22/03/2015 06:50 GMT+7

Không trả lời trong họp báo dễ khiến công chúng suy diễn

ĐẶNG TƯƠI - TRÀ MY
ĐẶNG TƯƠI - TRÀ MY

TTO - Tại cuộc họp báo về vấn đề chặt cây xanh ở Hà Nội do UBND TP Hà Nội chủ trì hôm 20-3, chủ tọa không giải đáp bất kỳ câu hỏi nào của phóng viên các cơ quan báo đài.

Các phóng viên báo, đài tham gia buổi họp báo ngày 20-3 - Ảnh: Lâm Hoài

Nhận định về cuộc họp này, trưởng khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho rằng không trả lời rất khác với việc trả lời là “không”! Trong khi đó, nhiều phóng viên cho rằng đây là điều chưa từng có trong các cuộc họp báo từ trước tới nay.

Những bạn đọc theo dõi sự việc này cũng tỏ ra ngạc nhiên. Bạn đọc Diệu Linh viết: Đọc 21 câu hỏi của các nhà báo hỏi lãnh đạo Hà Nội, tôi thấy 21 câu hỏi này đều rất trúng với suy nghĩ, mong muốn của dân chúng tôi, thể hiện rất rõ trách nhiệm của các nhà báo với công luận, bạn đọc.

Một bạn đọc bình luận: Đã tổ chức họp báo có nghĩa thành phần chính là bên tổ chức và các nhà báo, vậy mà nhà báo không được đáp ứng các câu hỏi của mình thì sao gọi là họp báo?

Có mặt tại buổi họp báo này, PV Lâm Hoài của báo Tuổi Trẻ cho biết các phóng viên được yêu cầu đặt vấn đề thẳng thắn, trực diện, cởi mở trên tinh thần góp ý, xây dựng…, nhưng các câu hỏi này đều không nhận được sự phản hồi nào.

>> Lâm Hoài

“Các phóng viên đều thấy bất ngờ và không hài lòng với việc những thắc mắc không được giải đáp như thế này”, PV Lâm Hoài chia sẻ.

Trong comment trên TTO, bạn đọc Nguyễn Quang Trung cho biết mình là một phóng viên và rất bức xúc vì “từ trước tới giờ không có bất cứ một cuộc họp nào mà chủ trì cuộc họp lại xem thường các phóng viên như thế này”.

Các phóng viên báo, đài tham gia buổi họp báo ngày 20-3 - Ảnh: Lâm Hoài

Cần phát ngôn ngay cả khi câu trả lời là "từ chối trả lời"

Nguyên tắc để một buổi họp báo thành công và giải quyết được vấn đề thông tin giữa hai chiều (chủ tọa và phóng viên cũng như phóng viên - bạn đọc) là phía chủ tọa cần chuẩn bị đầy đủ những thông tin mà báo chí thắc mắc, quan tâm.

Đó là ý kiến của chuyên gia truyền thông Trần Chiến Bình, giám đốc điều hành Teamwork PR.

>> Ông Trần Chiến Bình

[AUDIO id=1426939540678

alt=]//static.tuoitre.vn/tto/r/2015/03/21/AsJXyGHE.mp3[/AUDIO]

Đồng tình về điều này, tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, trưởng khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cho rằng để đạt được sự chuyên nghiệp, đơn vị tổ chức họp báo cần cố gắng trả lời tất cả câu hỏi được đặt ra. “Ngay cả khi câu trả lời là từ chối trả lời”, TS Thông nói.

“Trong trường hợp chủ tọa từ chối trả lời hoặc rời khỏi cuộc họp báo thì phóng viên - cầu nối thông tin đến bạn đọc - gần như không có cơ hội để lấy những thông tin chính thức cung cấp cho công chúng”, TS Huỳnh Văn Thông nhận định.

>> TS Huỳnh Văn Thông

Theo ông Bình, việc lường trước những câu hỏi, những vấn đề mà báo chí cũng như người dân đang quan tâm cũng là một kỹ năng, một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên hiệu quả thật sự của một buổi họp báo.

“Điều mấu chốt theo tôi là thông tin đầy đủ, minh bạch giữa chủ tọa và phóng viên trong họp báo”, ông Bình nhấn mạnh.

>> Ông Trần Chiến Bình

Ông Nguyễn Quốc Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - chủ trì buổi họp báo nhưng không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của phóng viên - Ảnh: Việt Dũng

Im lặng sẽ tạo nên khoảng trống thông tin

Khi không đưa ra được câu trả lời, có thể những người tổ chức họp báo rơi vào hai tình huống, một là gặp phải những câu hỏi về điều sắp xảy ra, điều mà họ không biết trước; hai là những vấn đề họ chưa chuẩn bị kỹ, không đủ thông tin để hồi đáp. TS Thông nhìn nhận như vậy.

“Trong trường hợp này, theo tôi, có thể trì hoãn câu trả lời bằng việc thông báo sẽ thu thập thêm thông tin và trả lời sau, thay vì im lặng rút lui như chưa từng nghe câu hỏi”, TS Huỳnh Văn Thông kết luận.

>> TS Huỳnh Văn Thông

Về cuộc họp báo cây xanh, ông Trần Chiến Bình cũng cho rằng trong trường hợp này, lãnh đạo thành phố có thể ra một thông báo là sẽ trả lời bằng văn bản trong một mốc thời gian nào đó, thay vì chỉ im lặng và rời khỏi buổi họp báo trước sự bất ngờ của nhiều phóng viên.

Theo TS Huỳnh Văn Thông, không trả lời rất khác với việc trả lời là “không”.

TS Thông phân tích: nếu nói rằng “về vấn đề này, chúng tôi cần thu thập thêm thông tin và sẽ trả lời sau” thì sẽ rất khác với chuyện im lặng không trả lời gì.

>> TS Huỳnh Văn Thông

“Im lặng không trả lời gì sẽ tạo ra khoảng trống thông tin và công chúng sẽ dễ suy diễn theo nhiều hướng khác nhau. Và theo tôi, điều này sẽ không có lợi cho chủ thể của buổi họp báo”, TS Huỳnh Văn Thông chia sẻ quan điểm của mình.

Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook phản đối việc chặt hạ cây xanh hàng loạt

UBND Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng trả lời câu hỏi của báo chí trước ngày 25-3

Hôm 21-3, UBND TP Hà Nội có văn bản giao giám đốc Sở Xây dựng phải có văn bản trả lời các câu hỏi của báo chí quanh vấn đề cải tạo, thay thế cây xanh trước ngày 25-3.

Những câu hỏi cụ thể như sau:

- Có đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động cảnh quan đô thị trước khi quyết định chặt hạ?

- Có nghiên cứu về ảnh hưởng của việc chặt cây đối với dư luận?

- Số lượng cây đã chặt là bao nhiêu? Kinh phí chi cho việc này?

- Có ai chịu trách nhiệm về việc các cây đã bị chặt hạ? Có ai bị kiểm điểm sau vụ này hay không?

- Đơn vị nào đứng ra thẩm định cây hư hỏng, sâu mọt, mục ruỗng?

- Việc rà soát cây để thay thế được tiến hành lúc nào, trong bao lâu, có mời nhà khoa học, chuyên gia tham gia hay không?

- Phố Nguyễn Chí Thanh được đánh giá là con đường đẹp nhất Việt Nam nhưng tại sao ồ ạt chặt cây, có phải có doanh nghiệp lớn xây dựng công trình trên phố này tham gia xã hội hóa vào đề án nên họ chủ động chặt đồng loạt theo ý họ?

- Đề nghị cho biết đề án chặt cây hoàn toàn do đơn vị thuộc TP thực hiện hay đằng sau có doanh nghiệp tham gia?

- Những doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đóng góp như thế nào cho TP, được TP ưu ái những gì?

- Những cây chặt xong được tập kết tại đâu, bán hay chưa, việc bán đấu giá hay sử dụng gỗ thành phẩm như thế nào?

- Những cây được lựa chọn trồng mới được mua từ đâu, giá tiền bao nhiêu, mua của doanh nghiệp nào?

- Số lượng gỗ xà cừ cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi chặt cách đây sáu tháng được sử dụng như thế nào?

- Có ý kiến cho rằng cây vàng tâm được chọn trồng thay thế không có tán rộng, không mang lại bóng râm, liệu có nên chọn loại cây này?

- Có ý kiến chuyên gia nói cây tần bì TP định chọn thay thế trên một số tuyến phố là cây độc. TP nói gì về chuyện này?

- Đề nghị cá nhân Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết ông cảm nhận ra sao khi ông đi qua khu vực những cây đã bị chặt giữa trời nắng nóng?

- Ông Nguyễn Quốc Hùng là người ký quyết định cho phép chặt cây, ông có nhận khuyết điểm hay không khi ký quyết định đó?

- Trong văn bản TP nói “hầu hết người dân khu vực có cây bị chặt đồng thuận”. Cơ sở nào để nhận định như trên, có nghiên cứu hay điều tra xã hội học gì không? Nếu có, đề nghị công khai con số.

ĐẶNG TƯƠI - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên