20/04/2024 10:56 GMT+7

Kỷ lục gia Ngô Thị Thanh Tâm và dự án đào tạo trà sư

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm, người nhận kỷ lục thế giới do Liên minh Kỷ lục thế giới trao tặng (kỷ lục thế giới về bộ sưu tập ấm chén tử sa "Tâm trà diệu bảo" ở các niên đại có số lượng nhiều nhất thế giới) đang triển khai dự án đào tạo trà sư.

Trà sư - kỷ lục gia thế giới Ngô Thị Thanh Tâm - Ảnh: NVCC

Trà sư - kỷ lục gia thế giới Ngô Thị Thanh Tâm - Ảnh: NVCC

Kỷ lục gia Thanh Tâm trò chuyện với Tuổi Trẻ về dự án của mình.

* Vì sao bà lại mong muốn mở trường đào tạo trà sư?

- Tôi có nhiều cơ hội trò chuyện cùng các bạn trẻ yêu mến trà, có một mức độ am hiểu về trà, cách pha chế cũng như cung cách thưởng thức trà khá tốt. Phần lớn các bạn đều chia sẻ trăn trở về việc Việt Nam chưa có trường chính thức đào tạo trà sư.

Các bạn trẻ ngày nay một phần theo học các lớp về trà sư tại nước ngoài. Còn phần đông tại Việt Nam, các bạn trẻ đang làm nhiều việc tích cực cho trà Việt, dường như chỉ tự tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm từ các bậc đi trước, chứ chưa ai thật sự có bằng cấp chính quy cả.

Nhiều bạn trẻ khi đến với tôi đều bày tỏ, nếu mở học viện về trà, các bạn sẽ là những người đầu tiên theo học.

* Quy trình và cách thức để mở học viện hay viện đào tạo trà sư có khó khăn không?

- Từ khi có ý tưởng mở học viện về trà, tôi đã tìm hiểu tất cả các thủ tục, tiến hành liên thông hợp tác với nhiều trường và các trà sư, trong đó có cả các vị là thầy của mình, hay các đồng môn cùng học với mình đã tốt nghiệp về dạy.

* Bà có thể chia sẻ về những bằng cấp sau khi học các lớp trà sư?

- Bản thân tôi sau nhiều năm theo học đã có một số bằng cấp nhất định. Về trà sư thường có hai loại: chuyên viên thẩm định trà - chuyên bình phẩm trà; trà nghệ sư - học về cách pha một ấm trà ngon, cách biểu diễn hay tổ chức một buổi tiệc trà.

Điều này liên quan đến trà phong, tức phong cách, đạo đức của người pha trà và một chút về thẩm định trà, bởi để trình bày được một ấm trà ngon, người pha bên cạnh động tác thuần thục còn cần có độ am hiểu trà nhất định.

Đối với tôi còn một yếu tố quan trọng, đó là niềm đam mê và tình yêu dành cho trà. Tôi đặc biệt dành tình yêu cho trà Việt.

Khi đi biểu diễn nghệ thuật trà hay tham gia các buổi trò chuyện với bạn bè nước ngoài, tôi cũng thường giới thiệu trà Việt và được đón nhận, đánh giá rất cao.

* Những công việc thiết thực mà trà sư có thể làm sau khi tốt nghiệp là gì, thưa bà?

- Tại Trung Quốc, nếu muốn kinh doanh một cửa hàng trà, mở một trà thất… bắt buộc phải có bằng trà sư, trong đó ít nhất là bằng trà nghệ sư. Bởi lẽ trước khi trở thành biểu tượng văn hóa, trà là một trong những loại thức uống phục vụ cho nhu cầu ẩm thực của con người.

Cũng như muốn kinh doanh thực phẩm cần có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh trà cũng cần có chứng nhận riêng, đảm bảo người kinh doanh hay trực tiếp pha chế có kiến thức nhất định, biết phân biệt loại trà, đảm bảo an toàn cho người thưởng thức.

* Theo bà, văn hóa trà được định hình như thế nào trong tổng thể văn hóa Việt Nam?

- Ông bà ta có câu "chén trà là đầu câu chuyện", cho thấy sự tụ họp, sum vầy cũng thành hình từ ấm trà giản đơn.

Có thể thấy trà xuất hiện trong hầu hết các dịp lễ quan trọng của người Việt như tiệc cưới hỏi, hiếu hỷ, Tết, cúng kính, ngoại giao… và trong sinh hoạt ẩm thực thường nhật của gia đình Việt.

Với tất cả ý nghĩa đó, trà là một nét văn hóa không thể thiếu trong tổng thể văn hóa nói chung của Việt Nam chúng ta.

Việc ứng dụng trà ngày nay không chỉ riêng về vấn đề văn hóa mà rộng hơn là vấn đề sức khỏe, người ta thưởng trà không chỉ vì nét đặc sắc của từng loại trà mà còn vì để giữ gìn sức khỏe bản thân.

Trà Sử quán ở bảo tàngTrà Sử quán ở bảo tàng

Hoàn thành thạc sĩ tại Pháp, về nước và đang thỉnh giảng cho một số trường đại học tại TP.HCM, Trần Công Danh hiện còn là ông chủ trẻ của Trà Sử quán nằm ngay trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên