07/03/2021 14:19 GMT+7

Hậu trường thi Olympic quốc tế - Kỳ 6: Cuộc tuyển chọn đặc biệt cho cú 'lội ngược dòng'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Năm 2013 là một trong những mốc đáng nhớ trong lịch sử thi Olympic toán học quốc tế (IMO) của đội tuyển VN khi bước vào năm thứ 2 của cuộc 'lội ngược dòng' từ vị trí chạm đáy năm 2011 với áp lực đè nặng.

Hậu trường thi Olympic quốc tế - Kỳ 6: Cuộc tuyển chọn đặc biệt cho cú lội ngược dòng - Ảnh 1.

Đội tuyển VN thi Olympic toán quốc tế năm 2013 trở lại tâm lý thoải mái hơn khi đến Colombia sau giai đoạn tuyển chọn căng thẳng - Ảnh: NVCC

Từ "cú ngã ghê gớm" đến áp lực nặng nề

Năm 2011, khi đội tuyển VN chỉ mang về 6 huy chương đồng và xếp thứ 31/90 quốc gia, thấp nhất trong lịch sử thi Olympic toán quốc tế, trên báo chí một số ý kiến đã phân tích các nguyên nhân thất bại.

Trong bài viết của TS Lê Quang Tiến, cựu thành viên đội tuyển quốc gia VN dự IMO 17 (năm 1975), đã nhắc đến những yếu tố phi chuyên môn tác động quá trình chọn lựa đội tuyển quốc tế. Trong đó có một số lý do đưa ra để loại học sinh vào đội tuyển lại không phải vấn đề năng lực. Dư luận cũng đặt hoài nghi những người quyết định việc lựa chọn không khách quan.

Cho đến giờ, những thông tin này vẫn không được xác thực đúng, sai nhưng vẫn được âm ỉ bàn luận để lý giải sự tụt hạng của đội tuyển toán năm 2011.

Trong những bình luận kết quả thi quốc tế môn toán năm 2011, PGS.TS Hồ Sỹ Đàm (Trường đại học Công nghệ-ĐHQGHN) thời điểm đó đã nhận xét: "Với 6 huy chương đồng và không có vàng nào cho môn học vua này là một cú ngã ghê gớm của VN".

"Cú ngã ghê gớm" đó cùng với những hoài nghi cách chọn đội tuyển là một trong những lý do cơ bản khiến năm 2013 có một cơ chế khác biệt. Đội tuyển chính thức được tuyển theo 3 vòng thay vì 2 vòng như trước. 

Từ kết quả thi vòng 2, có 9 học sinh được chọn để tập trung học trong 2 tháng. Sau đợt bồi dưỡng tập trung đó, những học sinh này phải trải qua 3 bài thi và được chọn từ trên xuống theo số điểm các em đạt được. 6 học sinh được chọn sẽ học thêm 1 tháng để lên đường dự thi.

Thầy Nguyễn Khắc Minh, khi đó được giao chuyên trách môn toán của khối chuyên, nhiều năm dẫn dắt đội tuyển Olympic toán quốc tế, là người phản đối quyết liệt cơ chế tuyển chọn 3 vòng.

"Đây là mô hình khoa học nhiều nước áp dụng như Nga, Mỹ, Trung Quốc. Nhưng tôi phản đối vì rất khó làm ở VN. Thực tế, từ những năm 1980 VN cũng đã tuyển chọn 3 vòng nhưng thất bại vì vấp phải nhiều khó khăn. Năm 2013, những khó khăn đó vẫn còn nguyên, thậm chí còn tăng mức độ nên đến giờ tôi vẫn bảo lưu quan điểm không áp dụng" - thầy Khắc Minh chia sẻ.

Thầy Minh phân tích: Trong môn toán có nhiều mảng như hình học, đại số, số học... Mỗi học sinh dù xuất sắc cũng chỉ sở trường ở một mảng. Đề thi có tỉ lệ bài thi nhiều hơn ở mảng sở trường, học sinh sẽ có lợi thế và ngược lại.

Khi dự tuyển ở vòng 2, người ra đề, tổ chức thi không có khái niệm nào về từng học sinh cụ thể nên việc ra đề sẽ khách quan. Nhưng khi có vòng 3 với 9-10 học sinh, những người trực tiếp bồi dưỡng lại là người ra đề thi, biết rõ trò, biết sở trường, sở đoản của từng trò.

Điều đó gây dư luận hoài nghi thiếu khách quan, áp lực vô cùng lớn lên những người tổ chức và lên chính học sinh trong đội tuyển, bao gồm cả học sinh bị loại và học sinh trong đội tuyển chính thức. Trước đây đã từng có đơn kiện ngay sau khi tuyển chọn vòng 3.

Thực tế năm 2013 cũng xảy những điều mà thầy Khắc Minh lo ngại: Áp lực lên thầy, trò, dư luận hoài nghi, thậm chí có sự khiếu kiện. Vì sự phức tạp này mà cuộc tuyển chọn 3 vòng chỉ diễn ra một năm rồi trở lại như trước.

Thầy Lê Bá Khánh Trình, trưởng đoàn học sinh VN dự Olympic toán quốc tế năm 2013, cũng thừa nhận: "Trong suốt thời gian đội tuyển học tập trung trước cuộc tuyển chọn vòng 3, áp lực rất lớn vì phụ huynh, các nhà trường và nhiều người khác đều rất quan tâm, theo dõi. Nếu có bất cứ nghi ngờ về sự không minh bạch, những người chịu trách nhiệm đều có thể bị kiện".

Hậu trường thi Olympic quốc tế - Kỳ 6: Cuộc tuyển chọn đặc biệt cho cú lội ngược dòng - Ảnh 2.

Đội tuyển VN chụp ảnh cùng học sinh các nước tại Olympic toán quốc tế năm 2013 - Ảnh: NVCC

Đội tuyển mạnh và không mạnh

Tuy nhiên, thầy Trình vẫn cho rằng: Khi thay đổi cách tuyển chọn, Bộ GD-ĐT muốn đội tuyển chất lượng tốt nhất. Trên thực tế so với nhiều năm trước và sau đó, chất lượng đội tuyển 2013 rất đồng đều. 

Những học sinh có "vàng" và "bạc" 2013 không thua kém nhau nhiều. Trong khi ở các năm khác luôn có những học sinh vượt trội và học sinh đuối hơn hẳn. Và đội mạnh không chỉ là đội có "ngôi sao" mà là sự đồng đều chất lượng cao.

GS.TS Lê Anh Vinh, phó trưởng đoàn học sinh VN dự Olympic toán học quốc tế năm 2013, khi nhớ đến học trò đã nhận xét: "Một đội tuyển cực giỏi, thi cũng cực tốt".

Đội tuyển năm 2013 bắt đầu bằng áp lực ghê gớm để có kết quả ngọt ngào. Cả 6 thành viên đội tuyển toán năm ấy hiện đều vẫn đang tiếp tục nghiên cứu lĩnh vực toán học. Trong đó, 5 người đang làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, một đang ở Anh. Đó là minh chứng "sức bền" của một đội mạnh, đội tuyển 2013 là một đội mạnh.

Nhưng khái niệm "đội mạnh" hay "không mạnh" theo thầy Nguyễn Khắc Minh, người đã có gần 30 năm theo sát đội tuyển toán, cần phải xem xét ở khía cạnh khác chứ không chỉ lệ thuộc vào cách tuyển chọn vòng 2 hay 3. Cụ thể là phải có chiến lược trong phát hiện, bồi dưỡng để học sinh có đủ năng lực, bản lĩnh tham gia kỳ thi với cách ra đề khác nhau.

"Tôi đã nhiều lần đề xuất Bộ GD-ĐT cần phải phân tích kết quả thi của đội tuyển VN trong tình huống cụ thể của từng năm để có chiến lược nhìn xa hơn trong việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu tham gia các cuộc thi thế giới, đồng thời có hướng để tiếp tục nuôi dưỡng, sử dụng những tài năng được phát hiện qua các kỳ thi. Nhưng việc này cho tới nay vẫn chưa được làm.

Nhiều người chỉ trích đội tuyển toán năm 2011 và cho rằng có vấn đề trong tuyển chọn. Nhưng là người hiểu về kỳ thi Olympic quốc tế, tôi phải nói rằng năm 2011 có kết quả thấp là do đề thi năm đó không phải sở trường của VN chứ không phải vấn đề tuyển chọn sai người. 

Tỉ lệ bài tổ hợp nhiều hơn các năm trước, trong khi học sinh Việt yếu tổ hợp, chỉ giỏi hình. Nếu "đội mạnh" chỉ mạnh khi "thời tiết thuận lợi" thì không phải điều nên thỏa mãn. Mà đội mạnh phải được rèn luyện để thành công trong mọi "thời tiết". 

Những người có trách nhiệm cần nghiên cứu, phân tích tình hình để đề xuất đường hướng dài hơi hơn cho việc nuôi dưỡng tài năng, chứ không thể chỉ trông chờ vào mấy tháng tập huấn trước khi thi" - thầy Khắc Minh chia sẻ.

Và thầy Khắc Minh cho biết nhiều trưởng đoàn các nước đã có ý kiến với ban tổ chức kỳ thi Olympic toán quốc tế phải thay đổi cách ra đề thi truyền thống. Nếu việc này được chấp nhận, sẽ là thách thức đối với đội tuyển VN nếu vẫn giữ nguyên cách đào tạo, bồi dưỡng như hiện nay.

Năm 2013, VN có một đội tuyển mạnh và đồng đều. Nhưng với quan điểm của thầy Khắc Minh, nếu cứ áp dụng tiếp cách tuyển chọn 3 vòng thì chưa chắc các năm khác đã có "đội mạnh", không có gì bảo đảm cách tuyển chọn như thế chắc chắn có thành tích cao. 

Nếu thực sự quan tâm tới "giáo dục mũi nhọn" đừng chỉ xem kết quả thi là "thành tích" để tô vẽ hình ảnh nền giáo dục. Từ kết quả thi tốt đến việc có được những tài năng đóng góp cho đất nước là con đường dài mà cơ quan quản lý giáo dục không thể đứng ngoài.

Áp lực cả khi nhìn đồng đội phải dừng lại ở vòng loại

Võ Anh Đức, thành viên của đội mạnh 2013, nhớ lại: "Thời gian học và thi vòng loại rất áp lực, nhất là khi chỉ có 9 người. Chúng tôi biết rõ về nhau, thầy cũng biết rõ chúng tôi. Nhưng sau đó sẽ phải có 3 trong 9 chúng tôi dừng lại. Áp lực không chỉ trong phòng thi mà ở chỗ khác, khi người đi tiếp phải nhìn đồng đội dừng lại".

*************

Lần đầu tiên VN có một Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 10 tham dự Olympic toán quốc tế đoạt huy chương vàng. Đăng có thể sẽ mở ra một trang mới cho lịch sử kỳ thi này?

>> Kỳ tới: Viết một trang mới bằng cách nào?

Hậu trường thi Olympic quốc tế - Kỳ 5: Điểm yếu thực hành và chiến lược giáo dục Hậu trường thi Olympic quốc tế - Kỳ 5: Điểm yếu thực hành và chiến lược giáo dục

TTO - Với các môn vật lý, sinh học, hóa học, trong nhiều thập kỷ kể từ năm đầu tiên tham dự Olympic quốc tế, đội tuyển Việt Nam chỉ có thành tích khiêm tốn do điểm yếu truyền thống: thực hành.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên