09/04/2019 17:43 GMT+7

Indonesia lập biệt đội triệt phá tin giả

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Một đội “những người triệt phá tin tức lừa đảo” đang cố gắng ngăn chặn tin giả trước cuộc bầu cử Indonesia, nơi có 130 triệu người dùng Internet thường xuyên.

Indonesia lập biệt đội triệt phá tin giả - Ảnh 1.

Tuyên truyền chống tin giả trong cuộc bầu cử ở Indonesia - Ảnh: AFP

Trong khi rất nhiều nước đau đầu về vấn nạn tin giả tràn ngập trên Internet, giới quan sát lại đặc biệt cho rằng Indonesia thuộc diện dễ bị tác động nhất và nguy cơ này đang hiển hiện trước thềm cuộc bầu cử ngày 17-4 tới đây.

Nguyên nhân nằm ở chỗ Indonesia có tới 130 triệu người - một nửa dân số nước này - đang truy cập mạng xã hội trung bình 3 tiếng mỗi ngày. Đây là con số cao nhất thế giới, theo AFP.

Các nhà phân tích nói 130 triệu người dùng mạng xã hội thường xuyên ấy đang đọc tin tức về 245.000 ứng viên của cuộc bầu cử nêu trên, nhưng đa phần những gì họ đọc là không đúng sự thật. Nói cách khác, trong khi Indonesia có số lượng người mê mạng xã hội đông đảo, cái mà họ tiếp xúc mỗi ngày lại đa phần là tin giả.

Cuộc chiến chống tin giả trực tuyến này đặc biệt diễn ra xung quanh danh tiếng của Tổng thống Indonesia Joko Widodo và đối thủ của ông trong đợt cầu cử này là ông Prabowo Subianto.

AFP cho biết cả hai người đều đang lọt vào tầm ngắm của các tin giả mỗi ngày. Đối tượng phát tán tin giả cũng đa dạng, từ người ủng hộ của hai bên, những kẻ quấy rối, cho tới dân làm tin giả chuyên nghiệp gọi là "buzzer".

Theo nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu Para Syndicate, ông Ari Nurcahyo, thì tin giả vốn dĩ đã xuất hiện nhiều từ cuộc bầu cử năm 2014.

Indonesia có dân số 260 triệu người. Và dù là cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới, nước này vẫn có nhiều nhóm thiểu số theo đạo Hindu, đạo Cơ Đốc và đạo Phật.

Có tiếng là quốc gia ôn hòa trong vấn đề tôn giáo, Indonesia bắt đầu gặp thử thách trong vài năm gần đây khi yếu tố bạo lực ngày càng bị tuyên truyền rộng rãi.

"Cái khiến tôi lo là những tin tức lừa đảo trộn lẫn với các nội dung kích động thù hằn, vì nó thường sử dụng thông tin sai lệch để truyền bá sự thù ghét về sắc tộc, tôn giáo", người phát ngôn Bộ Thông tin và truyền thông Indonesia - Ferdinandus Setu - nói.

Ở Indonesia, Tổng thống Widodo hiện dẫn trước ông Subianto trong các cuộc thăm dò trước bầu cử. Tuy nhiên,ông Widodo đã cảnh báo về những thông tin sai lệch đang chống lại mình tại West Java, nơi có cộng đồng đạo Hồi lớn nhất đất nước.

Những người chống đối ông Widodo đưa tin trên mạng rằng ông này đang bán nước cho Trung Quốc và lợi ích của các quốc gia khác.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên