Kumon - dạy toán để rèn người

THÁI BÌNH 07/09/2007 18:09 GMT+7

TTCT - Chuyện kể rằng bên xứ Phù Tang (Nhật Bản) có một người cha tên là Toru Kumon. Là thầy giáo dạy toán nhưng con trai ông lại học kém môn này.

Phóng to
Ông Yoda Shoji và bé Đan Thư, một trong các học sinh học vượt trình độ chỉ sau vài tháng theo học Kumon

Ca học đầu tiên bắt đầu lúc 15g với hai mươi mấy đứa trẻ. Một số bé chỉ 3-4 tuổi nhưng đã biết tự xếp cặp vào kệ, lấy đúng túi nhựa của mình, chào giáo viên và nộp bài tập về nhà. “Bíp”, “bíp”, “bíp”... học sinh bấm đồng hồ đo thời gian trên bàn học trước khi làm bài tập tại lớp.

Từ 17g trở đi, học trò 11, 12 tuổi đến lớp càng đông. Các em bấm đồng hồ và tự giác làm bài tập giống hệt như người lớn tập trung làm công việc.

Ngay từ lúc ghi danh theo học Kumon, học sinh đã phải làm quen với chiếc đồng hồ đo thời gian. Về sau này, dù là giải bài tập hay chơi trò xếp chữ số, các em đều phải bấm đồng hồ. Ông Yoda Shoji, tổng giám đốc Kumon Việt Nam, cho biết: “Làm thế để sau này lớn lên học sinh biết chủ động quản lý, tiết kiệm quĩ thời gian quí giá của mình”.

Hiện có hơn 4 triệu học sinh của 45 quốc gia, vùng lãnh thổ theo học chương trình Kumon.

Trung tâm Kumon Việt Nam được thành lập năm 2006 tại địa chỉ: 157 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM (www.kumon.com.vn).

Lớp học Kumon bao gồm học sinh đủ mọi lứa tuổi, màu da, quốc tịch ngồi học chung. Một giáo viên giải thích: “Mỗi em học theo giáo trình khác nhau. Hơn nữa, các em phải tự học chứ giáo viên đâu có giảng bài chung cho cả lớp”. Theo ông Yoda Shoji, tự học sẽ giúp trẻ có kiến thức rộng lớn hơn nhiều so với kiến thức từ thầy giáo theo cách học truyền thống; hơn thế, về sau này trẻ sẽ là người biết tự tìm giải pháp cho những vấn đề gặp phải trong cuộc sống.

Nhưng làm thế nào để trẻ rèn luyện được kỹ năng tự học? Ông Toru Kumon, cha đẻ phương pháp Kumon, từng viết: “Phải biết rõ ni chân của từng học sinh để chọn cho mỗi em đôi giày vừa vặn nhất”.

Chị Diễm Châu, mẹ bé Thiên Phước, cho biết: “Ở trường dạy kiến thức, còn nơi đây dạy cách học. Điều quan trọng là con bé cảm thấy cần phải học và tiến bộ rất nhanh. Hơn thế, bé ngày càng độc lập hơn trong suy nghĩ”. Về cách học “tự vượt chính mình”, ông Yoda Shoji chia sẻ: “Chúng tôi quan niệm mỗi đứa trẻ là một tài năng tương lai cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và rèn luyện tính cách để phát triển như một nhân cách độc lập”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận