18/05/2024 13:21 GMT+7

Hàng triệu mét khối đất thải cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chưa biết đổ đi đâu

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117km, tổng vốn gần 22.000 tỉ đồng đang bước vào giai đoạn đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa Tây Nguyên, nhưng hàng triệu khối đất thải không biết đổ đi đâu vì thiếu bãi thải.

Các dự án thành phần 2 và 3 thuộc dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột triển khai rất chậm do thiếu mặt bằng đổ thải - Ảnh: TRUNG TÂN

Các dự án thành phần 2 và 3 thuộc dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột triển khai rất chậm do thiếu mặt bằng đổ thải - Ảnh: TRUNG TÂN

Tại dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (đoạn từ km32 đến km69+500 thuộc 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk) do Ban Quản lý dự án 6 (Ban 6, thuộc Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, nhiều nhà thầu thi công đang làm việc cầm chừng, dù đây là thời điểm "vàng" để thi công do trời nắng ráo.

Gian nan tìm chỗ đổ đất thải cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

"Chỉ khoảng 1 tháng nữa là đến mùa mưa Tây Nguyên, việc thi công dự báo sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể đẩy nhanh tiến độ vì chưa có mặt bằng và đất tầng mặt bóc thải chưa biết đổ đi đâu", ông Phạm Văn Trình - phó giám đốc Ban 6 - thông tin.

Theo ông Trình, dự án thành phần 2 được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt nguyên tắc có 27 vị trí đổ thải với trữ lượng khoảng 8,7 triệu m3

Tuy nhiên khi triển khai, đơn vị mới thỏa thuận được 19 vị trí với tổng diện tích hơn 49ha, giải quyết được khoảng 5,2/8,7 triệu m3

Để tăng diện tích đổ thải, Ban 6 chủ động tìm kiếm và thỏa thuận với người dân để bổ sung 20 vị trí, diện tích khoảng 25ha để đổ khoảng 2,6 triệu m3.

"Nếu 20 vị trí bổ sung này được chấp thuận với trữ lượng khoảng 7,8 triệu m3 thì vẫn còn khoảng 1 triệu m3 đất thải nữa chưa có chỗ đổ. Đơn vị đang khảo sát, dự kiến mở rộng 3 vị trí (3,6ha) để giải quyết khối lượng đất thải này", ông Trình nói.

Các bãi thải được phê duyệt, đã thỏa thuận chưa đáp ứng được so với nhu cầu đổ thải của dự án, đặc biệt dự án thành phần 2 vì lượng đất bóc tầng phủ rất lớn - Ảnh: TRUNG TÂN

Các bãi thải được phê duyệt, đã thỏa thuận chưa đáp ứng được so với nhu cầu đổ thải của dự án, đặc biệt dự án thành phần 2 vì lượng đất bóc tầng phủ rất lớn - Ảnh: TRUNG TÂN

Tương tự, tại dự án thành phần 3 dài 48km (từ km69+500 đến km117+500, tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỉ đồng), do Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk (Ban A) làm chủ đầu tư cũng thiếu hàng chục vị trí đổ thải.

Báo cáo với UBND tỉnh Đắk Lắk trong cuộc họp gần đây, ông Phan Xuân Bách - phó giám đốc phụ trách Ban A - cho biết dự án được UBND tỉnh chấp thuận 18 vị trí bãi thải với trữ lượng khoảng 2,5 triệu m3.

Tuy nhiên, hiện nay do một số vị trí đã được phê duyệt không thỏa thuận được với người dân, vướng thủ tục pháp lý nên còn khoảng 840.000m3 đất thải chưa biết đổ đi đâu. 

Nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu bãi thải

Do chưa thể bóc tầng phủ nền đường được, các nhà thầu tập trung vào việc khoan nhồi cọc các cây cầu vượt núi, qua đường dân sinh - Ảnh: TRUNG TÂN

Do chưa thể bóc tầng phủ nền đường được, các nhà thầu tập trung vào việc khoan nhồi cọc các cây cầu vượt núi, qua đường dân sinh - Ảnh: TRUNG TÂN

Ông Phạm Xuân Thùy - phó giám đốc điều hành Công ty cổ phần 484 - cho biết đơn vị ông có nhu cầu đổ 1,7 triệu m3 nhưng mới có chỗ đổ khoảng 500.000m3.

"Toàn bộ 5 vị trí dự kiến đổ 1,2 triệu m3 đất còn thiếu đều nằm trong lâm phần thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông chưa được chấp thuận. Rất mong chủ đầu tư, địa phương tạo điều kiện để đơn vị thi công sớm có vị trí bãi thải để thi công. Khi mùa mưa đến, nguy cơ chậm tiến độ gói thầu và cả dự án rất cao", ông Thùy bày tỏ.

Khó khăn hiện tại là giá thuê đất để làm bãi thải bị người dân "đẩy lên quá cao", 500 - 600 triệu đồng/ha, nên các nhà thầu không thể thỏa thuận. Một số vị trí quy hoạch, phê duyệt vị trí đổ thải trên đất ruộng không thể thực hiện, các nhà thầu phải đi tìm vị trí khác.

Trong cuộc họp về giải quyết khó khăn các bãi thải mới đây, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết chưa có quy định thủ tục chấp thuận đối với các trường hợp đề xuất các khu đất làm bãi đổ thải tạm thời. Vậy nên, sở chưa đủ cơ sở để tham mưu UBND tỉnh chấp thuận bổ sung 51 vị trí đổ thải theo đề xuất của Ban 6, Ban A.

Để giải quyết khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra đề xuất của các chủ đầu tư về vị trí bãi đổ thải. 

Ông Nghị yêu cầu quá trình kiểm tra cần lưu ý đến các yếu tố an ninh quốc phòng, tác động đến rừng… nhằm tham mưu UBND tỉnh để thống nhất.

Đất bóc tầng phủ dự án thành phần 3 đoạn đi qua xã Vụ Bổn (Krông Pắk, Đắk Lắk) chưa có chỗ đổ, phải dồn sang một bên để có mặt bằng thi công - Ảnh: TRUNG TÂN

Đất bóc tầng phủ dự án thành phần 3 đoạn đi qua xã Vụ Bổn (Krông Pắk, Đắk Lắk) chưa có chỗ đổ, phải dồn sang một bên để có mặt bằng thi công - Ảnh: TRUNG TÂN

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc sử dụng đất bóc lớp phủ trong quá trình thi công nền đường của dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Xin trung ương 10.000 tỉ, Đắk Lắk cùng Khánh Hòa chi thêm 9.500 tỉ làm cao tốcXin trung ương 10.000 tỉ, Đắk Lắk cùng Khánh Hòa chi thêm 9.500 tỉ làm cao tốc

TTO - UBND tỉnh Đắk Lắk chính thức có văn bản đề nghị Thủ tướng cho đầu tư dự án đường cao tốc TP Buôn Ma Thuột - Nha Trang với tổng vốn 19.500 tỉ đồng, trong đó xin trung ương 10.000 tỉ, còn lại hai tỉnh tự cân đối ngân sách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên