24/10/2020 13:28 GMT+7

Học để thay đổi cuộc đời

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - "Một đêm tối trời, cha lên cơn tâm thần, chạy đi tìm và đánh mẹ con tôi. Chúng tôi núp trong bụi rậm, rồi thiếp đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau, thấy trên đầu mình là sọt úp gà. Cha đã tìm ra chúng tôi trong đêm đó".

Học để thay đổi cuộc đời - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Ái Diệu ngậm ngùi chia sẻ về hoàn cảnh gia đình và ước mơ được học - Ảnh: BÌNH MINH

Đó là những lời tâm sự của cô bé Nguyễn Thị Ái Diệu (tỉnh Bình Phước) khi nói về cơn thịnh nộ của cha.

Bao trùm cuộc nói chuyện với cô tân sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM là nước mắt. Diệu khóc vì tủi thân, vì thương cha nằm viện ở nhà thương Biên Hòa, vừa mắc bệnh tâm thần, vừa bị tiểu đường nặng, thương mẹ vì lo cho cha mà vay mượn khắp nơi, nợ ngân hàng đã lên đến 500 triệu đồng.

Ám ảnh

Ái Diệu sợ hãi khi nói về cha. Xen lẫn trong tình thương và sự xót xa khi nhắc về số phận của người cha không may mắc bệnh tâm thần, là nỗi sợ của Diệu. Cô nói ngay trong giấc mơ cũng ám ảnh về những lần cha phát bệnh.

"Mắt cha đỏ ngầu. Bình thường cha rất hiền, ít nói, nhưng những lúc ấy cha bắt đầu nói rất nhiều. Tôi luôn là người phát hiện ra sớm nhất. Mỗi lần như thế, cả nhà chúng tôi phải trói cha lại, đưa đi bệnh viện. Mỗi năm cha phát bệnh 3 - 4 lần, mỗi lần nằm viện khoảng 20 triệu đồng, tính cả tiền xe, chi phí ăn ở, thuốc men...", Diệu nói.

20 năm mắc bệnh tâm thần, cha Diệu như trở thành con người khác. Nếu như trước đây từng thương yêu, chăm sóc vợ con chu đáo, chỉ biết chăm lo làm ăn, phát rẫy, ông giờ sẵn sàng tạt nước sôi vào người mẹ Diệu hay thả rắn vào giường nằm, đem quần áo vất xuống giếng, rồi cầm dao đuổi đánh mẹ con Diệu. Những lần như thế, Diệu và mẹ không còn cách nào khác mà chỉ biết trốn sang nhà người quen, hay núp vào bất cứ nơi đâu an toàn. Nỗi sợ hãi khi phải chạy trốn chính người cha ruột của mình in sâu vào ký ức của Diệu, trở thành thứ ám ảnh cô.

Mẹ Diệu tìm mọi cách chữa trị cho chồng mình, kể cả đi tìm thầy cúng. Diệu kể 2h sáng mẹ vẫn chạy đi tìm thầy, để lại hai anh em Diệu giữa căn nhà trong đêm tối tịch mịch.

Lời mẹ dạy

Diệu nói mình yêu thích việc học vì từ trước đến nay mẹ luôn nói rằng chỉ có học mới thoát được cái nghèo, cái khổ. 12 năm liền Diệu là học sinh giỏi, từng đạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn công nghệ. Suốt ba năm cấp III, Diệu luôn giữ hạng nhất, nhì trong lớp. Vừa qua, tổng điểm thi đại học ba môn của Diệu đạt 24,75.

"Lời mẹ nói luôn nhắc nhở tôi phải học. Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng mẹ luôn chu toàn, không bao giờ để chúng tôi phải suy nghĩ gì nhiều. Mẹ bao bọc chúng tôi từ nhỏ, mẹ nói kiểu gì mẹ cũng phải cho hai đứa đi học" - Diệu kể.

Mỗi sáng, người mẹ tảo tần dậy sớm nấu cơm cho hai con mang đi học từ khi gà mới gáy canh 5, rồi cặm cụi hái rau mang ra chợ bán. Vì là vùng làm nông, nhà ai cũng trồng rau nên phải rất vất vả bà mới bán được hết số rau đó. "Có hôm, mẹ phải năn nỉ người ta lấy giùm", Ái Diệu nhớ lại. Mỗi khi chồng lên cơn bệnh, bà lại gom hết đồ trong nhà đi giấu vì sợ hư hỏng. Nhìn thím, nhìn mợ được chồng yêu thương, chăm sóc, rồi nhìn lại mẹ mình, Diệu nói cô chỉ mong sau này đi làm kiếm được tiền, dẫn mẹ đi du lịch nhiều nơi. Nói rồi, Diệu lại bật khóc.

Cô Đặng Thị Thư, giáo viên chủ nhiệm suốt 3 năm liền của Diệu tại Trường THPT Thống Nhất (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) nói về Diệu với đầy tình yêu thương, trân trọng. Cô Thư cho biết suốt mười mấy năm đi dạy, lần đầu tiên gặp một học trò nỗ lực nhiều như Ái Diệu.

"Nhà Diệu rách nát, trông như một túp lều, năm nào cũng mất trộm nông sản và tiền bạc vì cửa nẻo có cũng như không", cô kể.

Biết Diệu mơ ước học Đại học Y dược TP.HCM, cô Thư giúp Diệu ôn luyện suốt ba năm không thu học phí. Buồn thay, ước mơ trong chốc lát đã vuột khỏi tầm tay Diệu khi chi phí học tại trường y tăng bất ngờ. Cô nói mẹ mình không thể nào có đủ khả năng đóng số tiền lớn như vậy. Thầy cô và cả bản thân Diệu đều hiểu rằng cô phải từ bỏ mơ ước của mình. Ngày Diệu quyết định bỏ ý định vào Y dược, cô Thư và cô học trò nghèo ôm nhau khóc.

"Diệu khóc suốt hai tuần sau đó, học hành sa sút hẳn. Con bé mất ba năm phấn đấu chỉ để được học y", cô Thư buồn bã nói.

Tuy việc học giờ đã rẽ sang hướng khác, Diệu nói cô vẫn sẽ cố gắng học thật tốt để ra trường tìm được việc làm, có thể thay mẹ lo lắng cho gia đình. Ngay khi ổn định lịch học, Diệu dự định sẽ tìm một công việc làm thêm để trang trải cuộc sống tại thành phố, dành dụm tiền để mua một chiếc laptop phục vụ việc học, và đi học thêm tiếng Nhật, ôn luyện lại tiếng Anh.

Tình yêu thương của thầy cô

Diệu, dù trải qua rất nhiều khó khăn, vẫn luôn không ngừng nuôi trong mình mơ ước được học để thay đổi cuộc đời, không chỉ của bạn mà của cả người mẹ đã bao năm hi sinh vì chồng, vì con, cho người cha đã chịu quá nhiều thiệt thòi.

Chính sự nỗ lực ấy đã giúp Diệu có được tình thương của biết bao người, nhất là các thầy cô dạy bạn. Cô Thư nhiều lần giúp Diệu chi phí lo viện phí cho cha; đôi khi mua tặng Diệu những món quà nhỏ. Mùa điều năm nay, cả cha và anh Diệu đều bệnh nặng nằm viện, mẹ một mình tất tả ngược xuôi chăm lo cho cả hai. Thấy vườn bỏ trống không người coi sóc, năm thầy cô của Diệu tình nguyện giúp cô trò nhỏ thu hoạch điều.

Học để trả ơn hai mẹ Học để trả ơn hai mẹ

TTO - Để đến được giảng đường, Ánh Cương ở xóm nghèo Hậu Sanh (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) phải trải qua những tháng ngày ám ảnh do nghèo đói cùng nỗi dằn vặt vô hình bởi lần cất tiếng khóc đầu đời cũng là lúc mẹ ra đi mãi mãi.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên