ chai, mảnh sành hay cành cây rồi đưa ống xuống hút lớp bùn, váng mỡ.

"Làm công việc này phải hết sức khéo léo, vì không ai biết dưới cống có những gì, không ít lần tôi mò được bơm kim tiêm hay bị mảnh bát, chai vỡ cứa vào chân. Chưa kể việc ngâm mình trong nước lạnh cũng khiến cơ thể cảm thấy rét cắt da nên công việc cũng khó khăn, vất vả hơn" - anh Tuấn nói.

Lạnh thấu xương! - Ảnh 2.

Công nhân môi trường đô thị (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) xuống cống trong đêm lạnh trên đường Nguyễn Tuân (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) - Ảnh: C.PHƯƠNG

Mặc áo phao giữ ấm để chạy xe ôm

Từ 5h sáng 13-1, trời rét 100C, gió rít từng cơn cắt da cắt thịt. Anh Hoàng Văn Tuấn (47 tuổi), người có 19 năm chạy thận tại Hà Nội, rời phòng trọ chưa đầy 10m2 trong ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị (Q.Hai Bà Trưng) ra cổng Bệnh viện Tai mũi họng trung ương cách nơi ở chừng 500m để tìm khách đi xe ôm. 

Anh từ quê Nam Định lên Hà Nội đầu năm 2002 làm đủ thứ việc, lúc đầu là bán trà đá, sau chuyển qua chạy xe ôm vừa mưu sinh vừa để có tiền chạy thận. Mùa đông năm nay trời rét cóng nhưng anh chưa nghỉ ngày nào.

"Trời lạnh buốt cũng ngại đi vì khách đi taxi nhiều hơn, nhưng tôi vẫn tự nhủ cố gắng dậy sớm đi từ 4-5h sáng để kiếm tiền, nếu không cuộc sống sẽ khó khăn hơn" - anh Tuấn kể. 

Bệnh của anh nặng nên mỗi tuần phải chạy thận 3 lần vào buổi chiều. Mỗi lần chạy thận xong rất mệt mỏi nhưng buổi tối có khách quen gọi anh vẫn đi để kiếm thêm tiền và giữ khách. "Vợ ở quê làm nông, nuôi con cũng không dư dả. Còn tôi ở trên này cố gắng tự kiếm tiền mưu sinh. Nếu chạy đều thì mỗi tháng kiếm được 3-4 triệu đồng.

Những hôm lạnh 100C, tôi phải mặc 2 áo phao để giữ ấm hơn. Đêm tôi không dám chạy, chỉ có khách quen tôi mới đi. Còn chủ yếu tôi chạy xe ôm từ sáng sớm và ban ngày" - anh Tuấn nói.

Lạnh thấu xương! - Ảnh 3.

Người dân phường Hàm Rồng (Sa Pa) đi tránh rét cùng đàn trâu nhà mình - Ảnh: VŨ TUẤN

Đốt củi sưởi ấm cho trò

Giờ ra chơi, nhóm học sinh Trường tiểu học Na Ngoi 2, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cùng quây quần bên đống củi được thầy cô đốt ở góc sân trường sưởi ấm. Đợt rét đậm vừa qua, học sinh trường này được nghỉ học nhưng có 30 học sinh bán trú, nhà ở xa nên nhà trường cho các em ở lại.

Thầy Lâm Nguyên Ngọc - hiệu trưởng nhà trường - cho biết xã Na Ngoi là nơi rét hơn so với các vùng khác trong huyện vì nằm ở dưới dãy núi Phu Xai Lai Leng, cao hơn 1.500m so với mực nước biển. Hôm rét nhất, nhiệt độ tại trường đã xuống 10C. 

"Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh bán trú, các em được tập trung lại một phòng, quây bạt tránh gió lùa vào. Thầy cô ở lại trực ngoài chăm lo ăn uống cho học trò còn đốt thêm củi sưởi ấm", thầy Ngọc nói.

Theo ông Phan Văn Thiết - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn, hầu hết các trường trong huyện đều có học sinh bán trú. Vì vậy, phòng đã chỉ đạo các trường tăng cường các biện pháp chống rét cho học sinh, đốt củi để sưởi ấm. "Các trường không tổ chức hoạt động ngoài trời, lùi lịch dạy học muộn hơn trong buổi sáng. Khi thời tiết ấm lên sẽ cho các em đi học trở lại và dạy bù để kịp chương trình" - ông Thiết nói.

Ông Thái Văn Thành - giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An - cho biết sở đã có văn bản yêu cầu các trường chủ động cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 100C đối với học sinh ở bậc tiểu học, mầm non và dưới 70C đối với học sinh bậc THCS, THPT.

Lạnh thấu xương! - Ảnh 4.

Anh Hoàng Văn Tuấn mời khách đi xe ôm tại cổng Bệnh viện Tai mũi họng trung ương tối 13-1 - Ảnh: CHÍ TUỆ

Cuối tuần miền Bắc đón đợt rét đậm, rét hại mới

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 14-1 các tỉnh Bắc Bộ trời rét khô, đêm và sáng sớm trời vẫn rất rét với mức nhiệt 7-100C, vùng núi 4-70C, vùng núi cao có nơi dưới 00C.

"Theo nhận định của chúng tôi, sau đợt không khí lạnh mạnh tăng cường ngày 10 và 11-1 gây mưa tuyết ở khu vực vùng núi thì khoảng ngày 17 và 18-1 có thêm một đợt gió mùa đông bắc mạnh nữa ảnh hưởng đến nước ta và đợt gió mùa đông bắc mạnh này cũng có thể sẽ tạo ra một đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ cũng như các tỉnh Bắc Trung Bộ" - ông Nguyễn Hữu Thành, phó trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định.

Đưa trâu xuống vùng thấp tránh rét

Lạnh thấu xương! - Ảnh 6.

Bữa cơm “du mục” của những chủ trâu tối 13-1 - Ảnh: VŨ TUẤN

Khu bìa rừng gần thủy điện Cốc San, xã Cốc San, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai mấy năm nay thành nơi tạm cư của bà con nông dân từ Sa Pa xuống. Chuẩn bị đón đợt gió lạnh đầu tiên, người dân ở các xã vùng cao của Sa Pa đưa trâu xuống núi tránh rét. Nhà ít thì 7-8 con trâu, nhà nuôi nhiều có vài chục con.

Mã A Pho, chủ trâu ở tổ 1, phường Hàm Rồng, lúi húi nấu ăn trong căn lều quây bằng lá cọ. Căn lều chỉ vài mét vuông, vừa là chỗ ngủ vừa là chỗ nấu ăn, để đồ, thuốc thú y. Mấy ngày mưa rét, nước dột qua mái lá ướt cả chăn màn nhưng A Pho bảo: "Chịu rét quen rồi, chỉ sợ đàn trâu bị "cước" chân, chướng bụng mà chết. Ở đây ấm hơn Sa Pa, nhưng không được chủ quan".

Quanh khu lều của A Pho có hơn chục căn lều tạm. Cứ bốn ngày hoặc mỗi tuần một lần, người nhà thay nhau mang gạo, mang thức ăn từ Sa Pa xuống Cốc San tiếp tế cho người trông trâu. "Ngày mưa thì xe máy cũng không vào được, mình phải vác gạo hơn một cây số mới đến được lều. Khổ mấy cũng phải chịu để cho con trâu có chỗ tránh rét" - Mã A Óng, chủ một đàn trâu, nói.

Lạnh thấu xương! - Ảnh 7.

Những chiếc lều được người dân dựng ngay bên bìa rừng để trông trâu - Ảnh: V.TUẤN

Ông Vũ Xuân Quý, trưởng Phòng kinh tế - hạ tầng thị xã Sa Pa, cho hay những năm trước cứ đến mùa rét là chính quyền Sa Pa xuống làm việc với chính quyền các xã vùng thấp hơn để mượn đất, tạo điều kiện cho bà con đưa trâu đi tránh rét. "Đến nay đã thành nếp, cứ đến mùa rét là bà con đưa trâu xuống, khi nào nắng ấm thì đưa về. Tất nhiên, từng con trâu đều được chúng tôi tiêm phòng, đảm bảo phòng dịch mới cho đưa đi" - ông Quý nói.

Mỗi năm, người nuôi trâu ở các xã vùng cao Sa Pa phải di cư cùng đàn trâu ba tháng. Có năm rét hại kéo dài, phải đi hơn bốn tháng. Theo thống kê của Phòng kinh tế - hạ tầng thị xã Sa Pa, năm nay có hơn 400 hộ dân lùa trâu xuống núi, số trâu được đưa đi tránh rét tới hơn 6.000 con. Mấy ngày mưa rét, nhiệt độ ở các xã vùng cao Sa Pa xuống 00C, có đêm lạnh đến -40C. Mấy ngày rét hại, băng giá phủ trắng núi cao, Sa Pa có hơn 130 con trâu chết rét. Những hộ có trâu chết đều có chuồng trại, quây kín để giữ ấm, có nhà còn đốt lửa sưởi nhưng trâu vẫn chết vì quá lạnh.

Vùng trâu "tạm cư" ở bìa rừng ấm áp hơn, khoảng 90C. Chưa có con nào đổ bệnh, Mã A Pho vui vẻ nói: "Người chịu rét cũng được, nhưng phải cho con trâu xuống núi để trâu không chết. Nhà mình chỉ bán trâu mới có nhiều tiền, chịu khổ để con trâu được khỏe là tốt rồi".

Mùa băng giá này hơn 400 người từ vùng núi cao Sa Pa (Lào Cai) lại theo đàn trâu xuống núi tránh rét. Họ căng lều, dựng lán ở bìa rừng như một làng du mục và sống cùng đàn trâu đợi đến ngày nắng ấm. 

VŨ TUẤN

Miền Trung, miền Nam nhiệt độ thấp kỷ lục

Quảng Nam: miền núi lạnh giá, học sinh nghỉ học

Một số huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam như Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang... mấy ngày nay trời giá buốt, nhiệt độ xuống khoảng 100C cộng với mưa tạo nên lạnh tê tái. Bà Hồ Thị Thửa (53 tuổi, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn) cho biết mấy ngày nay trời mưa lạnh "thấu xương", người dân không dám bước ra khỏi nhà, lên rẫy. Còn ông Hồ Văn Tư (40 tuổi) cho biết do quá lạnh, người dân phải dùng muối hòa loãng với nước để cho trâu bò uống, chống chọi với cái lạnh.

Tại huyện Tây Giang những ngày qua có nơi nhiệt độ xuống dưới 50C như thôn Ch’Nốc (xã Ch’Ơm), GLao, Dading (xã Ga Ry). Do quá lạnh nên huyện đã quyết định cho học sinh mầm non, tiểu học 4 xã vùng cao, khu vực biên giới với Lào như Tr’Hy, Ga Ry, A Xan, Ch’Ơm và một số điểm trường khác nghỉ học đến hết tuần này.

Lạnh thấu xương! - Ảnh 8.

Người dân huyện Tương Dương, Nghệ An đốt củi sưởi ấm cho đàn trâu bò trong ngày giá rét - Ảnh: DOÃN HÒA

Quảng Ngãi: Lý Sơn rét nhất từ năm 1987 đến nay

Theo Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn vừa có đợt lạnh kỷ lục. Nhiệt độ đo được trong rạng sáng 13-1 tại Lý Sơn là 16,10C. "Đây là nhiệt độ thấp nhất đo được tại Lý Sơn từ năm 1987. Trên toàn tỉnh, có thể nói đây là đợt lạnh kỷ lục trong hàng chục năm qua" - ông Nhâm Xuân Sỹ, giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, nói. Theo ông Sỹ, nhiệt độ ở vùng đồng bằng và trung du Quảng Ngãi trong đợt này khoảng 14,5-15,50C, khu vực miền núi khoảng 10-120C.

Tại huyện miền núi Sơn Tây, ông Đỗ Thanh Vượt - chủ tịch UBND xã Sơn Long - nói: "Chưa có đợt rét nào khủng khiếp đến vậy". Ông Đinh Quang Ven - chủ tịch UBND huyện Sơn Tây - cho biết trong khoảng một tuần qua nhiệt độ trung bình của địa phương 10-130C. Tuy nhiên cảm giác rất rét bởi mưa phùn liên tục. Mọi việc làm của người dân ngoài nương rẫy bị đình trệ. Chính quyền huyện Sơn Tây khuyến cáo bà con lùa gia súc về chuồng trại, che kín bằng bạt và đốt lửa sưởi ấm.

Lạnh thấu xương! - Ảnh 9.

Trẻ em xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi đốt lửa sưởi ấm - Ảnh: TRẦN MAI

Huế: gần 500 con trâu, bò chết

Hôm qua 13-1, thời tiết ở Thừa Thiên Huế đã tạnh ráo nhưng nhiệt độ vẫn còn rất thấp. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch UBND huyện A Lưới, tính đến ngày 13-1, toàn huyện miền núi biên giới này đã có gần 500 con trâu, bò bị chết do thời tiết rét đậm kéo dài. Số trâu bò bị chết chủ yếu do người dân duy trì thói quen chăn nuôi thả rông trong rừng, thiếu chủ động trong phòng chống rét cho gia súc.

Một số nơi huyện A Lưới, nhiệt độ về đêm có khi chỉ còn 80C. Các vùng đồng bằng và TP Huế nhiệt độ cũng xuống thấp, diện tích đang gieo mạ vụ lúa đông xuân của bà con nông dân cũng bị ảnh hưởng lớn. Ở TP Huế, lâu lắm rồi người dân phải chịu cảnh thời tiết rét đậm như năm nay.

Những ngày qua, người dân đổ xô đi mua lò sưởi, thiết bị sưởi ấm tại các trung tâm điện máy lớn ở Huế. Chị Mai Loan, chủ cửa hàng điện máy - điện lạnh Quốc Đạt, cho biết chỉ trong 2 ngày cửa hàng của chị đã bán hết loại máy sưởi cỡ nhỏ giá từ 500.000- 2 triệu đồng, vốn là loại máy được tìm mua nhiều nhất trên thị trường hiện nay.

Lạnh thấu xương! - Ảnh 10.

Người dân ngồi bên đường, lạnh co ro khi nhiệt độ TP.HCM xuống 190C sáng 13-1- Ảnh: CHÂU TUẤN

Nam Bộ lạnh nhất trong vòng 40 năm

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng qua 13-1, không khí se lạnh mùa đông xuất hiện rõ ở nhiều tuyến đường tại TP.HCM. Vào sáng sớm nhiệt độ có lúc đã giảm xuống còn 18-190C và kèm theo hiện tượng mù nhẹ vài nơi. Người dân phải mặc áo ấm, kèm theo khăn quàng cổ và đeo khẩu trang để giữ ấm cơ thể.

Trong khi đó nhiệt độ đo được tại trạm đo Tà Lài (Đồng Nai) ngày 13-1 là 14,40C. Ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết đây là mức nhiệt thấp kỷ lục từ năm 1978 đến nay tại miền Nam. Tuy nhiên trong 2-3 ngày tới nhiệt độ các tỉnh thành Nam Bộ sẽ ấm dần lên.

Trong khi các tỉnh phía Bắc băng giá xuất hiện trên núi thì tại miền Trung, một số huyện đảo ghi nhận đợt rét kỷ lục từ nhiều thập niên qua, nhiều nơi trâu bò chết hàng trăm con.

L.TRUNG - T.MAI - P.TUẦN - L.PHAN - C.TUẤN

Không khí lạnh suy yếu dần, miền Bắc tăng nhiệt Không khí lạnh suy yếu dần, miền Bắc tăng nhiệt

TTO - Từ ngày 14-1, miền Bắc tăng nhiệt rõ rệt. Nhiệt độ ban ngày ở đồng bằng đạt ngưỡng cao nhất 18-20 độ C, có nắng hanh. Nhiệt độ ngày và đêm chênh nhau nhiều, cảm giác rét buốt vẫn xuất hiện về đêm và sáng.

CHÍ TUỆ - DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên