28/09/2013 02:03 GMT+7

Hồ thủy lợi xả lũ, nhà dân ngập trong nước

L.NHÂN - N.NGUYÊN- T.PHÙNG - Q.KHẢI
L.NHÂN - N.NGUYÊN- T.PHÙNG - Q.KHẢI

TT - Bão số 10 càng gần bờ càng mạnh

Trong hai ngày qua (26 và 27-9), tại tỉnh Gia Lai có mưa lớn liên tục khiến mực nước trên hồ Ayun Hạ - hồ thủy lợi lớn nhất Tây nguyên (có dung tích chứa hơn 250 triệu m3) - phải xả lũ với mức xả từ 300-350m3/giây. Việc xả lũ này cùng với mưa lớn liên tục kéo dài khiến hàng chục ngôi nhà và hơn 200ha lúa của người dân ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) ngập sâu trong nước. Trong đó thiệt hại nặng nhất là huyện Ia Pa, vừa là vùng hạ nguồn của sông Ba vừa phải hứng nước do hồ thủy lợi Ayun Hạ xả xuống.

Theo báo cáo từ Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ia Pa, nước lũ trên sông Ba đã đạt mức báo động 2 và có nguy cơ xảy ra ngập úng trên diện rộng. Nước lũ trên sông Ayun và sông Ba tiếp tục dâng cao. Trong khi đó, công trình thủy lợi Ayun Hạ vẫn đang tiếp tục mở ba cửa xả lũ với lưu lượng nước 300-350 m3/giây.

Ông Hoàng Văn Tư, văn phòng UBND huyện Ia Pa, khẳng định ngoài mưa lớn kéo dài trên địa bàn thì việc xả lũ của công trình thủy lợi Ayun Hạ khiến mực nước tăng cao dẫn đến ngập lụt ở một số xã trên địa bàn. Thế nhưng, ông Trương Vân - giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai (đơn vị quản lý công trình thủy lợi Ayun Hạ) - lại cho rằng việc xả lũ của công trình Ayun Hạ không phải là nguyên nhân gây ngập lụt. Ông Lê Văn Lịnh, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho biết sở vẫn chưa nắm được thông tin về việc xả lũ hồ Ayun Hạ gây ngập úng ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa.

* Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương chiều 27-9 bàn biện pháp đối phó với bão số 10 (tên quốc tế do Macau đề cử là bão Wutip - Con bướm), ông Bùi Minh Tăng - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - nhận định bão sẽ mạnh thêm sau khi vượt qua Hoàng Sa và đạt cấp 11 trước khi đổ bộ vào miền Trung.

Theo ông Tăng, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão vào sáng 27-9. Đây là cơn bão số 10 trên biển Đông và là cơn bão số 21 trên Thái Bình Dương. Chiều tối 27-9, bão đạt sức gió mạnh cuối cấp 8 đầu cấp 9 và đang cách Hoàng Sa 190km về phía đông.

Dự báo trong hai ngày tới (28 và 29-9), bão có hướng di chuyển dích dắc, lúc theo hướng tây tây bắc, lúc chuyển hướng giữa tây và tây tây nam và di chuyển rất chậm, từ 5-10km/giờ. Tuy nhiên, sau khi bão vượt qua Hoàng Sa sẽ tiếp tục mạnh thêm, đạt cấp 10, cấp 11 và di chuyển nhanh hơn (20-25km/giờ). “Khả năng bão số 10 đổ bộ trực tiếp vào nước ta là rất lớn nhưng do hơn ba ngày nữa mới cập bờ nên chưa xác định chính xác khu vực đổ bộ. Nhiều khả năng bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh phía nam của Bắc Trung bộ và phía bắc của Trung Trung bộ trong ngày 30-9 hoặc 1-10. Trước khi vào bờ bão mạnh cấp 11, khi vào bờ còn cấp 9, cấp 10” - ông Tăng nhận định.

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Cao Đức Phát - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương - yêu cầu các lực lượng chức năng và địa phương tiếp tục kêu gọi hướng dẫn tàu cá ra khỏi vùng nguy hiểm được xác định trong hai ngày tới là từ vĩ độ 14 đến 18, thông báo cho các tàu vận tải không đi vào khu vực này.

Lũ cuốn 3 công nhân vào đường hầm thủy điện

Đến tối 27-9, ba công nhân bị lũ cuốn vào đường hầm dẫn nước tại công trình thủy điện La Hiêng 2, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vẫn chưa được tìm thấy. Đêm 26-9, khi các công nhân còn đang làm ca đêm thì bất ngờ nước lũ từ thượng nguồn đổ xuống, tràn qua đê bao, cuốn ba công nhân vào đường hầm dẫn nước. Nạn nhân là anh Nguyễn Công Lệnh (28 tuổi), anh Nguyễn Thanh Cương (26 tuổi) và ông Zho Ming Sho (51 tuổi, người Trung Quốc).

L.NHÂN - N.NGUYÊN- T.PHÙNG - Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên