13/05/2020 10:17 GMT+7

Khai thác bản quyền hình ảnh: Cầu thủ và CLB: ai mới là chủ?

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - CLB Hà Nội mới đây gây xôn xao khi đưa ra văn bản quy định về việc quản lý bản quyền hình ảnh cầu thủ. Điều này có hợp lý?

Khai thác bản quyền hình ảnh: Cầu thủ và CLB: ai mới là chủ? - Ảnh 1.

Man City phải trả tiền cho Aguero để sử dụng hình ảnh lịch sử này - Ảnh: The Times

Theo đó, CLB Hà Nội khẳng định họ là đơn vị duy nhất sở hữu bản quyền hình ảnh (BQHA) của cầu thủ và "mọi hành vi sử dụng thương hiệu, hình ảnh, các dấu hiệu liên quan đến hình ảnh của cầu thủ vì mục đích thương mại đều phải xin phép CLB". Các CLB trên thế giới thì sao?

Cầu thủ nắm thế chủ động

Khi Aguero cởi áo chạy ra đường biên ăn mừng sau bàn thắng lịch sử vào lưới QPR năm 2012 giúp Man City vô địch Giải ngoại hạng Anh ở những phút cuối cùng, nếu hai đồng đội sau lưng anh kịp chạy theo, họ đã có thể... tiết kiệm cho Man City một khoản tiền. Nói vậy bởi sau này Man City phải trả một khoản tiền cho Aguero để sử dụng hình ảnh lịch sử đó cho mọi mục đích mang tính thương mại của CLB.

Đó là một phần của những quy tắc chặt chẽ về việc khai thác BQHA cầu thủ mà bóng đá Anh từ đầu thập niên 2000 đã thống nhất. Theo đó, CLB không thể tự tiện sử dụng hình ảnh mang tính cá nhân của một cầu thủ và quy định đó áp dụng ngay cả trên sân bóng. CLB chỉ có thể thoải mái sử dụng hình ảnh các cầu thủ khi có từ 3 cầu thủ của họ trở lên vào chung một khung hình. Trong trường hợp này, hình ảnh được tính là "hình ảnh đội bóng".

Sự chi li của những quy định cho thấy độ nghiêm túc của vấn đề BQHA - một yếu tố mang đến nhiều quyền lợi cho cầu thủ. Người Anh luôn đi đầu trong những khía cạnh thương mại của bóng đá và vấn đề BQHA bắt đầu xuất hiện khi Giải ngoại hạng Anh ra đời, đi kèm với sự bùng nổ về quảng cáo, tài trợ, những hợp đồng thương mại của các CLB...

Khi mà mọi thứ đều được định giá, không thể có chuyện "xài chùa" bất kỳ yếu tố nào liên quan đến BQHA của cầu thủ mãi được. Khi Dennis Bergkamp chuyển đến CLB Arsenal vào năm 1995, vấn đề BQHA của anh đã được nhắc đến trong hợp đồng cá nhân với CLB. Sau đó, Arsenal được quyền khai thác hình ảnh của Bergkamp, đổi lại Bergkamp thu về 1,5 triệu bảng/năm. Đáng nói, lương của Bergkamp khi đó chỉ là 2 triệu bảng/năm.

Khi Neymar chuyển đến PSG với bản hợp đồng kỷ lục vào năm 2017, dù PSG trả cho Neymar khoản lương 35 triệu euro/năm nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để mua BQHA của anh. Vì vậy, PSG phải tiếp tục thương thảo để được khai thác hình ảnh của Neymar. 

Có nhiều cách để CLB sở hữu BQHA của một cầu thủ, bao gồm trả lương thật cao hoặc trả một khoản riêng. Ở Anh, phương án cộng dồn vào lương gần như không tồn tại vì mức thuế dành cho lương của cầu thủ nước ngoài rất cao (gần 50%). Nhưng nếu tách ra thành tiền BQHA, họ chỉ bị đánh thuế 28%.

Khi cầu thủ phải chấp nhận chia phần

Phần lớn các CLB phải trả tiền cho cầu thủ để được khai thác BQHA. Liệu có chiều ngược lại khi cầu thủ phải chia bớt nguồn thu nhập từ hình ảnh của họ cho CLB?

Đó cũng không phải là chuyện quá hiếm, nhất là ở CLB Real Madrid (R.M). Người lập ra chế độ đặc biệt này là chủ tịch Florentino Perez với lập luận: các cầu thủ được hưởng lợi nhiều từ việc khoác lên màu áo R.M. Đó là sự thật bởi R.M và một số ít các CLB khác như Barca đủ sức nâng tầm cỡ của các cầu thủ khi họ chuyển đến đây.

Từ đó, R.M lập ra truyền thống chia lợi nhuận 50-50 với những nguồn thu nhập từ hình ảnh của cầu thủ. Đổi lại, cầu thủ cũng được hưởng mức lương rất cao. Nhưng những siêu sao không hài lòng với mức chia này. Cristiano Ronaldo từng tranh cãi quyết liệt với R.M về vấn đề này, dẫn đến việc anh trở thành một ngoại lệ của R.M khi sở hữu 60% BQHA của mình.

Nói chung, chuyện ăn chia giữa cầu thủ và CLB đều nằm ở trên hợp đồng và có thể thương thảo trước khi ký kết.

Chưa thống nhất tỉ lệ phân chia giữa CLB Hà Nội và cầu thủ

Hiện nay, các cầu thủ Hà Nội đang có lượng người theo dõi trên mạng xã hội Facebook rất lớn như: Quang Hải 2,2 triệu, Duy Mạnh 1,6 triệu, Đình Trọng 1 triệu... Điều này giúp các cầu thủ kiếm được rất nhiều tiền từ các hoạt động quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, tham dự sự kiện thương mại, đóng quảng cáo...

Mức giá các cầu thủ nhận trung bình cho mỗi lần xuất hiện trước công chúng, đăng bài lên mạng xã hội hay xuất hiện tại một sự kiện có giá từ 1.000 USD, có khi lên tới 10.000 USD.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-5, một cầu thủ CLB Hà Nội nói: "Chúng tôi đã nhận được quy định của CLB và có tham gia một buổi họp phổ biến quy định này. Đến thời điểm này, cá nhân tôi chưa ký gì, bổ sung gì thêm với CLB Hà Nội vì đang phải suy nghĩ".

Cũng theo cầu thủ này, theo quy định mới, anh phải trích ra một phần nộp cho đội bóng, nhưng hiện vẫn chưa thống nhất tỉ lệ phân chia như thế nào.

KHƯƠNG XUÂN

Quang Hải phải chia sẻ nguồn thu từ Facebook cá nhân với CLB Hà Nội Quang Hải phải chia sẻ nguồn thu từ Facebook cá nhân với CLB Hà Nội

TTO - Quang Hải và tất cả cầu thủ, huấn luyện viên của CLB bóng đá Hà Nội sẽ phải chia sẻ thù lao hoặc các khoản thu nhập mà họ được nhận khi sử dụng tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội như Facebook để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên