14/12/2019 09:57 GMT+7

Khu xử lý rác cho TP.HCM, Long AN... 20 năm vẫn nhùng nhằng

SƠN LÂM - ÁI NHÂN
SƠN LÂM - ÁI NHÂN

TTO - Khu công nghệ môi trường xanh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) được duyệt là bãi rác liên vùng cho TP.HCM, Long An và các tỉnh đã gần 20 năm nhưng việc triển khai và quan điểm sử dụng còn chưa ngã ngũ khiến dự án tắc tị.

Khu xử lý rác cho TP.HCM, Long AN... 20 năm vẫn nhùng nhằng - Ảnh 1.

Dự án Khu công nghệ môi trường xanh tại Thủ Thừa, Long An được tỉnh Long An giải phóng mặt bằng từ tiền ngân sách TP.HCM hơn 15 năm nay, đến nay nhà đầu tư chỉ mới khánh thành công trình đường, cầu dẫn vào khu vực dự án (ảnh chụp trưa 12-12 - )Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án Khu công nghệ môi trường xanh do Công ty cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam - Long An (LA-VWS) làm chủ đầu tư. 

Dự án được lập xuất phát từ nhu cầu cần địa điểm để đầu tư xây dựng khu xử lý rác tập trung cho TP.HCM và các vùng lân cận vào giai đoạn những năm 2000-2001. 

Đến tháng 6-2003, sau khi có công văn của Chính phủ, tỉnh Long An đã thu hồi 1.760ha đất tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, với ngân sách hơn 197 tỉ đồng do TP.HCM chi trả.

TP.HCM muốn duy trì tính liên vùng

Đây là dự án đậm tính liên kết vùng do Chính phủ quy hoạch, giải quyết rác ổn thỏa lâu dài cho cả TP.HCM, Long An và các tỉnh lân cận. 

Thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất giữa các bên xung quanh dự án này. Trong đó Long An đề xuất xin lại khu đất của dự án. 

Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan sẽ gặp lãnh đạo tỉnh Long An để xem xét, bàn về đề xuất trên.

Về đề nghị trên của tỉnh Long An, trước mắt Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM cho rằng từ khi được Thủ tướng quyết định làm khu xử lý chất thải liên vùng thì Khu công nghệ môi trường xanh đóng một vai trò rất quan trọng, mang tính chất là lời giải cho các bài toán và biến động về phát sinh rác của TP.HCM trong tương lai. Bởi theo dự kiến đến năm 2025, TP.HCM sẽ phát sinh khoảng 13.000 tấn rác mỗi ngày. 

Dù hiện nay TP đã và đang thực hiện các phương án chuyển đổi công nghệ, nâng công suất các nhà máy xử lý rác hiện hữu, đẩy nhanh xây dựng đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư, đấu thầu chọn nhà đầu tư xử lý rác... nhưng tổng cộng các dự án trên đến năm 2025 vẫn chỉ giải quyết khoảng 10.000 tấn rác mỗi ngày. Như vậy mỗi ngày vẫn còn 3.000 tấn rác cần nơi giải quyết.

Khu xử lý rác cho TP.HCM, Long AN... 20 năm vẫn nhùng nhằng - Ảnh 2.

Chở rác ra vào khu xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bên cạnh đó, dự kiến trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, TP.HCM sẽ cần diện tích khoảng 120ha để bố trí bãi chôn lấp dự phòng với quy mô công suất phù hợp. 

Đó cũng là nhằm đảm bảo an toàn về mặt chất thải trong các trường hợp biến động gia tăng rác hoặc khi các nhà máy đốt rác phát điện gặp sự cố cũng như chuẩn bị địa điểm lâu dài để chôn tro/xỉ thải từ các nhà máy... 

Đặc biệt, đến năm 2030, TP.HCM sẽ phát sinh mỗi ngày khoảng 4.500 tấn chất thải rắn công nghiệp nguy hại, 85 tấn chất thải y tế, 3.000 tấn chất thải xây dựng. 

Dù TP.HCM đã có phương án đầu tư một số dự án xử lý riêng biệt các loại chất thải nêu trên nhưng trong tương lai dài hạn vẫn cần có quỹ đất được quy hoạch đồng bộ, tập trung để đáp ứng nhu cầu phát triển, nhu cầu phát sinh chất thải cần xử lý. Khu công nghệ môi trường xanh đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sẽ đảm nhận các loại chất thải này.

Theo phân tích của Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, vì dự án Khu công nghệ môi trường xanh có vai trò xử lý rác thải cho cả vùng, đóng vai trò liên kết vùng nên để đi vào hoạt động, cần phải có quy chế phối hợp quản lý cụ thể giữa TP.HCM - Long An và các khu vực lân cận nhằm xử lý những vấn đề có thể phát sinh. 

Đơn cử là dự án của TP.HCM nhưng lại nằm ở Long An, thì TP.HCM sẽ phải bố trí nguồn lực để kiểm tra, giám sát dự án, thực hiện công tác quản lý nhà nước bên ngoài địa phận TP.HCM.

Hai địa phương cũng phải xây dựng quy chế phối hợp quản lý cụ thể về điều phối khối lượng rác, xử lý vi phạm, xử lý sự cố môi trường, cung cấp thông tin...là một trong những bài toán không đơn giản. 

Bên cạnh đó về mặt an ninh, trường hợp có sự cố như công nhân đình công, thiên tai..., công tác khắc phục, điều động lực lượng kiểm soát, giải quyết các sự cố không nằm trong sự chủ động của TP.HCM vì sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh Long An...

Ông Võ Văn Hoan cho hay vì tính chất quan trọng của dự án, quan điểm của TP.HCM là phải giữ dự án đúng như tính chất liên kết vùng để có thể đảm bảo được việc xử lý rác của TP.HCM nói riêng và toàn vùng nói chung trong tương lai. 

"Việc quản lý giống như nhà đầu tư đầu tư dự án ở địa phương khác nhưng là phục vụ xử lý rác cho vùng..." - ông Hoan khẳng định. 

Tuy nhiên, ông Hoan cho biết về đề xuất xin nhận lại dự án của Long An, TP.HCM cũng sẽ họp bàn với Long An. Sau khi có phương án thống nhất giữa hai bên về dự án này sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét.

Khu xử lý rác cho TP.HCM, Long AN... 20 năm vẫn nhùng nhằng - Ảnh 3.

Vị trí dự án Khu công nghệ môi trường xanh - Đồ họa: T.ĐẠT

Long An xin nhận lại khu đất

Phía tỉnh Long An đang muốn xin nhận lại khu đất 1.760ha của dự án trên. Khu đất này trước đây đã được TP.HCM chi gần 200 tỉ đồng để tỉnh Long An thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. 

Trong khi đó, hiện nay lượng rác thải phát sinh trong tỉnh Long An khoảng 570-590 tấn mỗi ngày, nhưng khối lượng rác được nhà máy lớn nhất là Tâm Sinh Nghĩa (huyện Thạnh Hóa) tiếp nhận khoảng 250-260 tấn và một số lò xử lý đốt rác nhỏ lẻ ở các huyện. 

Để giải quyết hết số rác thải, UBND tỉnh Long An đã nhờ TP.HCM xử lý khoảng 240 tấn rác từ các huyện giáp ranh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước. 

Số rác này đang được đưa về Công ty CP Vietstar (Củ Chi) và Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước (Bình Chánh) của TP.HCM xử lý giúp đến hết năm 2019. Ước tính đến năm 2025, số rác phát sinh mỗi ngày tại Long An sẽ khoảng 1.100 tấn.

Trong phiên trả lời chất vấn HĐND tỉnh Long An ngày 6-12 vừa qua, khi vấn đề xử lý rác thải lại được các cử tri đưa ra, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Long An đã trả lời giải pháp trước mắt là phải... tiếp tục nhờ TP.HCM giúp đỡ. 

Lâu dài, ngoài việc đôn đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa nâng công suất nhà máy xử lý rác thải lên 500 tấn mỗi ngày, kêu gọi đầu tư thêm các dự án nhà máy xử lý rác tại các huyện vùng xa và quan trọng nhất là "yêu cầu chủ đầu tư Khu công nghệ môi trường xanh đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt" tại huyện Thủ Thừa.

Khu xử lý rác cho TP.HCM, Long AN... 20 năm vẫn nhùng nhằng - Ảnh 4.

Công nhân làm việc trong Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Từ đầu năm 2019, UBND tỉnh Long An cũng đã làm việc và thống nhất với LA-VWS đầu tư trước mắt một nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt công suất 1.000 tấn/ngày trên diện tích khoảng 5ha để có thể giải quyết vấn đề rác thải tồn đọng trên địa bàn. Nhà máy này dự kiến vận hành năm 2019, nhưng đến nay vẫn... chưa thấy hoạt động. 

Trong khi đó, điều đáng lo là nhiều vấn đề liên quan đến dự án tổng thể, cụ thể là việc "hợp tác" quản lý hoạt động của Khu công nghệ môi trường xanh liên vùng này giữa TP.HCM và Long An vẫn chưa nhận được sự thống nhất giữa các bên.

Ông Phạm Văn Cảnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết hiện tỉnh đã có văn bản "hẹn" UBND TP.HCM làm việc về vấn đề này. UBND tỉnh cũng đã giao Sở Tài nguyên - môi trường tiếp tục rà soát tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án trước khi làm việc với TP.HCM. 

"Quy hoạch của Chính phủ là quy hoạch vùng. Tuy nhiên sau khi UBND tỉnh Long An gửi văn bản đến một số tỉnh lân cận để xin ý kiến về việc xử lý rác liên vùng thì nhiều tỉnh cho rằng họ có thể tự xử lý rác, hiện chỉ còn TP.HCM chưa trả lời. Nếu các tỉnh xung quanh đều tự xử lý rác thì Long An có thể sẽ xin Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch liên vùng này để phát triển dự án cho phù hợp", phó chủ tịch UBND tỉnh Long An nói thêm.

Tháng 5-2015, tỉnh Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam - Long An (LA-VWS) với vốn đầu tư dự án lên đến 450 triệu USD.

Thời hạn hoạt động xử lý chất thải là 50 năm, được chia làm 3 giai đoạn đầu tư với công suất xử lý chất thải đến năm 2025 dự báo đạt 21.400 tấn/ngày, giai đoạn đến năm 2035 đạt 26.800 tấn/ngày và đạt 36.500 tấn/ngày đến năm 2050.

Đến tháng 2-2016, Long An quyết định giao hơn 1.570ha đất để LA-VWS đầu tư dự án.

Tới tháng 3-2019, dự án này mới bắt đầu có mốc hiện hữu đầu tiên khi LA-VWS tổ chức lễ khánh thành hai cây cầu dẫn vào dự án, băng qua đường kênh Bo Bo đã được xây dựng từ trước.

Ông Võ Minh Thành (giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Long An):

Không chấp nhận chôn lấp rác

Trong năm 2015, sau khi được Bộ Tài nguyên - môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án Khu công nghệ môi trường xanh, UBND tỉnh Long An đã gửi văn bản đề nghị thay đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt rác phát điện.

Sở dĩ Long An đề nghị thay đổi vì việc chôn lấp rác thải không đảm bảo lâu dài về môi trường. Hiện UBND tỉnh Long An cũng đã đưa ra chủ trương các dự án xử lý rác thải phải thực hiện công nghệ đốt phát điện hiện đại, kiên quyết không chấp nhận việc xử lý chôn lấp như trước nữa.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Phước (chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP. HCM):

Cần đánh giá tính phù hợp

Cần thiết phải giữ tính chất liên vùng của Khu công nghệ môi trường xanh để xử lý rác cho TP.HCM và Long An. Đồng thời, giai đoạn này cần đánh giá lại sự phù hợp của khu xử lý rác này ở các yếu tố về vị trí (còn phù hợp hay không), về công nghệ, về mức độ kinh tế và về nhận thức của xã hội. Đó là sự đánh giá cần thiết ở thời điểm hiện tại và cho tương lai.

Hiện nay TP.HCM đang quy hoạch xử lý rác theo hướng sử dụng công nghệ đốt rác phát điện. Nếu vậy không cần đến diện tích đất quá lớn. Còn Long An muốn xin lại khu đất nếu chỉ để xử lý rác cho Long An thôi thì diện tích đó cũng là quá lớn. Với quy mô diện tích bãi rác như vậy chỉ Long An làm cũng khó. Nếu Long An thực hiện theo công nghệ đốt rác phát điện cũng không phù hợp với mức độ phát triển kinh tế, vị trí, điều kiện vận chuyển, hệ số thất thoát sẽ lớn... Vì vậy cần rà soát chủ trương của các bên.

Xét về công nghệ, chôn lấp có chi phí thấp, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên chôn lấp lại phát sinh mùi hôi, nhưng nếu xử lý tốt như các nước sẽ hạn chế được rất nhiều. Còn đốt rác phát điện cần làm gần đô thị, gần nguồn sử dụng điện để giảm hệ số thất thoát.

Xu thế chung ở các TP lớn trên thế giới khi kinh tế phát triển, dân số tăng, quỹ đất hạn hẹp, người ta chuyển sang đốt rác. Công nghệ xử lý đốt rác có chi phí cao tương ứng mức độ phát triển kinh tế. Các TP lớn, các siêu đô thị thường đốt rác phát điện, với Long An chưa phù hợp.

Ở giai đoạn nghiên cứu khả thi (giai đoạn năm 2000-2001) công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác Thủ Thừa là phù hợp nhưng tính toán cho hiện tại và tương lai cần đánh giá lại.

Ví dụ ngay như nước Mỹ tỉ lệ đốt rác chỉ khoảng 30% tổng lượng rác thải, còn lại vẫn chôn lấp ở vị trí và công nghệ phù hợp. Hay như Trung Quốc tỉ lệ đốt rác phát điện cũng khoảng 30% tổng lượng rác thải. Còn ở Nhật, điều kiện đất đai hạn hẹp nên họ ưu tiên đốt rác phát điện, tỉ lệ đến 90% tổng lượng rác thải.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường):

Nếu đốt rác phát điện, TP.HCM xử lý toàn bộ rác

Dự án bãi rác có diện tích 1.760ha là rất lớn, có lịch sử xuất phát từ nhu cầu của TP.HCM cần một khu liên hợp chôn lấp hợp vệ sinh. Hiện nay là thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ đã thay đổi rất nhiều, nhất là công nghệ để bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của cộng đồng người Việt nói riêng và thế giới nói chung đã nâng cao. Hiện nay, xu hướng xử lý đốt rác phát điện và các công nghệ tiên tiến khác được nhiều nước áp dụng.

Tuy nhiên, với công nghệ đốt rác phát điện, diện tích khu xử lý rác ở Thủ Thừa (Long An) là thừa.

Ngay bãi rác Phước Hiệp (Củ Chi) với diện tích hơn 800ha cũng là dự án xử lý rác liên vùng. Với hơn 200ha cây xanh, còn lại phân khu chức năng xử lý rác. Nếu làm công nghệ đốt rác phát điện, đủ sức xử lý rác cho cả TP đến 300 năm sau.

ÁI NHÂN ghi

Ì ạch triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác Ì ạch triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác

TTO - Ngoài Cần Thơ, Bình Dương đã tạm ổn, nhiều dự án nhà máy xử lý rác ở các địa phương khác vẫn ì ạch trong triển khai.

SƠN LÂM - ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên