11/12/2011 05:20 GMT+7

Không có CEO giỏi với giá rẻ

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Những người có trách nhiệm với việc chuẩn bị cho Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) ra đời đã không “cãi” với dư luận khi nghe phản ứng về CEO (tổng giám đốc điều hành) Phạm Ngọc Viễn.

Nhưng các ông Nguyễn Trọng Hỷ (chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN - VFF), Lê Hùng Dũng (phó chủ tịch VFF) đều “vò đầu bứt tai” hỏi lại giới báo chí: Thế thì ai đây?

bWOqFT3m.jpgPhóng to

Ông Nghĩa trò chuyện với một nhân viên điều hành ở CLB Manchester United khi sang Anh tìm hiểu về bóng đá chuyên nghiệp - Ảnh: H.T.

Trong một lần ngồi trò chuyện bàn về bài toán tìm CEO cho VPF với các đồng nghiệp, chúng tôi đã cùng bật ra một cái tên: Trần Văn Nghĩa.

Người có nhiều chiến tích

Tìm CEO cho một công ty kinh doanh nào đấy đã là khó, tìm CEO cho VPF càng khó hơn. Vì CEO của VPF trước tiên am hiểu thể thao, có kiến thức khoa học thể thao và đặc biệt là phải giỏi kinh doanh, tiếp thị.

Nhưng khi nhắc đến Trần Văn Nghĩa, đã có người xì xào: ông này là dân bóng chuyền mà. Vâng, ông Nghĩa là dân bóng chuyền, nhưng như thế thì đã sao bởi vấn đề là tìm CEO cho VPF chứ không phải tìm HLV. Vì vậy, chỉ cần người có kiến thức về khoa học thể thao tổng quát đủ để đừng bị những người vỗ ngực là dân chuyên môn “lừa” những chuyện không đáng.

Dân thể thao không lạ với cái tên Trần Văn Nghĩa - người từng là tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM, phó tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền VN và từng làm nên thời vàng son của bóng chuyền ở thập niên 1990. Ông cũng là người làm nổi đình nổi đám về mặt kinh tế thể thao ở những nơi mình được cử đến như trường đua Phú Thọ, CLB bơi lặn Phú Thọ...

Đầu não VPF nên nằm ở TP.HCM

Bình luận về những gì đang diễn ra quanh việc thành lập VPF, ông Nghĩa cho rằng quyết định VPF nằm ở Hà Nội, người làm CEO cho VPF phải ở Hà Nội là một quyết định sai. Ông nói: ”Hà Nội là trung tâm về chính trị chứ không phải kinh tế. Hãy nhìn lại các công ty, tập đoàn lớn đều nằm ở TP.HCM. Việc tiếp thị, chào mời tài trợ trong thể thao xưa nay đều được thực hiện ở TP.HCM. Vì vậy, việc quyết định đầu não VPF phải nằm ở Hà Nội là minh chứng cho việc VFF không quan tâm hoặc không đánh giá cao công tác tiếp thị, kinh doanh bóng đá”.

Ông là người mở màn cho việc tổ chức đua xe gắn máy tại trường đua Phú Thọ, một hoạt động thu hút đông đảo giới trẻ ngày ấy. Chuyển sang làm quản lý hồ bơi, trong khi các nơi khác ngồi chờ sung rụng, ông Nghĩa tổ chức một đội ngũ tiếp thị đi đến tận các trường học để chào mời. Hồ bơi Phú Thọ dưới tay ông đã trở thành một địa điểm sôi động.

Sau khi nghỉ việc nhà nước, chuyển ra ngoài lập công ty riêng, Trần Văn Nghĩa vẫn tạo nên những sự kiện lớn như các giải tứ hùng với sự có mặt của những tên tuổi khá cao cấp trong làng quần vợt thế giới, giải bóng đá sân cỏ nhân tạo dành cho dân phong trào khắp các tỉnh miền Trung...

Với một bản lý lịch như thế nhưng trước câu hỏi: “Ông có thích làm CEO của VPF hay không?”, ông Nghĩa trả lời: “Lúc trước thì có, bây giờ thì không”! Tại sao?

Tiếp thị - chuyện sống còn của bóng đá chuyên nghiệp

Ông Nghĩa giải thích: “Bóng đá là môn thể thao vua nên tôi rất muốn nhảy vào lĩnh vực này. Giữa thập niên 1990, tôi đã tổ chức giải futsal đầu tiên tại VN mang tên Cúp Futsal tranh Đĩa vàng VTV. Đội vô địch ngày ấy là Sông Lam Nghệ An đã được tôi đưa sang Singapore đá giải quốc tế có những đội hàng đầu thế giới như Brazil, Tây Ban Nha... Giá như những người ở VFF hồi ấy chịu nghe tôi, giờ futsal VN ắt phải qua mặt Thái Lan. Vừa rồi, khi nghe bầu Kiên trình bày câu chuyện thành lập VPF, tôi hết sức hào hứng và cũng nghĩ mình sẽ tự tiến cử vào vị trí CEO. Nhưng với diễn biến gần đây, ý tưởng đó đã không còn nữa, vì tôi thấy người ta đã không chịu suy nghĩ thoát ra khỏi chiếc áo cũ kỹ. Nghĩa là suy nghĩ của những người có trách nhiệm vẫn bị đóng khung trong bốn bức tường của VFF. Nếu VFF thật sự muốn tìm CEO, không phải bằng lời nói đơn giản là “chúng tôi mở cửa, mời mọi người vào” là đủ”.

* Một khi ông nói đã nghĩ đến việc tự tiến cử mình với VPF, có nghĩa ông đã hiểu một công ty điều hành các giải đấu chuyên nghiệp là như thế nào?

- Đúng. Ít nhất trong vòng ba năm gần đây, tôi đã bỏ công tìm hiểu cặn kẽ về các mô hình. Trong đó, tôi thích nhất kiểu làm của bóng đá Anh. Và tôi đã có không ít chuyến đi đến Anh, móc nối để được gặp một số người thú vị.

* Nói suông sẽ không dễ thuyết phục. Liệu ông có thể “bật mí” một số công việc mình sẽ làm nếu ngồi ghế CEO của VPF?

- Có thể nói bóng đá VN hiện nay như một cuộn chỉ rối, để lần ra được cần phải gỡ mối nào không phải dễ. Điều tôi nói ra có thể gây sốc nhưng tôi vẫn phải nói. Nếu là CEO của VPF, việc đầu tiên của tôi là phải siết lại cách làm bóng đá của một số đại gia. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận sự phát triển bóng đá một cách vô tổ chức, thể hiện qua việc giá chuyển nhượng, lương thưởng cho cầu thủ vượt xa giá trị họ làm ra là do một số ông bầu thích danh bằng kiểu ăn xổi ở thì.

Nếu tất cả đại gia làm bóng đá ai cũng lập một học viện đào tạo trẻ như ông Đoàn Nguyên Đức, ai cũng cương quyết không chạy theo việc mua cầu thủ bằng mọi giá như ông Võ Quốc Thắng... thì làm gì có chuyện bát nháo như hiện nay và bóng đá VN chẳng mấy chốc sẽ dư thừa cầu thủ giỏi.

Tiếp đến, tôi sẽ thuê một phó tổng giám đốc điều hành V-League người nước ngoài. Cũng không cần cao xa gì đâu, trong khu vực châu Á này thôi. Người ngoài, họ sẽ giữ được sự công tâm. V

ới đội ngũ giám sát trận đấu, tôi đề nghị các đội bóng giới thiệu và sẽ thuê chuyên gia sang tập huấn cho họ. Chính đại diện của các đội bóng sẽ giám sát lẫn nhau chứ không ai khác.

Còn trọng tài, với những trận căng thẳng, tôi sẽ thuê của nước ngoài. Giá cả của những chuyện thuê mướn người ngoài không đắt lắm đâu, miễn là mình làm ra tiền.

* Vâng, miễn là làm ra tiền. Đó mới là chuyện khó nhất?

- Đúng là chuyện khó vì vấn đề tiếp thị còn phải phụ thuộc chất lượng các giải đấu, phụ thuộc đội ngũ điều hành các CLB. Nói thật hiện nay gần như không thấy ai làm tốt được chuyện tiếp thị - khâu sống còn của bóng đá chuyên nghiệp. Tôi nghĩ có lẽ do VFF chưa nghĩ đến chuyện này để triển khai và phát triển, chứ không phải chúng ta không làm được.

* Còn lý do nào khác khiến ông không nghĩ đến việc làm CEO cho VPF?

- Thời buổi kinh tế thị trường, tôi xin nói thẳng: đó là chuyện lương bổng. Vừa rồi, tôi đọc trên báo thấy rằng lãnh đạo VFF phát biểu lương tháng cho CEO của VPF là 40 triệu đồng. Làm CEO của một lĩnh vực đơn giản hơn bóng đá rất nhiều cũng không bao giờ có mức lương thấp như vậy. Ai chấp nhận mức lương 40 triệu đồng/tháng có nghĩa là chẳng biết gì về công việc của một CEO cả!

Xin đừng nói với tôi rằng 40 triệu đồng là phần cứng, ngoài ra sẽ có thêm “phần mềm”. Phần mềm ở đây nên hiểu như thế nào? Tiền hoa hồng các hợp đồng tài trợ à? Thế thì lại trở về với kiểu chuyên nghiệp nửa vời rồi. Như tôi hiện nay, điều hành một công ty riêng cho mình, một tháng cũng hơn con số 40 triệu đồng ấy rất xa.

Không lẽ tôi dẹp việc công ty của mình để làm cho VPF với mức thu nhập thấp hơn rất nhiều và lại chịu nhiều áp lực?

* Nói đến áp lực, có người bảo ông chưa biết sức ép khủng khiếp trong lĩnh vực bóng đá?

- Thứ nhất, mình làm tốt, minh bạch, khôn khéo trong quan hệ thì sợ gì dư luận. Thứ hai, chưa có ai trong VFF chịu một áp lực có thể dẫn đến mất mạng như tôi. Hẳn các bạn nhà báo còn nhớ việc tôi làm trọng tài chính trận chung kết bóng chuyền nam SEA Games 1997? Trận ấy, khán giả chủ nhà Indonesia đã bao kín ngay ghế trọng tài.

Người điều hành giải đã cho phép tôi được từ chối điều hành trận đấu này. Nhưng tôi vẫn làm, dù biết rằng chỉ cần một sai sót gây bất lợi cho đội chủ nhà, tôi khó mà thoát chết. Và cuối cùng, tôi vẫn còn ngồi đây (cười)!

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên