25/06/2019 06:33 GMT+7

Kỳ 4: Mái nhà xưa của Quang Hải, Duy Mạnh...

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Đó là Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội - nơi đã phát hiện và nhào nặn nên một loạt những cái tên lừng lẫy như Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Đức Huy, Huy Hùng, Hùng Dũng…

Kỳ 4: Mái nhà xưa của Quang Hải, Duy Mạnh... - Ảnh 1.

Niềm vui của Quang Hải và Duy Mạnh sau bàn thắng vào lưới U23 Hàn Quốc tại VCK U23 châu Á 2018 - Ảnh: N.KHÔI

Xa nhà, các con mới 10-12 tuổi thương lắm, có đứa đêm bắt thầy điện thoại cho bố mẹ lên ngủ mới chịu.

HLV NGUYỄN TRỌNG HỒNG

Nhà thi đấu (NTĐ) Gia Lâm nằm cách trung tâm Hà Nội 15km là nơi mà những cầu thủ của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội (trung tâm) ăn ở, tập luyện. Khác hẳn với mô hình "lò" đào tạo bóng đá hiện đại như: PVF, Viettel, HAGL, lò đào tạo bóng đá Hà Nội gần như không ai biết tới.

Lò đào tạo không ai biết tới

Nói là lò đào tạo bóng đá thì hơi quá, thực chất nơi các cầu thủ nhí của trung tâm tập luyện chỉ có hai sân tập với một sân cỏ nhân tạo và một sân cỏ tự nhiên. Chỗ ăn ở của các cầu thủ là gầm của NTĐ Gia Lâm với hai phòng tập thể, mỗi phòng rộng vài chục mét vuông.

Những cầu thủ nhí được bố trí ở trong các giường tầng, quần áo được treo vào móc giăng khắp phòng vì không có tủ đựng. Dưới gầm giường mỗi em là những chiếc hòm sắt để tư trang cá nhân. Mùa hè Hà Nội nóng như đổ lửa nhưng không phòng nào có điều hòa, mỗi VĐV được trang bị một chiếc quạt điện để cuối giường.

Hiện NTĐ Gia Lâm có 70-80 cầu thủ nhí ở độ tuổi 10-15 đang ăn tập tại đây. Một buổi đi học văn hóa và một buổi học bóng đá. 100% chi phí đào tạo của trung tâm là ngân sách từ Sở VH-TT Hà Nội. 

Chỉ những cầu thủ đã được đào tạo tại NTĐ Gia Lâm và trụ lại được, đến khi tốt nghiệp cấp III sẽ được chuyển về Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội tại Mỹ Đình.

5h sáng đã phải thức giấc, những cậu bé bắt đầu bước vào bài tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đến trường. Buổi chiều 15h ra sân tập bóng đến 17h và tối lại tiếp tục học bài về nhà. 

HLV Nguyễn Trọng Hồng cho biết từ năm 2019, mỗi VĐV được hưởng chế độ tiền ăn 175.000 đồng/người/ngày, mỗi ngày mỗi cầu thủ được 40.000 đồng tiền công. Trước kia, thời Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng còn khó khăn, thiếu thốn hơn.

2/3 cầu thủ bị đào thải HLV Nguyễn Trọng Hồng là người quản lý các VĐV bóng đá nam của trung tâm. Anh cũng là người đã trực tiếp tuyển chọn và đào tạo những Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng từ khi các em còn là những cậu bé 9-10 tuổi.

Anh Hồng chia sẻ: "Lứa đầu tiên mà chúng tôi tuyển chọn và tập luyện tại NTĐ Gia Lâm là các em sinh năm 1988. Lúc đó, trung tâm tuyển đầu vào được 30 em 13 tuổi và đến thời điểm này chỉ còn Quốc Long đang thi đấu cho CLB Sài Gòn. Mỗi lứa 30 em nhưng để chơi được ở hạng nhất, V-League chỉ có 2-3 em, một số ít thì đi đá phong trào. 2/3 trong số 30 em đó bị đào thải và trở về địa phương.

Lứa cầu thủ sinh năm 1992 trung tâm đào tạo hiện đang đá ở V-League có Huy Hùng (CLB Quảng Nam); lứa 1994 có Đỗ Hùng Dũng (CLB Hà Nội); lứa sinh năm 1995 có Đức Huy, Minh Long (CLB Hà Nội); lứa 1996 có Duy Mạnh (CLB Hà Nội); lứa 1997 có Đình Trọng, Quang Hải (CLB Hà Nội)…

Xa nhà, các con mới 10-12 tuổi thương lắm, có đứa đêm bắt thầy điện thoại cho bố mẹ lên ngủ mới chịu. Tôi nhớ những ngày trời chuyển từ đông sang hè, khi thầy bảo các con vào lấy chăn ra giặt cho khô, nhiều con không biết lôi cả vỏ lẫn lõi chăn bông ra giặt. Khi đến thấy các con hì hục lôi cả đống chăn bông lên phơi mà rớt nước mắt".

Kỳ 4: Mái nhà xưa của Quang Hải, Duy Mạnh... - Ảnh 3.

Giấc ngủ trưa của các cầu thủ nhí Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội

Quang Hải bộc lộ năng khiếu đặc biệt

Nói về kỷ niệm "nhặt" được Quang Hải, Đình Trọng và Duy Mạnh, anh Hồng cho biết đó là vào năm 2007. Khi được các HLV giới thiệu ở huyện Đông Anh có mấy cháu rất tốt nên anh đã đến xem các cầu thủ này chơi ở giải thiếu niên, nhi đồng của Hà Nội và tuyển vào trung tâm. Ngay trong năm 2007, thầy trò anh Hồng vào TP.HCM dự Giải bóng đá nhi đồng toàn quốc và bị loại ngay ở vòng bảng.

Anh Hồng chia sẻ: "Quang Hải lúc được tuyển vào trung tâm mới 10 tuổi. Là cầu thủ nhỏ nhất nhưng Hải đã bộc lộ năng khiếu chơi bóng đá đặc biệt. Đức Huy thì chơi 1 năm ở đội Hải Dương sau đó mới được lên trung tâm. Lúc đầu Huy mới lên cũng bỡ ngỡ lắm, các HLV phải dỗ dành để con ở lại với đội. Trong số 5 VĐV Hải Dương được tuyển lên trung tâm thời điểm đó chỉ có Đức Huy trụ lại được, còn tất cả đều bị đào thải".

Mơ được một lần dắt tay Quang Hải

Nằm trong căn phòng mà Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng đã từng ăn, ở suốt nhiều năm tại gầm NTĐ Gia Lâm, các cầu thủ nhí mơ ước một ngày sẽ trở thành những Quang Hải trong tương lai. 

Vì niềm đam mê với trái bóng nên dù trong cái lạnh cắt da thịt hay cái nóng như đổ lửa, những cậu bé này vẫn nỗ lực để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình.

Nguyễn Tiến Đạt (12 tuổi) đến từ Bắc Giang hiện đang ở lứa U13 cho biết em đến với trung tâm đã được 2 năm: "Những ngày đầu từ Bắc Giang về Hà Nội, em khóc vì nhớ nhà. Em luôn mơ ước được đá bóng, được nổi tiếng như anh Quang Hải nên dù rất nhớ bố mẹ vẫn quyết tâm ở lại". 

"Có hôm em được ra sân Hàng Đẫy để dắt tay các anh CLB Hà Nội đá V-League, em đã mơ ước mình được dắt tay anh Quang Hải nhưng hôm đó lại không được dắt tay anh ấy. Em mong mình sẽ được dắt tay anh Hải và nói với anh ấy em mong sẽ được như anh trong tương lai" - Đạt chia sẻ.

Nguyễn Hữu Trường (huyện Quốc Oai, Hà Nội, 13 tuổi) cho biết cha mẹ là công nhân nhưng mơ ước của em là trở thành tuyển thủ quốc gia. Thần tượng của Trường là Đình Trọng nên cũng mong một ngày có thể được như thần tượng của mình. 

Dù gian khổ, xa gia đình và đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt nhưng những cậu bé như Trường, Đạt vẫn không thôi nỗ lực để thực hiện mơ ước là cầu thủ chuyên nghiệp.

Vì sao Đình Trọng có biệt danh Trọng "ỉn"?

HLV Nguyễn Trọng Hồng cho biết sở dĩ trung vệ Đình Trọng có biệt danh Trọng "ỉn" là khi còn nhỏ ở trung tâm Đình Trọng rất béo. Vì béo nên được các đồng đội và bạn bè gọi là Trọng "ỉn". Giờ Đình Trọng dù không còn béo như xưa và nổi tiếng trong vai trò trung vệ thép của đội tuyển VN nhưng biệt danh đó vẫn theo anh.

Kỳ cuối: Tây khác ta chỗ nào?

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên