29/05/2020 11:36 GMT+7

Học để trả ơn hai mẹ

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Để đến được giảng đường, Ánh Cương ở xóm nghèo Hậu Sanh (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) phải trải qua những tháng ngày ám ảnh do nghèo đói cùng nỗi dằn vặt vô hình bởi lần cất tiếng khóc đầu đời cũng là lúc mẹ ra đi mãi mãi.

Học để trả ơn hai mẹ - Ảnh 1.

Thói quen tự học được Ánh Cương rèn cho mình từ khi còn nhỏ - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Việc sắp hoàn thành năm 3 đại học tưởng chừng giúp Thiên Châu Ánh Cương (22 tuổi, sinh viên ngành y đa khoa, khoa y ĐHQG TP.HCM) an tâm phần nào về giấc mơ đổi đời bằng sự học. Thế nhưng, với Cương mọi thứ vẫn chưa suôn sẻ...

“Có lẽ vì quá hiểu nỗi khốn khó của cái nghèo nên ngay từ nhỏ mình đã muốn được học lên đại học, được theo ngành y để sau này có thể kiếm một công việc ổn định. Mình muốn học để trả ơn hai mẹ.

Thiên Châu Ánh Cương

Những tháng ngày cơ cực

Giữa cái nắng tháng 5 trời Sài Gòn, căn phòng ký túc xá nơi Cương cùng ba người bạn khác đang trọ học cứ nóng hầm hập. Luồng gió duy nhất từ chiếc quạt trần không sao giúp mọi người cảm thấy thoải mái. "Á, mất điện!". Tiếng la vọng lại từ các dãy nhà bên. Liền sau đó, chiếc quạt trần trong phòng dần chạy chậm lại rồi ngưng hẳn, mọi thứ trở nên bí bách.

Cơn nóng khiến ai nấy buông hết sách vở, duy một mình Cương thì không. Cô vẫn ôm khư khư cuốn sách giải phẫu trên tay. Có lẽ bao khổ cực trải qua từ nhỏ đã giúp Cương kiên trì, chịu khó hơn người. Mọi chuyện bắt đầu ngay từ ngày Cương được sinh ra. Mẹ sinh ra Cương rồi mất liền sau đó bởi chứng băng huyết sau sinh. 

Khát sữa mẹ, cô từng khóc ngất nhiều ngày liền. Dì ruột là bà Chững nhận chăm nuôi Cương ngay sau khi tai họa ập đến. Ba của Cương, ông Thiên Sanh Cổ cũng rời đi lập gia đình mới sau đó không lâu. Trước Cương còn có sáu anh chị, người lớn nhất nay đã 38 tuổi.

Trong nước mắt, Cương kể lúc nhỏ cô vẫn thường hay hỏi mẹ Chững về lý do khiến mẹ ruột mình mất. Thế nhưng để lảng tránh điều đó, bà Chững lại kể về lý do có cái tên Ánh Cương. "Nó bắt nguồn từ hình một viên kim cương lấp lánh ánh sáng được in trên các hộp sữa Ông Thọ. Vì mình không có sữa mẹ nên thời nhỏ nếu có tiền mẹ Chững lại mua sữa lon Ông Thọ cho uống. Mẹ bảo lấy tên Ánh Cương để mong mình sau này đủ sáng suốt, học thành tài, tạo ra những giá trị như những viên kim cương" - Cương nói.

Bà Chững mất một chân vì giẫm phải mìn trong một lần đi làm đồng thuở nhỏ. Dù thương tật, bà vẫn phải làm việc quần quật để lo cho bảy chị em Cương lẫn hai mẹ con nhà bà không bị đói. Nay vì sức khỏe không cho phép, nắng hạn lại diễn ra triền miên nên bà đành bất lực sống trong cảnh khốn khó. Năm anh chị của Cương đều đã lập gia đình, nhưng ai nấy đều còn phải lo chạy cơm từng bữa.

Niềm tin theo đuổi ước mơ

Ngay từ nhỏ, cô bé người Chăm với dáng người nhỏ nhắn đã biết phụ giúp mẹ Chững toàn bộ việc nhà, đồng áng. Những năm học cấp III, cô đều phải đạp xe hơn một tiếng mỗi ngày để đến trường. 12 tấm bằng khen học sinh giỏi là hành trang giúp cô tự tin bước vào cánh cổng đại học, theo đuổi mơ ước.

Những năm đầu đại học, Cương xin làm gia sư cho một hộ gia đình cạnh ký túc xá để có thêm chi phí sinh hoạt. Thế nhưng vì thời gian học nhiều, lượng kiến thức, bài tập và thực hành của ngành y ngày càng tăng nên Cương bảo không thể tiếp tục. Hiện mỗi tháng, chi phí ăn ở của cô được bà Chững chu cấp một phần nhờ vào số tiền trợ cấp chính sách người tàn tật 500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, chị kế của Cương - Ánh Nhật (26 tuổi) hiện làm công nhân ở Q.7 cũng đang hỗ trợ thêm một phần. 

"Làm gia sư mỗi tháng kiếm được những 2 triệu, đôi khi ăn tiêu ít lại dư gửi về mua thuốc cho mẹ. Thế nhưng tiếc là ngành y học nhiều quá nên không thể tiếp tục" - Cương nói đầy tiếc nuối.

Vì đại dịch COVID-19, công việc lẫn thu nhập của người chị gái có phần ảnh hưởng. Ở Ninh Thuận, nắng hạn liên tục khiến hai sào ruộng của gia đình chẳng thể cày cấy thêm vụ mới. Gánh nặng kinh tế càng đè nặng lên đôi vai bà Chững. 

Để tiết kiệm, hiện mỗi ngày Cương ăn uống rất ít. Không ăn sáng, hầu như buổi trưa và buổi tối của Cương cũng chỉ quanh quẩn ở các quán cơm chay, cơm giá rẻ hay mì gói. 

Cô bảo vì sắp tới phải chuyển ra ngoài ở để thuận tiện cho việc học, đi thực tập hay trực bệnh viện nên tiền vẫn là nỗi lo lớn nhất. Thay vì ở ký túc xá chỉ phải trả hơn 300.000 đồng/tháng thì nay chi phí ở trọ gần các bệnh viện trung tâm TP lại rất cao.

"Chị gái cũng đã gọi điện nói sẽ gửi tiền ít hơn mọi khi do dịch không được tăng ca nên mình khá lo lắng. May thay được một người bạn giới thiệu về quỹ học bổng Tiếp sức đến trường mùa COVID-19, động viên mình có thêm niềm tin để vượt qua giai đoạn khó khăn này" - Cương chia sẻ.

Vân Ngọc, bạn chung phòng của Cương, nói rằng cô luôn là tấm gương để mọi người trong phòng soi vào. "Việc hình thành thói quen tự học ngay từ nhỏ đã phát huy hiệu quả, giúp Cương đạt được nhiều thành tích trong học tập. Với mình, Cương luôn là tấm gương đáng noi theo, từ tính cách, học lực cho đến sự nỗ lực vô cùng lớn trong cuộc sống" - Vân Ngọc nói.

Chọn ngành y để chăm sóc sức khỏe người dân Chọn ngành y để chăm sóc sức khỏe người dân

TTO - Chỉ còn vài tháng nữa, cô sinh viên người Chăm Lư Nữ Mai Khanh (ĐH Y dược TP.HCM) tốt nghiệp ra trường.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên