07/03/2021 08:55 GMT+7

Hiện thực hóa khát vọng 'Việt Nam hùng cường'

NGỌC HIỂN - TIẾN LONG
NGỌC HIỂN - TIẾN LONG

TTO - Ngày 6-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt, đối thoại với các doanh nhân, trí thức với chủ đề 'Đối thoại 2045'. Đây là lần đầu tiên chương trình này được tổ chức.

Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất ôtô của Vinfast - Ảnh: VG

Suốt hơn 4 giờ tọa đàm tại hội trường Thống Nhất (TP.HCM), đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) nhà nước, tư nhân, có yếu tố nước ngoài và trí thức đã có những phát biểu đầy tâm huyết, nhằm mục tiêu hiến kế để phát triển Việt Nam hùng cường vào năm 2045.

5 hiến kế lớn của DN, trí thức

Phát biểu của doanh nhân và trí thức tại buổi đối thoại xoay quanh 5 vấn đề lớn. Thứ nhất, vấn đề con người và công nghệ, trong đó đặt vấn đề chuyển đổi số mạnh mẽ. Thứ hai, cần quan tâm đổi mới thể chế, xem thể chế là "bà đỡ" của DN và đất nước, trong đó nhấn mạnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản, không hình sự hóa nền kinh tế.

Thứ ba, trao cơ hội phát triển cho DN, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho người dân, DN, kể cả các thành phần kinh tế khác như FDI, hợp tác xã, hộ cá thể... Thứ tư, cần kết nối hạ tầng, tạo điều kiện phát triển cho DN, nhất là điều kiện về đất đai cùng với việc phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng phục vụ cho phát triển, đi liền với bảo vệ môi trường sống. Cuối cùng, phải bảo vệ văn hóa Việt Nam, kinh tế phát triển nhưng nếu mất văn hóa sẽ mất tất cả.

Xung quanh những vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "DN là trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn. Tôi tin rằng cộng đồng DN lớn mạnh đồng nghĩa với một Việt Nam lớn mạnh, phát triển bền vững trong thời gian tới".

Theo Thủ tướng, thời đại này, nếu DN vẫn được định nghĩa tối đa hóa lợi nhuận là lạc hậu. Theo đó, mục tiêu của DN không thể chỉ đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông mà phải sáng tạo giá trị xã hội, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước.

Thủ tướng chia sẻ đặc biệt ấn tượng những khẩu hiệu của DN thể hiện sứ mệnh, giá trị DN muốn đóng góp cho xã hội như: "Phát triển cùng đất nước", "Vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người", "Cho cuộc sống bừng sáng"... 

Thủ tướng cũng đưa ra lời khuyên với DN phải: "Yêu Tổ quốc, đoàn kết, không nản chí và năng động, quyết đoán". Đặc biệt, có niềm tin, kiên nhẫn mục tiêu, bền bỉ chí hướng sẽ thành công.

Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay các đại biểu trong cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chính phủ cam kết minh bạch hóa chính sách

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị trong triển khai chủ trương, các chính sách phát triển DN theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sớm cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN. 

"Chính phủ, Thủ tướng, đặc biệt các bộ trưởng cam kết bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Mặt khác, theo Thủ tướng, các bộ, ngành và địa phương phải mở rộng khả năng tiếp cận nguồn lực, cơ hội tham gia của DN, hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư, bảo đảm hoạt động của DN theo cơ chế thị trường. Bảo đảm thực thi chính sách minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình DN. Thúc đẩy tính tự chủ, sự cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Không biến các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ lợi ích cho nhóm dưới mọi hình thức.

Ngoài ra, hỗ trợ cộng đồng DN đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh, cụ thể chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, cụ thể hơn nữa, nhất là các trường đại học, trường dạy nghề.

"Vai trò của đội ngũ trí thức đi liền với doanh nhân trong thời kỳ hội nhập và thúc đẩy chuyển đổi phát triển đất nước là vô cùng quan trọng. Năm 2020 chúng ta vượt qua nhiều thách thức, khó khăn. 

Cùng với những đóng góp của cộng đồng DN, chúng ta không thể không nói đến vai trò rất lớn của đội ngũ trí thức, những nhà phân tích kinh tế, các chuyên gia có những phản biện xã hội tâm huyết, trên tinh thần xây dựng làm cho những giá trị được thức tỉnh, được bảo vệ, được phát huy" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 3.

Sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát - Ảnh: VŨ NGHI

"Đối thoại 2045" sẽ được tổ chức thường niên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá "Đối thoại 2045" có ý nghĩa quan trọng. Đây sẽ là diễn đàn đối thoại thường niên giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với cộng đồng DN và đội ngũ trí thức nhằm thúc đẩy các nỗ lực cải cách bền bỉ, liên tục, xuyên suốt, nhất quán, nhằm sớm hiện thực hóa khát vọng "Việt Nam 2045".

Các buổi đối thoại sẽ được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, bao gồm nhiều chủ đề từ kinh tế - xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kể cả an ninh quốc phòng; tất cả những chủ đề, nội dung có liên quan và có tính ảnh hưởng đến tầm nhìn về một Việt Nam vẻ vang, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu đều sẽ hiện diện trong các "Đối thoại Việt Nam 2045".

Đối thoại để lắng nghe hơi thở cuộc sống

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề buổi gặp mặt, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - đánh giá những cuộc đối thoại giữa Chính phủ với DN trong những năm qua cũng như cuộc đối thoại với chủ đề "Việt Nam 2045" thể hiện sự gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng DN, sự đồng hành của Chính phủ với DN trên mục tiêu chung, vì Việt Nam giàu mạnh trên chặng đường phát triển.

Trực tiếp tham dự nhiều cuộc đối thoại, ông Ngân cho rằng các DN đã rất thẳng thắn, nói lên tâm huyết, khát vọng để đồng hành với Chính phủ, cùng đạt được các mục tiêu đã đề ra, thậm chí là bước đi nhanh hơn.

Thông thường, Chính phủ đã lắng nghe rất nhiều từ các hội đồng tư vấn về kinh tế, chính sách, tiền tệ và các chuyên gia, song cuộc đối thoại này giúp Chính phủ nghe trực tiếp, cảm nhận được tinh thần của các DN đang như thế nào. Ngược lại, các DN họ cũng cùng chia sẻ, học hỏi và kết nối lẫn nhau. Trong tương lai, cần tiếp tục duy trì đối thoại nhiều hơn để lắng nghe hơi thở cuộc sống trong quá trình vận hành, quản lý nhà nước.

Tương tự, ông Đặng Hồng Anh - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - cho biết ông "từng đề xuất về trần lãi suất tiền gửi và mấy ngày sau Chính phủ đã thực thi" nên tin rằng các cuộc đối thoại này có một vai trò quan trọng trong việc "tiếp lửa" với DN, DN sẽ tự tin hơn trong đồng hành với sự phát triển của đất nước.

* Để có một "Việt Nam 2045" thịnh vượng, Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến các doanh nghiệp, trí thức đã nêu ra tại buổi gặp mặt.

Ông Đỗ Minh Phú (chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong):

Trao cơ hội cho kinh tế tư nhân

Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 6.

Ông Đỗ Minh Phú

Doanh nghiệp (DN) tư nhân ngày nay không chỉ còn tham gia những ngành thâm dụng lao động giản đơn mà họ đã thực hiện các công trình lớn, tham gia vào các công đoạn phức tạp trong công nghệ và đã có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đảm nhận vai trò đầu tàu ở những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế. Vì vậy, nếu được trao cơ hội, các DN tư nhân chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn mà mình được giao phó.

Kinh tế tư nhân, DN tư nhân có sứ mệnh rất quan trọng và trách nhiệm lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và 2045. Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần đổi mới cải cách và "cởi trói" cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực. Để làm được điều này, cần tập trung vào một số điểm cốt lõi và coi như là các từ khóa.

Cụ thể, đối với bộ ngành, cần thay đổi tư duy khi xây dựng, thực thi chính sách từ quản lý sang phục vụ DN, người dân. Các cơ quan công quyền cần có tâm thế tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, người dân và đồng hành với họ. Trong nhận thức và đối xử, phải bình đẳng giữa DN tư nhân và DN nhà nước, DN FDI; không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. DN cần được bảo vệ, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, lợi ích hợp pháp của DN theo pháp luật.

Ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Tập đoàn Masan): 

Phát triển mạnh hạ tầng

Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Đăng Quang

Câu hỏi lớn là bằng cách nào để mình xuất phát sau, nhiều thử thách nhưng lại đến đích không trễ hơn, may mắn hơn là đến sớm càng tốt? Đó là nền tảng đổi mới, cạnh tranh.

Nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề lớn nhất là nguồn cung ứng, năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng, phân phối. Xuất khẩu nông sản Việt Nam rất lớn nhưng hạ tầng của chuỗi cung ứng, phân phối luôn là trở ngại khi "được mùa giá thấp, giá cao không có sản phẩm", ảnh hưởng đến cả người sản xuất lẫn tiêu dùng. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, DN tiết kiệm được chi phí; hàng hóa lưu thông tốt hơn, DN có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Ông Trương Gia Bình (chủ tịch HĐQT FPT):

Tin vào cộng đồng doanh nghiệp

Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 8.

Ông Trương Gia Bình

Hơn lúc nào hết, đất nước Việt Nam và từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường. Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang DN, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng... 

Để có khát vọng đó, chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ và niềm tin của Chính phủ với người dân; Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Đó là niềm tin Việt Nam trở thành quốc gia tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

DN mong muốn Chính phủ không "tranh giành" gì với DN mà Chính phủ làm ra chính sách, còn lại để DN làm. Mong muốn Chính phủ không phải người viết ra quy chế để trói buộc DN mà Chính phủ là "bà đỡ" cho DN bởi vì tốt cho DN cũng là cách tạo ra tăng trưởng tốt cho đất nước.

Bà Thái Hương (chủ tịch hội đồng chiến lược Tập đoàn TH):

Minh bạch thể chế

Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 9.

Bà Thái Hương

Năm 2045, Việt Nam phải là đất nước phát triển, văn minh, môi trường luôn được bảo vệ, con người chia sẻ cùng nhau... Để làm được điều đó, cần phải hướng đến những DN, doanh nhân phát triển một cách bền vững.

Về công nghiệp, hãy chú trọng vào công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ, phát triển logistics trên đường biển, đường thủy... Chính phủ phải tạo ra thể chế đủ minh bạch, sáng suốt để lôi kéo các doanh nhân từng ngành nghề và họ là những mắt xích để kéo các ngành cùng phát triển. Bên cạnh đó, cần tạo thể chế đủ mạnh, đủ để kéo các doanh nhân vào các ngành họ mong muốn một cách minh bạch, khoa học.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (tổng giám đốc Vietjet Air):

Kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh

Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 10.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Cần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách. Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistics..., xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới.

Chính phủ cần tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở DN và tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Cần hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các DN vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp. 

Cần đổi mới tư duy, đặc biệt tư duy lãnh đạo; cần quyết liệt, hiệu quả bằng những chính sách thống nhất từ bộ ngành đến địa phương để xây dựng quốc gia đổi mới, cải cách. Mong Chính phủ và các lãnh đạo kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh giữa các khu vực kinh tế, giữa các DN với nhau.

Ông Trần Kim Chung (chủ tịch C.T Group):

Cùng doanh nghiệp giải quyết triệt để nhanh chóng các vướng mắc

Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 11.

Ông Trần Kim Chung

Chính phủ có thể cùng với DN xây dựng thương hiệu "đầu tư vào Việt Nam" trên các phương tiện truyền thông toàn cầu như Bloomberg, CNN trong cơ hội Việt Nam đang là điểm sáng chống dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế trên thế giới... Mặt khác, có chính sách đồng hành mạnh mẽ cùng DN giải quyết triệt để nhanh chóng các vướng mắc không đáng có về thủ tục hành chính và dìu dắt DN phát triển bền vững, chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Trước mắt là nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về PPP. Đầu tư mạnh mẽ cho các hoạt động hỗ trợ cho người trẻ có trí tuệ, có khát vọng. Đặc biệt, đề xuất nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh Celltech và Flytech vì hiện nay chưa có khung pháp lý. Đầu tư mạnh mẽ hạ tầng giao thông TP.HCM đi ĐBSCL, phát triển hạ tầng giáo dục cho ĐBSCL để phát triển nguồn nhân lực tương lai.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright):

Kinh tế Việt Nam phải do người Việt làm chủ

dothienanhtuan

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn

Những năm gần đây Việt Nam tăng trưởng mạnh khoảng 7%/năm, thuộc tốp cao nhất thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá như ngôi sao đang lên. Nếu vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong 25 năm tới, Việt Nam sẽ chạm chuẩn thu nhập cao của thế giới.

Kinh tế Việt Nam phải do người Việt làm chủ, không chỉ kinh tế nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó DN Việt Nam mới là chủ đạo. Sự giàu có của người dân Việt Nam, sự phát triển của cộng đồng DN Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường hướng đến một Việt Nam cường thịnh 2045.

Chính phủ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiến tạo, hỗ trợ, thúc đẩy bằng nhiều chính sách đặt trong cái tâm của nhà lãnh đạo phục vụ nhân dân. Đồng thời, trong quá trình phát triển, chúng ta cần phải kết hợp hài hòa yếu tố văn hóa, môi trường cũng như tăng trưởng GDP để tạo nên sự phát triển bền vững cho đất nước.

Ông Don Lam (tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital):

Môi trường đầu tư, thủ tục hành chính là mối quan tâm lớn nhất

donlam

Ông Don Lam

Hướng tới 2045, Việt Nam cần phát huy nội lực để đón ngoại lực phục vụ xây dựng đất nước. Việc xây tổ đón "đại bàng" đang là vấn đề lớn cho tất cả các địa phương muốn thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm những sự chuẩn bị về tài nguyên, đất đai, năng lượng, nhân lực, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư lớn, có tâm huyết với Việt Nam.

Trong các yếu tố chuẩn bị, có hai yếu tố cần được quan tâm hàng đầu. Một là yếu tố kết nối giữa hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội giữa các tỉnh, TP nhằm giúp hàng hóa lưu thông nhanh, tiết kiệm chi phí. Kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất với các TP và khu dân cư vệ tinh để tạo điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ chuyên gia và người lao động.

Tôi tin rằng Chính phủ sẽ có những quyết sách có lợi nhất để phát huy thế mạnh, thu hút "đại bàng" cho các tỉnh phía Nam thông qua TP.HCM cũng như các TP đầu tàu kinh tế khác như Hà Nội, Đà Nẵng.

Thứ hai là yếu tố về chỉ số thuận lợi kinh doanh. Đã có rất nhiều thay đổi tích cực về thủ tục đầu tư, giúp rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thiện hồ sơ và giúp dòng vốn FDI được lưu chuyển nhanh hơn. Đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài nói chung và VinaCapital nói riêng, khi tham gia đầu tư vào Việt Nam rất quan tâm đến môi trường đầu tư, đến quy trình thủ tục hành chính. Vì vậy, cải cách hành chính tốt sẽ là tiền đề để thu hút đầu tư của các DN nước ngoài.

Thủ tướng: Đến 2045, sẽ xuất hiện các tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam Thủ tướng: Đến 2045, sẽ xuất hiện các tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam

TTO - Tổng kết "Đối thoại 2045" lần đầu tiên được tổ chức, Thủ tướng bày tỏ, qua phát biểu của các doanh nghiệp, trí thức, cho thấy khát khao cháy bỏng về một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045.

NGỌC HIỂN - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên