09/12/2018 11:07 GMT+7

Học làm 'sứ giả' ẩm thực Việt

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Không cần là người nổi tiếng hay phải có nhiều ảnh hưởng trong xã hội, chỉ cần say mê ẩm thực Việt và sẵn sàng quảng bá món ngon Việt ra thế giới, bạn đã đủ tiêu chuẩn trở thành “sứ giả” ẩm thực Việt.

Học làm sứ giả ẩm thực Việt - Ảnh 1.

Một buổi học làm “sứ giả” ẩm thực Việt - Ảnh: Q.T.

Lớp học "đào tạo" đại sứ ẩm thực Việt ở TP.HCM được tổ chức vào chủ nhật hai tuần/lần, trong những không gian khác nhau, với thực đơn là những món ăn dân dã như bánh xèo, chè chuối, bún bò... do chính những nghệ nhân "ẩm thực đường phố" đứng lớp.

Ai cũng có thể trở thành đại sứ ẩm thực Việt

Ngày chủ nhật cuối tuần, quán bánh xèo Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh) treo biển đóng cửa để đón những vị khách đặc biệt. Đó là những đại sứ ẩm thực đầu tiên của chương trình "Đào tạo sứ giả Bếp Việt" của Quỹ văn hóa giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã.

Những đại sứ này toàn những người "lạ hoắc", có anh chàng làm tài chính người Mỹ đang sống ở TP.HCM, chị Lam đang ấp ủ mở một quán phở hay chị Tú đang làm ở khách sạn và cô Thủy là giáo viên.

Lớp còn đón cả một chị chuyên dạy nấu món Việt ở nước ngoài về, vô tình biết đến chương trình cũng đăng ký tham dự... Hôm đó, khoảng 10 người lần đầu gặp nhau để cùng bắt đầu buổi tìm hiểu về món bánh xèo.

Cô Nga, chủ quán bánh xèo Miếu Nổi, là một trong những nghệ nhân VN được mời đến Manila, Philippines để tham gia chương trình ẩm thực đường phố thế giới 2017. Ở đó, món bánh xèo hút khách đến mức cô làm không kịp nghỉ tay.

Đây cũng là một trong ba quán ăn VN được Đại hội món ăn đường phố thế giới vinh danh trong danh sách 50 bậc thầy món ăn đường phố thế giới năm 2017, bên cạnh chè chuối nướng Út Lúa và phở Phú Vương.

Ngay sau khi được hướng dẫn công thức, giải thích ý nghĩa, các đại sứ được tự tay mình đổ những chiếc bánh xèo, nắm bắt kỹ năng làm sao có chiếc bánh xèo mỏng vỏ và được giải thích cặn kẽ sự hài hòa trong các phần nhân bánh, kỹ thuật đổ bánh.

Đó là phải làm chủ nhiệt độ của chảo và tay đổ bột, tay lắc chảo phải thật đồng đều.

Thú vị nhất trong các buổi học chính là đại sứ tự tay thực hiện các món ăn. Có khó lắm không? Về nhà bạn có sẵn sàng nấu những món này không? Bạn có giới thiệu những món ăn này cho bạn bè mình không?

Đó là những câu hỏi mà TS Nguyễn Nhã, trưởng đề án Bếp Việt - Bếp của thế giới, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, không ngừng hỏi trong các buổi học.

Brian Murphy, anh chàng người Mỹ, nhễ nhại mồ hôi sau khi đổ được bốn cái bánh xèo, thừa nhận việc đổ bánh không phải việc dễ dàng dù khi nhìn vào ai cũng nghĩ mình làm được.

Ngay cả với những người Việt, vốn quen thuộc với món bánh xèo, tự tay mình đổ những chiếc bánh xèo đúng điệu cũng không đơn giản.

Qua những buổi học, Brian đã tự tay mình đổ bánh xèo, làm chả đẫy và cả bánh chuối nướng. Tiếng vỗ tay lần lượt reo lên khi từng đại sứ tự tay mình hoàn thành chiếc bánh xèo. Họ thưởng thức những chiếc bánh ấy vào cuối buổi học.

Kể từ ngày chủ nhật giữa tháng 6-2018 đến nay, đã có 5 buổi giới thiệu như vậy được diễn ra, những món ngon dân dã Việt Nam lần lượt được chính những nghệ nhân ẩm thực giới thiệu đến đại sứ, những người Việt yêu ẩm thực, những du khách quốc tế, người nước ngoài đang sống ở Việt Nam.

Đem món ăn dân dã đến thế giới

Anh Phan Tuấn Quốc, điều phối chương trình viên của đề án Bếp Việt, cho biết mục đích của đề án là lan tỏa tinh thần bếp Việt, giúp cho càng nhiều người từ sinh viên, du khách nước ngoài đến những người yêu ẩm thực biết nấu những món ăn chuẩn Việt Nam, từ đó góp phần quảng bá bếp Việt khi họ tiếp tục hướng dẫn lại cách nấu hoặc mở quán ăn chuẩn Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Chương trình hoàn toàn không thu phí đối với người tham gia.

Ở một nơi năng động và chào đón hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm như TP.HCM, tìm một lớp học trải nghiệm nấu các món ăn Việt thật không quá khó nhưng để được lắng nghe những "nghệ nhân món ăn đường phố" hướng dẫn cách nấu ăn và giải thích những bí quyết rất riêng, rất Việt thì chỉ có lớp học đặc biệt này.

Hôm giải thích bí quyết nấu món ngon bún bò Huế, cô Hoàng, một nghệ nhân nấu ăn trên 80 tuổi, "bật mí" bún bò phải có xương thịt heo ninh, không được nấu từ xương bò vì mùi bò là đặc trưng của món phở.

Tuy vậy, bún bò Huế không thể thiếu được bắp bò hoa, ruốc Huế. Rau ăn kèm nhất thiết phải có hoa chuối và giá.

"Anthony Bourdain, đầu bếp và dẫn chương trình nổi tiếng của Mỹ, trong hành trình thưởng thức món bún bò Huế đã gọi món này là "món xúp ngon nhất thế giới" là vì vậy" - cô Hoàng nói.

TS Nguyễn Nhã cho biết ý tưởng đào tạo những đại sứ ẩm thực Việt được ông ấp ủ nhiều năm qua với mục tiêu cùng nhau quảng bá bếp Việt ra thế giới.

Chương trình đào tạo sứ giả ẩm thực Việt cốt đào tạo những sứ giả say mê ẩm thực Việt và đi tới cùng quảng bá ra thế giới, khuyến khích mỗi người tìm hiểu những độc đáo của ẩm thực Việt vừa lấy tự nhiên làm gốc vừa ngon vừa lành.

Và quan trọng hơn, từ những buổi gặp gỡ, tham gia chế biến cùng các nghệ nhân, những "đại sứ" nghiệp dư sẽ biết cách làm cho mọi người biết và thưởng thức những món ăn Việt độc đáo, trong đó có nhiều món ngon đã được đề án đưa đến các lễ hội ẩm thực đường phố của thế giới tại các nước, hay tại các lễ hội ở Việt Nam.

Kỳ vọng có nhiều sứ giả ẩm thực Việt

Theo TS Nguyễn Nhã, chương trình được xây dựng chỉ với mong muốn ngày càng có thật nhiều các sứ giả ẩm thực Việt: "Cứ cùng nhau và đi tới cùng, tôi nghĩ chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ trở thành cường quốc ẩm thực".

Không chỉ có hai món được CNN bình chọn trong 50 món ăn ngon nhất thế giới và món phở đã được báo Times bình chọn là một trong 10 món ăn lợi cho sức khỏe nhất thế giới, theo ông Nhã, Việt Nam còn nhiều hơn nữa.

"Đó là điều mà các sứ giả ẩm thực Việt Nam có thể đóng góp..." - ông Nhã nói.

Thưởng thức cả một nền văn hóa khi nếm món ăn

ẩm thực việt

Các “sứ giả” ẩm thực Việt thưởng thức món Huế sau khi tự tay làm - Ảnh: Q.T.

Ông Seetoh (Singapore), người dẫn chương trình của chương trình truyền hình đại chúng Makansutra trên kênh Thực phẩm Á Châu (Asia Food Channel), cho rằng nếm món ăn thì phải cùng thưởng thức văn hóa.

Từng mời nhiều nghệ nhân ẩm thực Việt Nam đi quốc tế, ông Seetoh đã không ít lần bày tỏ sự tiếc nuối vì ẩm thực Việt Nam bị ngó lơ, chưa được quảng bá xứng tầm, đồng thời kêu gọi phải làm gì đó trong bối cảnh các nước đang không ngừng đầu tư cho ẩm thực, quảng bá du lịch phát triển kinh tế.

Do đó, theo anh Phan Tuấn Quốc - điều phối chương trình viên của đề án Bếp Việt, nhóm tổ chức chương trình này muốn bắt đầu từ những chương trình nhỏ thế này.

Trong số những cách giới thiệu ẩm thực hiệu quả, tổ chức các lớp nấu ăn là cách giúp lan tỏa tốt nhất.

"Chúng tôi không thu phí người tham gia, nhưng sau một số buổi học, các đại sứ đã tình nguyện đóng góp hỗ trợ nghệ nhân mua nguyên liệu thực hiện món ăn khi số lượng người tham gia tăng dần" - anh Quốc cho biết.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên