30/11/2012 08:24 GMT+7

Không biết 150 triệu USD là cao hay thấp

K.XUÂN
K.XUÂN

TT - Đó là phát biểu của ông Lê Khánh Hải, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, liên quan đến con số 150 triệu USD để tổ chức Asiad 18 do theo ông, Bộ VH-TT&DL không tính kinh phí nên không biết.

TT - Đó là phát biểu của ông Lê Khánh Hải, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, liên quan đến con số 150 triệu USD để tổ chức Asiad 18 do theo ông, Bộ VH-TT&DL không tính kinh phí nên không biết.

Cũng theo ông, nếu tổ chức Asiad 18 thành công, đạt được các mục tiêu phát triển con người, quảng bá hình ảnh đất nước thì có tăng 30% so với dự trù kinh phí cũng là bình thường.

Nhiều vấn đề đã được đặt ra trong cuộc họp báo chiều 29-11 về việc VN sẽ là chủ nhà của Asiad 18 năm 2019 do Bộ VH-TT&DL chủ trì. Tham dự cuộc họp có ông Lê Khánh Hải , ông Vương Bích Thắng - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Hoàng Vĩnh Giang - phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN...

* Báo Lao Động: Sau khi giành quyền đăng cai, những công việc mà ngay sau đây ngành thể thao phải làm là gì?

- Ông Vương Bích Thắng: Sau khi giành quyền đăng cai Asiad 18 Bộ VH-TT&DL đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Sắp tới Chính phủ chắc sẽ có chỉ đạo giao Bộ VH-TT&DL chủ trì xây dựng đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Asiad 18. Các công việc phải chuẩn bị rất nhiều như: xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị lực lượng VĐV, công tác tuyên truyền, an ninh, giao thông... Nhiều ý kiến nói thời điểm này chuẩn bị lực lượng VĐV là quá muộn, nhưng tôi phải nói là hiện nay chúng ta có hàng ngàn VĐV trẻ ở các địa phương. Chúng ta có thể chọn lọc và tuyển chọn VĐV cho Asiad 18 ngay từ nguồn nhân lực này.

* Báo Tuổi Trẻ: Cơ sở nào để Bộ VH-TT&DL đưa ra con số 150 triệu USD để tổ chức Asiad 18, trong khi chi phí cho các đại hội tương tự ở các nước khác lên tới vài tỉ USD?

"Kinh phí tổ chức SEA Games không tăng đến 4-5 lần như báo chí đưa đâu. Thực tế chỉ khoảng 3.000 tỉ đồng sau khi quyết toán chứ không phải 4.700 tỉ. Tôi có văn bản các khoản chi nhưng tài liệu này hôm nay tôi không mang theo!"

Ông Vương Bích Thắng

- Ông Hoàng Vĩnh Giang: Nếu chỉ nhìn vào con số 150 triệu USD thì không ai tin chúng ta có thể tổ chức Asiad. Tuy nhiên tôi cũng phải nói là các báo trích dẫn chi phí của các Asiad ở Quảng Châu, Incheon... cũng không phải là con số chính xác đâu. Tôi cho rằng 150 triệu USD là con số khả thi để tổ chức Asiad 18.

Từ năm 2010-2020, Hà Nội chi 20,4 tỉ USD cho xây dựng giao thông; từ 2021-2030 là 12,9 tỉ USD. Năm 2010, tổng chi cho sự phát triển của Hà Nội là 8 tỉ USD. Với những quy hoạch của Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt thì từ nay đến năm 2020 sẽ có hàng loạt hệ thống giao thông được xây dựng, hoàn thiện. Hàng chục khu tổ hợp thể thao ở các nơi cũng đã được để dành đất. Thể thao chỉ “ăn theo” quy hoạch của Hà Nội thôi.

Hiện nay chúng ta đã có 80% cơ sở vật chất cho Asiad 18 rồi. Cái cần phải xây mới chỉ là sân đua xe đạp lòng chảo, sân đua ngựa, bóng bầu dục... Khu làng VĐV Asiad tại Thượng Thanh (Gia Lâm, Hà Nội) cũng sẽ được xã hội hóa. Do vậy chỉ xây thêm 20% cơ sở mới thôi. 14 địa phương sẽ đứng ra cùng Hà Nội tổ chức thi đấu các môn tại Asiad 18, mặc dù phải tu sửa cơ sở vật chất nhưng cái này do kinh phí địa phương chứ không nằm trong 150 triệu USD.

Vì có Asiad nên khu thể thao Asiad tại Xuân Trạch (Đông Anh, Hà Nội) sau này chúng tôi còn dự kiến xây dựng học viện bóng đá liên danh với một CLB của Tây Ban Nha. Học viện này ra đời thì các nước xung quanh cũng có thể gửi VĐV đến đây đào tạo. Nó cũng giúp VN giải quyết sự đau đầu về bóng đá đang diễn ra tại vòng chung kết AFF Cup tại Thái Lan.

"Chi phí có thể cao lên nếu ta “thừa thắng xông lên”, tăng đến 30% nhưng ta tổ chức thành công thì cũng không sao"

Ông Lê Khánh Hải (thứ trưởng Bộ VH-TT&DL)

"150 triệu USD (khoảng 3.000 tỉ đồng) cho bảy năm thì không thể coi là số tiền nhỏ"

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)

* Báo Tuổi Trẻ: Liên quan đến việc xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, được biết nhà đầu tư phía Hàn Quốc đang chờ Chính phủ ban hành nghị định về kinh doanh đặt cược trong thể thao. Nếu nghị định này không được ban hành có ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng dự án?

- Ông Cấn Văn Nghĩa (giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình): Sân đua xe đạp lòng chảo và khách sạn 5 sao liền kề dự kiến sẽ khởi công vào quý 4-2013. Hiện nay khu liên hợp đã được Chính phủ đồng ý chủ trương để liên danh liên kết với nhà thầu Hàn Quốc xây dựng. Phía VN góp đất với giá trị 30%, còn Hàn Quốc góp tiền xây dựng 70% (sân đua xe đạp 250 triệu USD, khách sạn 5 sao 250 triệu USD).

Phía nhà đầu tư Hàn Quốc hi vọng sau khi xây dựng sẽ được khai thác và triển khai cá cược thể thao tại sân đua xe đạp, tuy nhiên hiện nay Chính phủ mới đồng ý cho xây dựng, chứ cá cược cần chờ ý kiến sau. Mặc dù vậy chúng tôi ủng hộ việc cho cá cược để khai thác sân đua xe đạp và đóng thuế cho Nhà nước. Nếu không thì chẳng khác nào nhà thầu Hàn Quốc “ném tiền qua cửa sổ”.

* Báo Tuổi Trẻ: Trả lời chất vấn của phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết kinh nghiệm các nước tổ chức Asiad cho thấy kinh phí phát sinh thường tăng 30% so với dự kiến. Tuy nhiên bài học từ SEA Games 2003 cho thấy chi phí tăng đến 4-5 lần so với dự trù. Bộ VH-TT&DL sẽ làm gì trước nỗi lo của người dân về việc này?

- Ông Lê Khánh Hải: Bộ VH-TT&DL không tính kinh phí nên không biết 150 triệu USD là cao hay thấp. Tuy nhiên như ông Hoàng Vĩnh Giang nói, chúng ta không thể tính được cái lợi khi đăng cai Asiad. Trước khi VN nộp hồ sơ đăng cai Asiad thì các bộ, ngành cũng đã thẩm định con số này rồi. Tôi nghĩ chi phí có thể cao lên nếu ta “thừa thắng xông lên”, tăng đến 30% nhưng ta tổ chức thành công thì cũng không sao. Mà cũng có thể chi phí sẽ không đến 150 triệu USD thì sao?

Người dân này là người dân nào?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Mọi người quan tâm đến vấn đề kinh phí là rất có lý. Tuy nhiên đầu tư cho thể thao không phải là vấn đề lỗ lãi mà là vấn đề đầu tư cho con người. Làm sao có thể tính chuyện đắt, rẻ khi đầu tư cho con người được. Tôi nghe có người nói: “Không có đại hội thể thao nào mà người dân nước được đăng cai đón nhận trong tâm trạng buồn thế”. Tôi không biết người dân này là người dân nào.

K.XUÂN

Đây là nội dung đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (ảnh) - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - trả lời phóng viên Tuổi Trẻ sau khi nhận được phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh xung quanh việc tổ chức Asiad năm 2019 tại VN.

* Từng bày tỏ lo lắng sau khi VN nhận đăng cai tổ chức Asiad, trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã giải tỏa được lo lắng đó của ông hay chưa?

- Tôi nghĩ bộ trưởng đã nghiêm túc khi trả lời cử tri về vấn đề này, bước đầu làm rõ thông tin mà cử tri băn khoăn. Tôi đã trao đổi trực tiếp với bộ trưởng rằng đây là ý kiến của cử tri và tôi chuyển đến để bộ trưởng giải đáp. Tuy nhiên, những vấn đề cụ thể thì chưa được nêu trong trả lời của bộ trưởng. Ví dụ trong tổng dự trù kinh phí 150 triệu USD thì dự kiến huy động nguồn lực xã hội được bao nhiêu. Hay là chỉ đề cập đến những hạng mục chi chính mà chưa nói rõ dự kiến bước đầu cho từng hạng mục chi đó. Vì vậy tôi muốn có được câu trả lời cụ thể hơn nữa.

* Bộ trưởng trả lời với 150 triệu USD chia đều cho bảy năm “sẽ không ảnh hưởng nhiều tới cân đối ngân sách nhà nước”, trong khi tại kỳ họp vừa qua Quốc hội đã phải căn ke từng đồng để có tiền chi tăng lương một phần nhỏ so với lộ trình. Vậy theo ông, số tiền chi cho Asiad lớn hay nhỏ?

- Tôi nghĩ số tiền lớn hay không lớn tùy thuộc vào mục đích chi. Nhưng rõ ràng 150 triệu USD (khoảng 3.000 tỉ đồng) cho bảy năm thì không thể coi là số tiền nhỏ.

* Không ít nhà chuyên môn bày tỏ băn khoăn rằng thành tích của thể thao VN khi tham gia đấu trường châu Á còn rất khiêm tốn. Vì vậy việc đăng cai Asiad với mục đích quảng bá hình ảnh VN và nâng cao chất lượng thể thao VN là điều cần suy nghĩ?

- Chất lượng của một nền thể thao phải thể hiện ở cả đỉnh cao và phong trào. Không có nền tảng thể thao phong trào, thể thao quần chúng, chắc chắn không thể có nền thể thao đỉnh cao phát triển bền vững mà thi thoảng mới có một vài “gà nòi” cất cao được tiếng gáy. Nếu đặt vấn đề với số tiền như vậy, chúng ta đầu tư để tạo nên một nền thể thao lành mạnh, bền vững, từ đó lựa chọn nhân tài, đến thời điểm nào đó yên tâm hơn thì chúng ta đăng cai tổ chức Asiad sẽ hợp lý hơn.

* Để có thể tổ chức Asiad như bộ trưởng trả lời thì VN cần phải đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó có sân thi đấu những môn thể thao xa lạ với VN như bóng chày, khúc côn cầu trên cỏ, bóng bầu dục... Ông có lo ngại về sự lãng phí trong sử dụng hạ tầng sau Asiad?

- Đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ. Chúng ta đã đăng cai thì buộc phải xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thi đấu, kể cả những môn thể thao xa lạ. Như vậy, ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ VH-TT&DL, cần có kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất hậu Asiad. Đây chính là điểm quan trọng để tránh lãng phí.

LÊ KIÊN thực hiện

K.XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên