17/08/2019 07:23 GMT+7

Kiếm trăm triệu mỗi tháng vẫn bị chồng chê 'vô tích sự'

ThS tâm lý TRẦN XUÂN
ThS tâm lý TRẦN XUÂN

TTO - Mỗi tháng chị N. kiếm được hơn trăm triệu đồng, không còn thời gian cơm nước, chăm sóc con cái. Khi con hỏi sao mẹ không đón, chồng chị thẳng thừng: 'Mẹ mày là đồ vô tích sự'.

Kiếm trăm triệu mỗi tháng vẫn bị chồng chê vô tích sự - Ảnh 1.

San sẻ công việc với vợ cũng là cách để quan tâm nhau - Ảnh minh họa: N.C.T.

Dù ở cương vị nào đi nữa thì người phụ nữ cũng cần có sự chia sẻ, cảm thông và sự yêu thương, tôn trọng từ phía người đàn ông - người bạn đời của mình.

ThS tâm lý Trần Xuân

Một ngôi nhà dù lớn hay nhỏ, dù tiện nghi hay đơn giản nhưng nếu thiếu đi sự vun đắp của cả vợ và chồng thì đó chỉ đơn thuần là một ngôi nhà, không phải là một mái ấm.

"Đàn bà ở xó nhà thì biết gì?"

Anh D. được mọi người trong khu phố tôi biết đến là một người đàn ông thành đạt trong kinh doanh vật liệu xây dựng. Căn nhà 5 tầng cao chót vót cộng thêm gia đình anh có hơn 20 phòng trọ cho thuê, anh bàn với vợ nghỉ việc để ở nhà chăm lo con cái, quán xuyến nhà cửa.

Vợ anh D. ở nhà cả ngày bận bịu, hết con lớn rồi đến con nhỏ, nấu cơm rồi đến giặt đồ cộng với việc cả ngày chạy ra chạy vào phụ bán hàng cho khách. Vậy mà mỗi khi vợ anh D. nấu một món chưa thật ngon hay mỗi khi con ốm con đau, anh D. đều tỏ ra khó chịu.

Anh D. cho rằng vợ chỉ có mỗi việc trông con với ngồi nhà mà làm còn không tốt. Vợ chồng thỉnh thoảng hay to tiếng với nhau, anh không tiếc lời chê bai vợ là "đàn bà ở xó nhà thì biết gì", "tiền nhà này do ai làm ra"...

Có lần ở buổi tiệc gặp mặt anh em trong khu phố, khi mọi người khen vợ anh D. nhìn như người mẫu, anh D. không ngần ngại buông lời: "Ôi dào, đồ vô tích sự ấy mà"! Mọi người trong bàn ăn chưng hửng với thái độ của anh.

Kiếm ra tiền vẫn "vô tích sự"?

Khác với nhà anh D., nhà anh H. chị N. ở cùng xóm còn buồn lòng hơn. Anh H. là cán bộ công chức bình thường với những đồng lương "khiêm tốn" hằng tháng. Khoản thu nhập "ổn định đều đều" của anh khiến vợ phải chật vật khi lo toan cho 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

Với sự tháo vát của mình, chị N. từ một nhân viên tiếp thị mỹ phẩm đã từng bước leo lên vị trí trưởng phòng, chị còn vay mượn tiền mở được một cửa hàng mỹ phẩm. Thu nhập của chị mỗi tháng hơn trăm triệu, nhưng thời gian dành cho gia đình con cái không còn nhiều.

Anh H. là người thường xuyên đưa đón con đi học, chăm sóc, tắm rửa, lo cơm nước cho con, đứa nhỏ 2 tuổi và đứa lớn nhất mới học lớp 5. Việc nhà toàn là những "việc không tên" tối ngày tất bật cộng thêm công việc của chị N. thường xuyên về khuya nên anh sinh ra cáu gắt.

Khi có mấy cha con ăn cơm hay khi con hỏi sao không thấy mẹ đến lớp đón con thì anh buông ngay: "Mẹ mày là đồ vô tích sự, chỉ biết ăn diện thôi". Chỉ vì tâm lý gia trưởng xưa nay vẫn ăn sâu trong máu, anh H. làm rạn nứt tình cảm vợ chồng.

Học cách dung hòa lẫn nhau

Trước đây, những gia đình này là những cặp vợ chồng rất yêu thương nhau, có tiếng là hạnh phúc trong khu phố. Họ đều là những thanh niên tỉnh lẻ về thành phố lập nghiệp, họ tìm hiểu rồi gắn bó với nhau.

Vợ chồng anh D. bao năm chắt chiu, vay mượn để lập nghiệp. Trong khi vợ chồng anh H. thì chia sẻ khó khăn để vợ có được thành công trong kinh doanh. Nhưng đến khi đời sống vật chất thoải mái thì lại nảy sinh những mâu thuẫn.

Đi làm kiếm nhiều tiền không có nhiều thời gian cho gia đình, con cái như chị N. là phụ nữ "vô tích sự"! Người phụ nữ chỉ biết ở nhà cơm nước giặt giũ cho chồng con như nhà anh D. cũng là "vô tích sự"!

Thế mới biết cuộc sống dù là sống trong nhung lụa, nhưng vợ chồng nếu không biết yêu thương, tôn trọng nhau thì cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Hiện nay người đàn ông với tâm lý gia trưởng còn nhiều, và phụ nữ Việt Nam vẫn mang đậm bản sắc của người phụ nữ Á Đông: cần cù, chịu khó, hi sinh hết mực vì chồng vì con.

Chúng ta hãy học cách dung hòa, yêu thương, tôn trọng, chia sẻ, thấu hiểu nhau. Làm sao để vợ chồng lúc khó khăn cũng như lúc đề huề là những người bạn tâm giao, tâm đầu ý hợp, cùng chung vai làm kinh tế và nuôi dạy con cái.

Xưa nay vẫn có câu "tiền có thể mua được nhà, nhưng không thể mua được tâm hồn của những người sống trong ngôi nhà đó" và giá trị vật chất hay giá trị tinh thần mới là cái tạo nên hạnh phúc thật sự và bền vững của gia đình.

Không ít đàn ông còn xem nhẹ vai trò của phụ nữ. Họ đặt nặng giá trị vật chất trước mắt mà không suy nghĩ đến những giá trị tinh thần mà người vợ - người bạn đời của mình đem lại.

Họ mặc nhiên cho rằng đó là công việc, là bổn phận, là trách nhiệm, là nghĩa vụ của người vợ. Họ cho mình quyền được hưởng, quyền phê phán, quyền chê bai. Họ cho rằng họ không cần san sẻ, không cần cảm thông, không cần an ủi..

Họ bỏ quên quyền được thông cảm, quyền được giúp đỡ, quyền được thấu hiểu của người phụ nữ, mà họ không biết rằng, "đằng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ"!

Là phụ nữ, hãy biết ta luôn có quyền thay chú rể Là phụ nữ, hãy biết ta luôn có quyền thay chú rể

TTO - Theo nữ nhà văn Tâm Phan, dạy con gái tư duy độc lập là phải để con trở thành một người phụ nữ có thể hiểu được rằng: là phụ nữ thì luôn có quyền thay… chú rể.

ThS tâm lý TRẦN XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên