07/12/2011 09:18 GMT+7

Hợp nhất ba ngân hàng

Ông Trần Bắc Hà (chủ tịch hội đồng quản trị BIDV)
Ông Trần Bắc Hà (chủ tịch hội đồng quản trị BIDV)

TT - Ngày 6-12 Ngân hàng (NH) Nhà nước đã chấp thuận cho NH TMCP Đệ Nhất (FCB), NH TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TNB) và NH TMCP Sài Gòn (SCB) tiến hành hợp nhất tự nguyện trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan.

G2AilB01.jpgPhóng to
Đại diện Ngân hàng BIDV và lãnh đạo ba ngân hàng ký kết hợp tác chiến lược, toàn diện tại Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh TP.HCM chiều 6-12 - Ảnh: t.thắng

NH Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) được chỉ định tham gia toàn diện vào NH mới sau hợp nhất với tư cách đại diện vốn nhà nước. Cũng trong chiều 6-12, BIDV đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, toàn diện với ba NH trên.

Đảm bảo quyền lợi người gửi tiền

"Sau hợp nhất các NH này sẽ được đảm bảo về thanh khoản. Bất cứ lúc nào người gửi tiền tại những NH này muốn rút tiền, có thể rút trước hạn, đúng hạn... đều được đảm bảo"

Phát biểu tại buổi họp báo chiều 6-12, ông Trần Minh Tuấn, phó thống đốc NH Nhà nước, cho biết gần đây có những thời điểm FCB, TNB và SCB bị thiếu hụt thanh khoản tạm thời do mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay.

Do vậy, để khắc phục tình trạng khó khăn về thanh khoản hiện nay và xây dựng chiến lược phát triển mới, ba NH đã tự nguyện hợp nhất với nhau để trở thành một NH có quy mô lớn hơn cả về năng lực tài chính và quản trị, kinh doanh, phát huy thế mạnh của ba NH trong một NH hợp nhất.

Ông Tuấn nhấn mạnh việc hợp nhất ba NH trên sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mỗi NH cũng như của cả hệ thống. “Quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tại ba NH trên sẽ được đảm bảo, quyền lợi chính đáng của các NH thương mại khác trong quan hệ cho vay vốn cũng được quan tâm và giải quyết một cách hợp lý. NH Nhà nước cũng sẽ có những cơ chế hỗ trợ thích hợp, kịp thời nhằm đảm bảo việc hợp nhất ba NH được triển khai theo các bước một cách thuận lợi và ổn định” - ông Tuấn khẳng định.

Trong thông cáo phát đi ngày 6-12, NH Nhà nước cho rằng trên thế giới việc sáp nhập, hợp nhất các NH diễn ra không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà ở nhiều nước. Tại VN, FCB, TNB và SCB là những NH tiên phong trong tiến trình tái cơ cấu các NH thương mại, phù hợp về chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và NH Nhà nước.

Lộ trình tái cơ cấu hệ thống NH

Phát biểu tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 24 và 25-11, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết NH Nhà nước sẽ phân hệ thống NH Việt Nam thành ba nhóm lớn. Nhóm thứ nhất gồm các NH có tình hình tài chính lành mạnh, có năng lực, có quy mô đủ lớn để tiếp tục phát triển thành những NH làm trụ cột, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Dự kiến sau năm năm, Việt Nam sẽ có 15 NH như vậy, chiếm khoảng 80% thị phần.

Nhóm thứ hai là nhóm các NH có tình hình tài chính lành mạnh nhưng có quy mô còn nhỏ, không có nhu cầu hoặc không có điều kiện để phát triển quy mô cao hơn nữa.

Nhóm thứ ba là các NH có tình hình tài chính khó khăn cần tái cấu trúc. Đối với nhóm này, NH Nhà nước sẽ thay đổi lại cổ đông, nâng cao năng lực của cổ đông hoặc cho các tổ chức tín dụng trong nước khác tham gia góp vốn, mua lại hoặc sáp nhập vào các tổ chức tín dụng khác với phương châm không để tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đảm bảo tối đa quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng của NH.

Theo nội dung được các bên ký kết, các bên sẽ tiến hành hợp tác trong các lĩnh vực: quản trị, điều hành, kiểm soát, nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, tín dụng, tài trợ thương mại... Về quản trị, điều hành, các bên thống nhất sau khi ba NH này hợp nhất, đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị của NH hợp nhất sẽ bầu, bổ nhiệm các chức danh thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành, trong đó có các chức danh do BIDV giới thiệu.

Tiếp tục hỗ trợ vốn

Trả lời tại buổi họp báo sau lễ ký kết, ông Trần Minh Tuấn cho biết đây có thể được xem là bước đầu tiên trong lộ trình cơ cấu lại hệ thống NH thương mại, trước hết là những NH tự nguyện hợp nhất.

Về vai trò của BIDV trong quá trình hợp nhất ba NH trên, ông Tuấn cho biết Thủ tướng và NH Nhà nước đã giao cho BIDV tham gia từ đầu quá trình cơ cấu lại ba NH này nhằm tận dụng các thế mạnh sẵn có của BIDV giúp NH hợp nhất từng bước vững mạnh hơn trong quá trình hoạt động sau này.

Ông Trần Bắc Hà, chủ tịch hội đồng quản trị BIDV, cho rằng ở đây không có câu chuyện sáp nhập, mà là hợp nhất trên tinh thần tự nguyện. BIDV trực tiếp tham gia trước, trong và sau hợp nhất ba NH này. Ông Hà cũng cho biết vừa qua BIDV cùng một số NH khác đã tham gia hỗ trợ thanh khoản cho các NH này với tổng giá trị dư nợ liên NH của ba NH khoảng 2.400 tỉ đồng, trên tổng số tài sản đảm bảo của các NH này là 30.000 tỉ đồng.

“BIDV sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn cho các NH này và cam kết tất cả các khoản tiền gửi của khách hàng đều được đảm bảo. Tôi còn kêu gọi cán bộ hệ thống BIDV nếu có tiền nhàn rỗi thì tiếp tục gửi vào các NH này”, ông Hà nói.

Ông Hà cho biết hiện nay BIDV chỉ tham gia hỗ trợ vốn cho các NH này chứ chưa đặt vấn đề có tham gia mua cổ phần của các NH này hay không.

Ông Trần Minh Tuấn cho biết sau khi hợp nhất, NH sẽ có tên mới. Ban trù bị hợp nhất sẽ chọn lựa, báo cáo NH Nhà nước trước ngày 25-12. Cuối cùng thống đốc NH Nhà nước sẽ chuẩn y điều lệ và tên gọi của NH hợp nhất. Dự kiến NH hợp nhất sẽ khai trương vào ngày 1-1-2012. “Tôi tin rằng với sự hỗ trợ của BIDV, NH hợp nhất sẽ đủ sức cạnh tranh với một quy mô tương đối lớn”- ông Tuấn khẳng định.

Ông Trần Bắc Hà (chủ tịch hội đồng quản trị BIDV)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên