18/03/2019 11:13 GMT+7

Học về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Sinh viên TP.HCM đã có một chủ nhật sôi nổi, thu nạp thêm kiến thức, thông tin về biên giới, khát vọng xây dựng đất nước hòa bình trong chương trình 'Sinh viên với biên giới Việt Nam' ngày 17-3.

Học về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo - Ảnh 1.

Sinh viên và chiến sĩ bộ đội biên phòng giao lưu trong các trò chơi vận động liên hoàn - Ảnh: Q.L.

Gắn với câu chuyện biên giới, các bạn đã giao lưu với nhiều chiến sĩ đang công tác tại Bộ đội biên phòng TP.HCM dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của lực lượng này. Những câu chuyện, sự kiện gắn liền với biên giới, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc dường như gần hơn bao giờ hết qua cuộc trò chuyện với trung tướng Phạm Văn Dỹ - nguyên chính ủy Quân khu 7.

Khi các bạn sáng tạo, dám suy nghĩ, dám làm, tạo sự bứt phá về khoa học công nghệ chính là lúc tạo thành sức mạnh bảo vệ bình yên cho biên giới đất nước chúng ta.

Trung tướng PHẠM VĂN DỸ

Hòa bình trong tâm thế sẵn sàng

Hai giờ đồng hồ tưởng quá ngắn, song bằng kiến thức lịch sử và vốn sống của những tháng năm tôi luyện trong quân ngũ, trung tướng Phạm Văn Dỹ đã dẫn các bạn sinh viên đi trọn chiều dài lịch sử dân tộc. 

Nhắc lại cuộc chiến không phải để ghi lòng thù hận, bởi lịch sử dân tộc Việt Nam bao giờ cũng đi liền với khát vọng xây dựng và gìn giữ hòa bình.

"Chúng ta luôn phải cảnh giác, tỉnh táo trước bất kỳ thế lực nào" - trung tướng Dỹ nhấn mạnh. Ông nói mỗi cuộc chiến trên đất nước này ở vào mỗi thời kỳ khác nhau đối diện với từng kẻ thù khác nhau, song mục tiêu không đổi của bao thế hệ cha ông đi trước và mãi đến hôm nay vẫn thế: giữ yên bờ cõi.

"Những nước lớn trên thế giới từng muốn Việt Nam phải thế này thế kia theo ý họ, song lịch sử suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của chúng ta đến nay chứng minh rằng dân tộc Việt Nam phải được quyền tự quyết, tự định đoạt con đường độc lập, tự chủ của Tổ quốc mình" - ông Dỹ phân tích.

Chiến sĩ Lê Thanh Long (Bộ đội biên phòng TP.HCM) cho biết anh rất vui khi được tham dự chương trình giao lưu này. Theo anh, công việc của chiến sĩ biên phòng khá thầm lặng, nên nhờ những hoạt động thế này mà người dân, các bạn trẻ có thông tin nhiều hơn, hiểu hơn về công việc của lực lượng biên phòng. 

Anh nói mỗi người lính biên phòng luôn ý thức cao trách nhiệm gìn giữ biên cương, nhưng chính mỗi người dân mới hợp thành sức mạnh "biên phòng toàn dân" giữ vững biên giới đất nước.

Học về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo - Ảnh 3.

Trung tướng Phạm Văn Dỹ vừa trò chuyện về vấn đề biên giới, vừa ôm đàn hát cho sinh viên nghe - Ảnh: Q.L.

Nghĩ về trách nhiệm

Dẫn đi từ câu chuyện độc lập, chủ quyền, trung tướng Phạm Văn Dỹ khơi gợi về ý thức, suy nghĩ của sinh viên trước trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Vào thẳng vấn đề, ông Dỹ dẫn lại lời Bác Hồ từng nói đất nước phải giàu lên, mạnh lên, nếu Việt Nam vẫn nghèo thì chỉ là con rối trong tay kẻ khác, dù đó là đồng minh của ta.

Bạn Nguyễn Thị Hồng Hà (Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho biết lần đầu tiên bạn được dự một chương trình mà tiếp nhận cho mình nhiều thông tin, nhiều kiến thức bổ ích về câu chuyện chủ quyền lãnh thổ, về biên giới, biển đảo đến thế. Hồng Hà cho rằng tổ chức Đoàn - Hội cần đầu tư để thông tin luôn cần thiết, hữu ích cho sinh viên qua mỗi chương trình tương tự.

"Những chương trình thế này bổ sung kiến thức cho sinh viên nhiều lắm. Ngay mỗi sinh viên cần cảnh giác khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin, phải tìm hiểu nguồn và thông tin chính thống, nhất là những thông tin liên quan đến chủ quyền, biên giới quốc gia. Từ những điều được biết, chúng tôi hiểu hơn trách nhiệm phải học thật tốt mới mong góp sức xây dựng đất nước" - Hồng Hà nói.

"Tinh thần là Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trên thế giới, chúng ta không về phe này, chống phe kia. Trách nhiệm của các bạn chính là học tốt, sáng tạo, năng động để làm sao cho Việt Nam ngày một giàu lên, mạnh lên, mới đủ sức gìn giữ biên cương" - trung tướng Phạm Văn Dỹ nhắn nhủ.

Sinh viên TP.HCM với chủ quyền đất nước

Nhiều năm qua, sinh viên TP.HCM có nhiều chương trình, hoạt động thể hiện không chỉ là tình yêu mà bằng hành động cụ thể với biên giới, biển đảo đất nước. Nhiều đội hình tình nguyện của sinh viên, thanh niên TP với các hoạt động đã được thực hiện tại đảo Phú Quý (Bình Thuận), Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Đặc biệt, với đảo Thổ Chu (Kiên Giang), sinh viên TP đã có riêng cuộc thi dự án tình nguyện và một số dự án đoạt giải được triển khai, hiện thực hóa tại đảo này. Sau ba năm liên tiếp và đã hoàn thành đề án tham gia xây dựng đảo Thổ Chu, tuổi trẻ TP.HCM sẽ tiếp tục có những hoạt động khác vào thời gian tới để hỗ trợ đảo này.

Một câu chuyện đẹp về tình yêu xuyên biên giới Một câu chuyện đẹp về tình yêu xuyên biên giới

TTO - Chàng là sĩ quan quân đội, công tác ở một trạm rađa miền núi. Nàng là kỹ sư tài năng làm việc cho một tập đoàn thép ở châu Âu. Họ đã viết nên một câu chuyện đẹp về tình yêu.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên