05/12/2011 06:17 GMT+7

Khám phá bản lĩnh đàn ông - Kỳ cuối: Cánh cửa nam khoa

TS.BS Nguyễn Thành Như
TS.BS Nguyễn Thành Như

TT - Những ngày này bác sĩ Như đang trở về VN hoàn tất những khâu cuối cùng cho bộ sách Nam khoa cho mọi người ra mắt bạn đọc. Bên cạnh trang web namkhoa.com, cung cấp kiến thức nam khoa, đây là một công trình với tâm huyết 23 năm trong nghề của ông.

Kỳ 1: Khát khao sống thật Kỳ 2: Cánh cửa vi phẫu Kỳ 3: Những “bóng ma” không có thật

5rbqP02H.jpgPhóng to

TS.BS Nguyễn Thành Như (hàng đầu, bên trái) cùng các bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Mulhouse (Pháp) năm 1994 - Ảnh nhân vật cung cấp

Bộ sách là một “bách khoa” những hiểu biết cần thiết nhất mà “thế giới đàn ông” vẫn còn đang thiếu.

Chúng tôi luôn sẵn sàng

"...Tôi nghiệm ra rằng tại các trường đại học lớn ở các nước phát triển đều có quỹ học bổng cho du học sinh đến từ xứ nghèo. Hãy gõ cửa xin họ. Học mà, có gì đâu mà quê!"

Điềm tĩnh, chân thành và đôi khi mộc mạc, bác sĩ Như ít kể về cuộc đời mình. Ông nói chuyện nam khoa, những cái mới, những tranh luận y học, những hướng đường phát triển... mà quên thời gian. Trong câu chuyện, ông dành nhiều day dứt với những ca xin chuyển đổi giới tính mà ông luôn theo dõi số phận họ. Từng có những ca phẫu thuật tạo hình dương vật đã lên bàn mổ thì ông phải ngưng vì hồ sơ pháp lý không đảm bảo.

Người muốn chuyển giới sẽ bằng mọi cách, kể cả làm xét nghiệm giả, để được phẫu thuật. Họ không biết rằng nếu sơ suất, bác sĩ sẽ phạm luật vì VN chưa cho phép chuyển giới. Đọc hàng chục email trao đi đổi lại với cô gái tên X., người thiết tha muốn nhờ ông phẫu thuật chuyển giới, mới thấy sự tận lòng của ông.

“Về chuyện gia đình cháu và dư luận xã hội, theo bác, cháu đừng trách họ vì ngay cả những người trong nghề y, thậm chí có người là giáo sư nam khoa cũng còn không ủng hộ, vẫn xem chuyển giới tính là một thứ bệnh hoạn thì trách chi những người bình thường. Thuyết phục được gia đình còn khó khăn hơn là tìm được bác sĩ phẫu thuật. Năm 1999, khi còn tu nghiệp ở Hà Lan, bác sĩ từng gặp những người chấp nhận được chuyển giới tính dù phải hi sinh mất bạn bè, mất gia đình, người thân.

... Điều cháu nên làm bây giờ là phải kiên nhẫn, học thật giỏi, đọc thật nhiều tài liệu khoa học về chuyển giới (tham khảo ở những website mà bác sĩ đã gửi), tham vấn các chuyên gia (cháu nên viết thư cho giáo sư Gooren). Cũng phải nói thêm rằng trong số những người chuyển giới tính từ nữ - thành - nam ở VN cũng như ở Hà Lan mà bác sĩ từng gặp, vẫn có nhiều người sống rất thanh thản, yêu đời!

... Bác sĩ viết lòng vòng như thế để cháu hiểu rằng trước đây, bây giờ và sau này, trên thế giới và ở VN luôn luôn có những bác sĩ quan tâm đến vấn đề của cháu, luôn sẵn sàng giúp cháu. Vững tin cháu nhé!”.

Gõ cửa tương lai...

Về chuyện học hành, bác sĩ Như nói giản đơn: “Xưa tôi mê làm kỹ sư cơ khí. Chuẩn bị thi khối A, ba mẹ tôi đưa ra một lời đề nghị: Con ráng thi ngành y nghen!”. Vậy là ông trở thành bác sĩ. Rồi bước ngoặt quan trọng nhất khi ông được giáo sư Ngô Gia Hy nhận vào học nội trú ở khoa tiết niệu Bệnh viện Bình Dân. Rồi đi du học, với ông đó là những bước nhảy cuộc đời được chuẩn bị kỹ càng và đầy ngẫu hứng.

Học xong nội trú niệu khoa, một ngày tình cờ sang Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế, thấy mọi người đang tập trung thi tuyển cho suất học bổng sang học nội trú tại Pháp (FFI).

Hôm đó mọi người thi phỏng vấn, phần lý thuyết đã thi vào ngày hôm trước. Ông nhớ cảm giác mình lúc đó: “Bị giấc mơ có dịp ra xứ người học tập thôi thúc, không biết làm thế nào hơn, tôi chen đại vào gặp hai vị giáo sư Pháp, trình bày mong ước và xin được dự thi. Chẳng ngờ hai ông đồng ý cho tôi thi sau chót. Thế là tôi viết một mạch cái CV (sơ yếu lý lịch) đem nộp cho hai ông và thi vấn đáp, miễn thi viết và... đậu!”.

Sang Pháp học niệu khoa sắp xong, ông thèm học nam khoa và ghép thận mà chưa biết sao xin học bổng. Một cô bạn người Đức bày cho ông cách soạn chừng 100 lá thư bày tỏ nguyện vọng học nam khoa và ghép thận rồi gửi đến các trường y khắp nước Pháp xin học. Nhưng biết gửi cho ai?

Bác sĩ Như mở bản đồ nước Pháp ra, chọn tất cả bệnh viện các thành phố lớn rồi gửi cho các bác sĩ trưởng khoa niệu. Một tháng sau, ông nhận được 80 thư trả lời. Giữa một rừng lời từ chối lịch sự “lấy làm tiếc” thì có ba bệnh viện trả lời “OK”. Cơ hội vàng đã mở!

Từ Pháp, cũng bằng cách đó ông gửi thư sang Thụy Sĩ. Lại có một trường đồng ý. Rồi sang Anh, ông cũng theo cách cũ. Riêng lần du học sang Hà Lan thì là một con đường khác. Tháng 12-1998, giáo sư Gooren, một giáo sư nổi tiếng của Hà Lan về vấn đề chuyển giới, sang ĐH Y dược nói chuyện.

Khi cuộc nói chuyện kết thúc, bác sĩ Như đứng chặn ngoài cửa tự giới thiệu về mình và trao đổi tiếp về vấn đề chuyển giới. Vị giáo sư Hà Lan đồng ý tiếp ông tại khách sạn ngày hôm sau. Ngày sau đó ông đã vượt qua một số “phép thử” của vị giáo sư nổi tiếng để giành được chuyến đi Hà Lan học về chuyển giới...

Khát khao được học hành luôn thường trực trong bác sĩ Như có lẽ vì ông từng đi qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Ấy là những ngày cha vắng nhà, mẹ một mình cáng đáng hết cả đàn con. Bà phải bươn chải lên tàu ra Phan Thiết lấy nước mắm về và ông cùng anh mang đi bỏ mối trong khu phố. Nhà luôn ăn độn. Nhiều người khuyên mẹ ông cho lũ nhỏ nghỉ học để phụ gia đình, bà lắc đầu. Cuộc sống khó,

nhiều lúc chính ông cũng hoang mang về định hướng đời mình. Nhưng rồi cánh cửa sự học đã mở đường ông đi.

Sau hơn hai thập kỷ gắn bó với Bệnh viện Bình Dân, tháng 3-2011 bác sĩ Như phải có một sự chọn lựa quan trọng: rời khỏi nơi mà ông gắn bó và trưởng thành, lại bắt đầu một hành trình học hành mới ở nước ngoài.

Hỏi có bao giờ, khi gặp khó khăn ông thấy mệt mỏi hoặc cô đơn bác sĩ Như bật cười: “Lúc khó khăn nhất là lúc hăng hái nhất, giống như ở chân núi muốn leo lên tận đỉnh để hướng tới bầu trời mở rộng. Nhưng đến khi công việc hoàn thành, giống như đã ở đỉnh núi rồi người ta sẽ thấy mình hơi đơn độc!”. Có lẽ đó là một câu hiếm hoi chạm được vào cảm xúc của ông.

Và có lẽ đó cũng là lý do vì sao ông luôn tiếp tục những hành trình mới của mình. Cánh cửa sẽ tiếp tục mở...

“... Thấy Như đau đáu chăm lo các báo cáo khoa học tại một hội nghị quốc tế chuyên ngành, hay cực khổ cày bừa cho các bài viết trên các chuyên san chuyên ngành niệu, nam khoa quốc tế khi được đặt bài, tôi hỏi thì Như kể rằng từ khi đi học ở nước ngoài tới khi về làm ở bệnh viện, càng thấy rõ VN mình còn ít có tiếng nói tại các hội thảo khoa học để công bố, thậm chí tranh luận về chuyên môn với các đồng nghiệp quốc tế trong khi trình độ thật sự, đặc biệt về kinh nghiệm thực tiễn của VN không tệ.

Xứ mình khá quan tâm tới thành tích đứng nhất thế giới hay châu Á về nhiều thứ, nhưng cái đáng tranh đua nhất chính là vị trí, tiếng nói VN trên các diễn đàn y khoa, khoa học quốc tế hay các bài viết công bố thành quả các công trình nghiên cứu khoa học trên các chuyên san quốc tế.

Có lẽ suy nghĩ phải làm sao nâng cao vị trí khoa học của VN trên diễn đàn quốc tế đã thúc đẩy Như luôn chịu khó học, đọc, cập nhật thông tin, kiến thức chuyên môn trên con đường nghiên cứu khá yên ắng chẳng mấy người đi...?”.

--------------------------------------------------------

Đón đọc số tới: Nếu bạn bị già đi...?

Đó không phải là một giả thiết cổ tích mà là chuyện đã xảy ra. Một lúc nào đó giữa cuộc đời, bất ngờ bạn biến thành một gương mặt khác hẳn, người thân, người yêu, bạn bè... sẽ nhìn bạn ra sao? Và bạn sẽ hành xử thế nào với họ? Những câu chuyện chưa kể về hai người phụ nữ bị già đi bất ngờ.

TS.BS Nguyễn Thành Như
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên