28/03/2019 12:51 GMT+7

Kiểm soát nhiễm khuẩn kéo giảm tử vong

THANH PHƯƠNG - HỒNG HÀ
THANH PHƯƠNG - HỒNG HÀ

TTO - Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những vấn đề khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại, đặc biệt ở những bệnh nhân vừa mổ, những bệnh nhân có thể trạng yếu.

Kiểm soát nhiễm khuẩn kéo giảm tử vong - Ảnh 1.

Kiểm soát nhiễm khuẩn trong phẫu trị ung thư là việc được thực hiện nghiêm ngặt - Ảnh: BVCC

Tại Việt Nam, không khó để bắt gặp cảnh bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường bệnh, việc lây nhiễm chéo các bệnh cơ hội vốn đã phức tạp nay lại càng khó kiểm soát hơn.

Ung thư đại trực tràng tăng 5-7% mỗi năm

Đầu tháng 1-2019, chị L. (TP Cần Thơ) thấy đau bụng giống y như đau bụng chuyển dạ nên đến một phòng khám gần nhà khám bệnh, bác sĩ cho chị siêu âm và nói chị bị chèn ép ruột già. Uống thuốc tây hai ngày theo toa chị thấy bớt nhưng khi ngừng thuốc thì cơn đau quay trở lại.

Điều trị cả đông y nhưng vẫn không hết bệnh, lo lắng, chị đến phòng khám ở TP.HCM làm các xét nghiệm thì được chẩn đoán bị ung thư đại trực tràng. Chị được chuyển đến Bệnh viện Ung bướu điều trị.

Theo số liệu của GLOBOCAN (Báo cáo ghi nhận ung thư toàn cầu), năm 2018 tại Việt Nam có trên 14.700 ca mắc bệnh ung thư đại trực tràng mới; riêng tại TP.HCM, mỗi năm ung thư đại trực tràng tăng 5-7%.

TS.BS Đỗ Minh Hùng, trưởng khoa ngoại tổng quát Bệnh viện quốc tế Mỹ (AIH), cho biết tỉ lệ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa ở những nước châu Á cao hơn các châu lục khác. Có thể do người châu Á có thói quen ăn các món ủ muối như dưa chua, ăn nhiều thịt nướng...

Chế độ ăn này được xem là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh. Ngoài ra, thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, ăn ít chất xơ cũng nằm trong nhóm nguy cơ gây các bệnh ung thư đường tiêu hóa.

Kiểm soát nhiễm khuẩn kéo giảm tử vong - Ảnh 2.

TS.BS Đỗ Minh Hùng chuẩn bị trước ca mổ theo quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn - Ảnh: BVCC

Lo ngại lây nhiễm chéo vì quá tải

Trưa 26-3, tại khoa nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vẫn còn nhiều bệnh nhân ngồi chờ khám. Chị T.T.L., 41 tuổi, ở Bến Tre, bị ung thư đại trực tràng giai đoạn 4, kể chị đến bệnh viện từ 5 giờ sáng nhưng để làm xong hết các xét nghiệm có thể phải đợi đến hết buổi khám sáng mai.

Chiều 25-3, dù đã vào giữa buổi chiều nhưng cơ sở 3 của Bệnh viện K ở Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội vẫn đông nghẹt bệnh nhân. Dù đây là cơ sở y tế còn khá mới, quy mô lớn, nhưng vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu người bệnh.

Cứ 100 người nằm viện thì có đến 7 người mắc thêm bệnh nhiễm trùng mới, trong khi số loại nhiễm khuẩn tại các bệnh viện đã lên đến con số 50. Đây là thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện. Đặc biệt với các ca phẫu thuật trị ung thư đường tiêu hóa, kiểm soát nhiễm khuẩn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là điều kiện tiên quyết trong quá trình phẫu thuật.

TS.BS Đỗ Minh Hùng cho biết: "Sau ca mổ dài, nếu không chăm sóc hậu phẫu tốt có thể gây nhiễm khuẩn vết mổ, khi đó thời gian điều trị kéo dài hơn, chi phí y tế và nguy cơ tử vong cũng sẽ cao hơn".

Ngoài ra, đối với những ca mổ lớn, kéo dài khoảng ba tiếng cho một ca mổ ung thư, thì khả năng bị viêm phổi sẽ tăng lên. Nếu môi trường bệnh viện không đảm bảo việc kiểm soát nhiễm khuẩn thì rất dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm nặng.

Kiểm soát nhiễm khuẩn tốt sẽ tiết kiệm chi phí

Theo TS.BS Đỗ Minh Hùng, các bệnh viện cần có đội ngũ chuyên về hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn, có thể áp dụng mô hình tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ như Bệnh viện quốc tế Mỹ (Q.2,TP.HCM) đang theo đuổi tiêu chuẩn JCI của Mỹ rất nghiêm ngặt về kiểm soát nhiễm khuẩn.

Khi xuất hiện một trường hợp có dấu hiệu lây nhiễm, các bác sĩ sẽ lập tức chuyển vào phòng cách ly, kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, việc điều trị phải tuân theo quy trình điều trị kháng sinh. Trước khi mổ, sau khi mổ tùy theo mỗi bệnh, nếu hậu phẫu có dấu hiệu nhiễm trùng thì mới dùng đến kháng sinh. Vì dùng kháng sinh nhiều, sau một thời gian bệnh nhân sẽ không có "vũ khí" để chống bệnh.

Để xây dựng được "khoa không kháng sinh", trước hết phải thành công trong việc xây dựng quy trình IC (Infection Control), kiểm soát chất lượng không khí, nước, thiết bị phẫu thuật, dụng cụ y tế, đồ vải... Nhờ đó, hầu hết bệnh nhân phẫu thuật chỉ cần sử dụng rất ít kháng sinh dự phòng, thậm chí không cần dùng đến.

Khi đó, chi phí dành cho kháng sinh giảm rất nhiều. Còn nếu không đảm bảo phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, bệnh nhân bị lây nhiễm chéo, chi phí riêng cho kháng sinh có thể lên tới cả trăm triệu đồng.

Chống nhiễm khuẩn bệnh viện là mục tiêu hướng đến

Trong tương lai, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện cũng là mục tiêu mà các cơ sở y tế hướng tới. Trước đây, khi chi phí y tế còn hạn hẹp, không có phần chi cho phòng chống nhiễm khuẩn, nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế hiện đã có phần cho hoạt động này.

Năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, các cơ sở y tế mới cũng đang bắt đầu chú trọng đến phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, dù chặng đường đến đích còn dài.

Nhiễm khuẩn tái diễn - nguy cơ suy giảm miễn dịch Nhiễm khuẩn tái diễn - nguy cơ suy giảm miễn dịch

Có rất nhiều thể suy giảm miễn dịch được biết đến như suy giảm miễn dịch thể dịch, suy giảm miễn dịch tế bào, suy giảm chức năng bạch cầu đa nhân, bổ thể,…

THANH PHƯƠNG - HỒNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên