21/06/2015 03:53 GMT+7

Kể chuyện ăn từ giải tứ hùng U-19

H.T.
H.T.

TT - Năm ngoái, sau khi kết thúc giải bóng đá quốc tế Cúp tứ hùng U-19 với sự tham gia của các đội U-19 VN, Nhật Bản, AS Roma (Ý), Tottenham, ông Trần Thanh Hải - chủ tịch hội đồng quản trị NutiFood, nhà tài trợ của giải đấu này - đã kể cho tôi nghe những câu chuyện rất hay về vấn đề dinh dưỡng.

Là một nhà tài trợ về vấn đề dinh dưỡng cho U-19 Hoàng Anh Gia Lai, nên ông Hải ra sức quan sát chuyện ăn uống của các đội bóng nước ngoài. Ông kể: “Tôi lấy làm lạ khi đội AS Roma bữa nào thi đấu cũng đều xuống khách sạn đặt cho mỗi cầu thủ một hộp thức ăn nhỏ, trong đó có một miếng sandwich kẹp thịt và một trái chuối. Ngay sau khi kết thúc trận đấu, họ đều bắt cầu thủ ăn liền hộp thức ăn này trong phòng thay đồ. Tôi tìm hiểu mới biết sau khi vận động nhiều, cơ thể bị hao hụt một số lượng lớn năng lượng. Nếu để quá một giờ, năng lượng dự trữ của cơ thể sẽ phải bù đắp cho lượng calori hao hụt khi thi đấu. Muốn bù đắp số calori dự trữ của cơ thể cần phải ít nhất ba ngày. Vì vậy trong khoa học dinh dưỡng, người ta khuyến cáo ngay sau khi hoạt động mạnh như thi đấu thể thao, trong vòng một giờ phải có một bữa ăn nhẹ để cơ thể không phải mất năng lượng dự trữ. Đặc biệt trong thể thao, khi hoạt động nặng với lịch thi đấu quá dày thì bữa ăn cấp tốc này cực kỳ quan trọng, giúp VĐV hồi phục nhanh hơn”.

Còn với đội U-19 Nhật Bản, ông Hải cho biết người phụ trách vấn đề sức khỏe của đội này luôn xuống tận nhà bếp của khách sạn cân từng miếng cá, miếng thịt và theo dõi cầu thủ ăn bao nhiêu miếng, ghi chép đầy đủ.

Từ hai câu chuyện trên của ông Hải, mới thấy chuyện ăn của VĐV VN vẫn chưa được xem trọng đúng mức. Ngày xưa, cách đây khoảng 20 năm, những lần tập trung các đội tuyển quốc gia để chuẩn bị SEA Games, chuyện ăn thường là một vấn đề được bàn tán rất nhiều. Ví dụ, các VĐV phía Nam ra tập huấn tại Nhổn kêu trời vì chuyện bồi dưỡng bằng thịt cầy! Còn VĐV phía Bắc vào tập trung ở Thủ Đức (Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 2) cũng kêu trời vì ăn không được do món nào cũng ngọt lừ.

Hiện nay, chuyện ăn đã được cải thiện rất nhiều. Các VĐV không còn kêu ca về vấn đề khẩu vị nữa, nhưng bữa ăn của họ thực chất cũng giống như người bình thường. Thậm chí tôi từng quan sát những bữa ăn tại Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG, nơi được xem là có sự quan tâm rất nhiều đến việc ăn uống và cũng thấy đó chỉ mới là bữa ăn của những gia đình khá giả, chỉ mới đảm bảo về lượng, chứ chưa thể khoa học như kiểu Ánh Viên hay các đội U-19 AS Roma, Nhật Bản.

Nên đưa kiến thức dinh dưỡng vào giáo dục thể chất

Mới đây, có một thống kê từ Viện Dinh dưỡng quốc gia địa phương cho thấy dẫn đầu về tỉ lệ trẻ béo phì là Bình Dương. Không khó lắm để giải thích câu chuyện này: kinh tế VN còn nhiều khó khăn, nhiều nơi trẻ em vẫn còn thiếu thịt trong bữa cơm; nhưng nếu kinh tế mới bắt đầu phất lên như Bình Dương chẳng hạn thì lại không có kiến thức về ăn uống sao cho tốt. Vì vậy trong đề án cải thiện tầm vóc và thể lực của người Việt, có một phần quan trọng là thông tin cho người dân hiểu biết về ăn uống khoa học. Tuy nhiên, cách làm của đề án này xem ra chưa hiệu quả dù tốn không ít tiền.

Vì vậy, đã có đề xuất thế này: Tại sao không đưa chuyện dạy cách ăn uống khoa học vào chương trình giáo dục thể chất cho học sinh? Hiện nay, chương trình giáo dục thể chất có nhiều phần rất vô ích, kiểu như dạy cho học sinh thế nào là nhảy cao kiểu cắt kéo, úp bụng qua xà, dạy chạy đá lăng chân... Nên loại bỏ những kiến thức không cần thiết ấy và thay bằng nội dung dạy ăn uống sao cho khoa học xem ra hợp lý hơn.

H.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên