25/05/2018 13:19 GMT+7

Làm đề án vì cái gì?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Phải nhìn vào "túi tiền" nhà nước, vào ngân khố quốc gia trước khi duyệt đề án, nhất là những đề án sẽ tiêu tốn hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng từ ngân sách.

Làm đề án vì cái gì? - Ảnh 1.

"Khi lập và duyệt đề án, cần phải nghĩ đến và chia sẻ với tình hình chung của ngân sách đất nước hiện nay" - GS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục, đã thốt lên như vậy khi đề cập đến đề án 750 tỉ đồng đổi mới thi mà Bộ GD-ĐT vừa phải thu hồi khẩn.

Không chỉ có GS Phạm Minh Hạc, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định: Phải nhìn vào "túi tiền" nhà nước, vào ngân khố quốc gia trước khi duyệt đề án, nhất là những đề án sẽ tiêu tốn hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng từ ngân sách.

Cũng có ý kiến cho rằng cần đưa kiểm toán giáo dục vào cuộc để một đồng chi từ ngân sách cũng được "cân", "đong" chặt chẽ. 

Tuy nhiên, chính một chuyên gia kiểm toán khi chia sẻ với Tuổi Trẻ cũng thừa nhận việc kiểm toán rất quan trọng, nhưng đó không phải là "lá bùa" để ngăn chặn mọi chi phí không hợp lý. 

Nếu người ta cố lợi dụng một đề án để lấy tiền ngân sách, vẽ ra đủ thứ chi phí thì kiểm toán cũng khó lòng kiểm soát hết.

Hồi hộp, vất vả với những kỳ thi nặng nề suốt bao năm qua, hẳn nhiều bậc phụ huynh rất trông chờ vào một đề án đổi mới để thi cử khách quan, công bằng và bớt căng thẳng hơn. 

Nhưng nhìn vào đề án 750 tỉ đồng có tên "đổi mới thi..." mà rốt cục chỉ để tiếp tục tổ chức những kỳ thi "về cơ bản không thay đổi gì" thì ai nấy không khỏi hụt hẫng, hoang mang.

Đề án bị rút lại theo lý giải của Bộ GD-ĐT là vì lý do tài chính, "nhiều khoản có sự trùng lắp", "thiếu khả thi", "một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi"... 

Có lẽ những người làm đề án đã quên mất nguyên tắc quan trọng khi làm đề án giáo dục trước hết phải nghĩ đến con người, chứ không phải nghĩ đến tiền. 

Một đề án luôn phải sòng phẳng và minh bạch xem mục tiêu của nó là gì, có lợi cho ai, phạm vi áp dụng ra sao, nguồn lực thực hiện thế nào? 

Còn nếu cứ sốt ruột vì có cảm giác chỗ khác kiếm tiền nhiều hơn, dễ hơn thì khó tránh vào vết xe đổ của những đề án nhiều tỉ mà kết quả chẳng đâu vào đâu.

Trong thực tế, có không ít đề án được vẽ ra một cách rất phản cảm, nó phản ánh phần nào cách làm đã tồn tại từ nhiều năm qua. 

Có vị đại biểu Quốc hội khi đăng đàn về chi tiêu ngân sách nói chung đã từng thốt lên "không biết dùng từ gì để tả" vì "nó lãng phí vô cùng". 

Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, Chính phủ và Bộ Tài chính nỗ lực tăng thu cho ngân sách, các bộ, ngành không thể vô tư đứng ngoài cuộc.

Dư luận hoan nghênh phản ứng kịp thời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi chỉ đạo khẩn trương thu hồi đề án. 

Nhưng nhiều người cũng đặt câu hỏi đề án đã được vị thứ trưởng "ký thay bộ trưởng" phê duyệt từ hơn một tháng trước, tại sao phải đến khi báo chí phản ánh, bộ trưởng mới thấy bất hợp lý để thu hồi?

Có câu danh ngôn rằng: "Tất cả trẻ con đều bịt tai trước những lời khuyên răn, dạy bảo của bạn, nhưng chúng sẽ mở mắt thật to xem bạn làm gì". 

Có lẽ hơn ai hết, những nhà quản lý giáo dục hiểu rất rõ nếu chính mình không thể làm tấm gương thì rất khó để giáo dục cho học sinh về lý tưởng và những điều tốt đẹp...

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên