12/01/2019 10:18 GMT+7

Hành động để bóng đá Việt Nam tham gia World Cup

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Đội tuyển VN đã đem niềm tin trở lại với người hâm mộ VN. Làm sao để thành tích hôm nay tiến bước vững chắc, nguồn lực đầu tư cho bóng đá thêm dồi dào để hiện thực hóa giấc mơ bóng đá VN có mặt tại VCK World Cup.

Hành động để bóng đá Việt Nam tham gia World Cup - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự tọa đàm - Ảnh: Việt Dũng

Đó là những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, HLV, lãnh đạo LĐBĐ VN (VFF), Tổng cục TDTT, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế tại tọa đàm "Để bóng đá là môn thể thao quốc gia" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 11-1 ở Hà Nội.

Có mặt tại World Cup là giấc mơ với mọi người dân VN, nếu biết tận dụng cơ hội, đầu tư bài bản, thu hút được nhiều nguồn lực, việc VN có mặt tại World Cup 2026 khi FIFA nâng số đội tham dự lên 48 không phải quá xa vời. Mọi chiến lược, sách lược với bóng đá VN đều đã có, giờ phải tập trung hành động.

Ông Ngô Tử Hà (nguyên phó chủ tịch VFF)

Quan trọng hơn chiến thắng là niềm tin

Cựu danh thủ Đặng Phương Nam chia sẻ: "Nhiều người hỏi tôi: thành tích nào là vinh quang nhất của bóng đá VN trong năm 2018? Dù thành tích của đội tuyển VN là tuyệt vời nhưng với tôi, tình yêu và niềm tin của người hâm mộ với bóng đá VN mới là điều quan trọng nhất. Nói vậy bởi những tiêu cực trong bóng đá VN đã từng ám ảnh người hâm mộ VN. Nhưng lối chơi và thành tích đội tuyển VN dưới thời HLV Park Hang Seo đã mang niềm tin trở lại với các CĐV".

Trong khi đó, nhà báo Vũ Quang Huy - giám đốc kênh VTC3 - cho biết tài sản vô giá của bóng đá VN chính là tình yêu của người hâm mộ. Anh Quang Huy nói một đồng nghiệp quốc tế đã chia sẻ rằng tình yêu bóng đá của người VN rất kỳ lạ. Dù trình độ bóng đá của VN còn hạn chế nhưng tình yêu bóng đá của người Việt thì không thua kém nước nào trên thế giới. "Nếu nói Brazil yêu bóng đá nhất thế giới thì chắc VN là thứ hai", nhà báo Quang Huy chia sẻ.

Căn cơ vững chắc mới có thể đi xa

Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải cho biết cuộc tọa đàm "Để bóng đá là môn thể thao quốc gia" là kịp thời trong bối cảnh bóng đá VN đang có thành công trên đấu trường khu vực và châu lục. Thế nhưng nếu bóng đá không có chiến thắng thì không có niềm cảm hứng. Vì thế, cách làm bóng đá phải căn cơ mới có thể đi xa. Chuyên môn và nguồn lực tài chính là hai yếu tố rất quan trọng để phát triển bóng đá. Ông Vũ Mạnh Hải cho rằng VFF hiện nay quá thiếu người làm chuyên môn. Hiện chỉ có 2/17 thành viên ban chấp hành là người làm bóng đá. VFF cũng chưa quy tụ được các nhà chuyên môn, cựu danh thủ đóng góp chất xám cho bóng đá VN.

Từng là cầu thủ thế hệ "vàng" của bóng đá VN, cựu danh thủ Triệu Quang Hà cho biết tiền là yếu tố cực kỳ quan trọng trong bóng đá. Vì vậy, phải làm sao để thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá. Ông Hà nói: "Giải vô địch quốc gia muốn tốt thì hệ thống các giải thấp hơn phải đông, nhiều CLB. Thế nhưng V-League hiện nay đông mà các CLB hạng dưới lại ít, chân đế không rộng sẽ rất khó phát triển bền vững được. Doanh nghiệp lớn tài trợ cho CLB lớn, doanh nghiệp nhỏ có thể đồng hành với các CLB hạng thấp hoặc một CLB có thể kêu gọi nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia tài trợ.

Làm sao bóng đá phải thu hút được nhiều nhất các nguồn lực mới có tiền để phát triển. Thế nhưng muốn xin được tiền từ doanh nghiệp thì phải biết trả quyền lợi cho doanh nghiệp chứ hiện nay CLB chỉ biết xin tiền về tiêu. Các CLB cũng có cử người đi học bóng đá ở nhiều nước nhưng nhiều người đi về không đủ trình độ để áp dụng với CLB của mình".

Trẻ em phải có sân để đá bóng

Nhà báo Vũ Quang Huy, nguyên phó chủ tịch VFF Ngô Tử Hà đều cho rằng vấn đề sân bãi tập luyện rất quan trọng với bóng đá. Hiện nay chúng ta quá thiếu quỹ đất để làm sân bóng đá, hở ra tí nào là nhà cao tầng mọc lên. Vì vậy ngành thể thao phải phối hợp với giáo dục làm sao đấu tranh để Chính phủ, chính quyền địa phương ưu tiên đất đai cho hoạt động thể chất của người dân, trong đó có bóng đá.

Ông Ngũ Duy Anh - vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và đào tạo - cho biết trường học không phải nơi đào tạo cầu thủ nhưng là nơi tạo phong trào chơi bóng đá, để các nhà chuyên môn đến tìm nhân tài. Dù vậy không phải địa phương, nhà trường nào cũng có thể tổ chức được các hoạt động thể thao và bóng đá vì thiếu HLV, thiếu sân bãi. Ông Duy Anh nói: "Ngành giáo dục rất quan tâm phát triển bóng đá, nơi nào có điều kiện thì chúng tôi triển khai cho học sinh tập luyện. Chỉ cần 10-15% các trường học có CLB bóng đá thì phong trào sẽ phát triển rất tốt. Dù không phải môn thể thao bắt buộc nhưng bóng đá là một trong các môn thể chất được học sinh lựa chọn trong chương trình học".

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết thể thao, trong đó có bóng đá không đơn thuần là giải trí, nó giúp nâng cao thể lực tầm vóc người VN, tăng năng suất lao động và đẩy lùi tệ nạn xã hội. "Trong cuộc tiếp Chủ tịch FIFA Infantino sang VN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết VN phấn đấu để mỗi xã phường đều có một sân bóng đá và chúng tôi đang rất nỗ lực để thực hiện mục tiêu này. Những ý kiến tâm huyết tại tọa đàm hôm nay vô cùng có ý nghĩa đối với ngành thể thao trong việc hoạch định chính sách phát triển bóng đá VN thời gian tới", ông Thắng nhấn mạnh.

Mỗi CLB cần phải có một chuyên gia dinh dưỡng

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Minh Nguyệt, phó chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood, cho biết: "Có 2 năm tài trợ dinh dưỡng cho đội tuyển U-19 VN nên chúng tôi có thời gian tìm hiểu thói quen ăn uống của cầu thủ VN. Đa số cầu thủ VN ăn uống theo sở thích riêng, thích gì ăn nấy và điều này không đúng khoa học.

Vì vậy, trong tương lai, khi phát triển bóng đá chuyên nghiệp, mỗi CLB cần phải có một chuyên gia dinh dưỡng, đây là điều rất cần thiết. Bản thân cầu thủ cũng cần phải được cung cấp kiến thức để biết ăn thế nào là tốt với họ".

Còn theo ông Trần Đăng Khoa, phó vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, dinh dưỡng là điều rất quan trọng đối với mỗi đứa trẻ chứ không nói cầu thủ. Xem bóng đá, chúng ta thấy khi ra sân cầu thủ mình thấp bé hơn đối thủ thì khó tì đè, tranh chấp được bóng. Vì vậy, trẻ em phải được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng ngay từ giai đoạn bào thai.

Đưa bóng đá Việt Nam đến World Cup, liệu có khả thi? Đưa bóng đá Việt Nam đến World Cup, liệu có khả thi?

TTO - Bóng đá VN phải có mặt ổn định tại VCK Asian Cup và đứng vững ở vị trí nhất, nhì Đông Nam Á thay vì nghĩ đến mục tiêu khá xa tại VCK World Cup 2026.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên