18/05/2024 10:39 GMT+7

Hàng ngàn trẻ sinh non cần ‘liều thuốc’ đặc biệt từ sữa mẹ

Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 35.000 trẻ sinh non, nhẹ cân… cần sử dụng sữa mẹ hiến tặng và thanh trùng. Nguồn sữa ấy không chỉ là nguồn dinh dưỡng cho trẻ, mà còn là “liều thuốc” giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm trùng, tiêu chảy và nhiều bệnh lý khác.

Quyên góp sữa mẹ góp phần giúp những trẻ sinh non có thêm cơ hội điều trị tốt hơn - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Quyên góp sữa mẹ góp phần giúp những trẻ sinh non có thêm cơ hội điều trị tốt hơn - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Từ năm 2004, Liên minh các hiệp hội và ngân hàng sữa mẹ toàn cầu và Tổ chức Alive & Thrive lấy ngày 19-5 hằng năm là Ngày Hiến tặng sữa mẹ thế giới, nhằm hướng tới tôn vinh những nghĩa cử hiến tặng sữa mẹ cao đẹp.

Sữa mẹ thanh trùng là "liều thuốc" với trẻ sinh non

Theo báo cáo tình hình sức khỏe trẻ em của Bộ Y tế, trong khoảng 41.000 trẻ đẻ non và 54.000 trẻ nhẹ cân sinh ra mỗi năm, ước tính có khoảng 35.000 trẻ cần sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, với nhu cầu khoảng 100 lít mỗi ngày.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Lam - Trung tâm sơ sinh, Bệnh viện Nhi trung ương - chia sẻ sữa mẹ thanh trùng được xem là một "liều thuốc" đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho nhóm trẻ sơ sinh bệnh nặng, chưa thể bú sữa mẹ đẻ đang điều trị tại bệnh viện.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sữa mẹ thanh trùng dùng thay thế tạm thời sữa mẹ đẻ khi trẻ chưa thể bú trực tiếp, giúp giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh muộn ở nhóm trẻ dễ bị tổn thương, nhẹ cân trong vòng 28 ngày đầu đời; giảm thời gian nằm viện 15 ngày và giảm thời gian nuôi dưỡng tĩnh mạch tới 10 ngày so với sữa công thức.

Sữa mẹ hiến tặng thanh trùng cũng giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng huyết sơ sinh, loạn sản phế quản phổi và bệnh võng mạc mắt ở trẻ. Não bộ của trẻ được bảo vệ tốt hơn, ít tổn thương hơn so với trẻ chỉ được nuôi bằng sữa công thức.

Từ năm 2022, Bệnh viện Nhi trung ương đã thành lập Ngân hàng Sữa mẹ. Sau hơn 2 năm, ngân hàng đã thu về và xử lý được 350 - 400 lít sữa mẹ hiến tặng mỗi tháng, vừa đủ cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhi sơ sinh đang điều trị tại bệnh viện.

Theo thống kê nhanh, khi Ngân hàng Sữa mẹ đi vào hoạt động tại Trung tâm Sơ sinh bệnh viện năm 2023, chỉ có 2,3% trẻ mắc viêm ruột hoại tử trên 4.126 trẻ điều trị nội trú.

"Sữa mẹ thanh trùng đã góp phần cứu sống hàng ngàn đứa trẻ. Hy vọng rằng hành động này sẽ được lan tỏa rộng khắp, để có nhiều hơn nữa các em bé được tiếp cận sớm với sữa mẹ, từ đó phòng tránh và hỗ trợ điều trị bệnh lý sơ sinh, đem lại nguồn sống cho các bé", bác sĩ Lam chia sẻ.

Đề xuất chi trả bảo hiểm y tế cho sữa mẹ thanh trùng

Tính đến nay, tại Việt Nam đã có 5 ngân hàng sữa mẹ và 2 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh đã được thành lập. Mới đây nhất, nhà ga quốc tế Đà Nẵng cũng khai trương 6 phòng nuôi con bằng sữa mẹ trong khuôn viên sân bay, trở thành cảng hàng không đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến này.

Giống như ngân hàng máu, các ngân hàng sữa mẹ hoạt động với phương châm nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận và đảm bảo hiến sữa tự nguyện.

Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Vừa qua, Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cũng nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia để bổ sung chi trả sữa mẹ thanh trùng. 

Theo Bộ Y tế, giá thành trung bình của một lít sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là 1.400.000 đồng, được tính từ chi phí vận hành ngân hàng sữa mẹ trên thực tế (gồm các quy trình thu nhận, sàng lọc, thanh trùng, bảo quản và không bao gồm yếu tố lợi nhuận).

Nếu được thông qua, chính sách này sẽ cho phép toàn bộ nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân được sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng theo chỉ định mà không phải chịu rào cản về kinh tế.

Theo ông Roger Mathisen - giám đốc Alive & Thrive Đông Á - Thái Bình Dương, các chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ. Bởi nếu thiếu đi hỗ trợ thích đáng để người mẹ có thể duy trì con bú, cả mẹ và bé phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe hơn, làm tăng chi phí y tế và gánh nặng cho người chăm sóc.

Hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhiều ngân hàng sữa mẹ, bà Deirdre Ní Fhallúin, đại sứ Ireland tại Việt Nam, khẳng định: "Việc hỗ trợ các sáng kiến dinh dưỡng, đặc biệt cho trẻ em, là chìa khóa để đạt được sự tăng trưởng, hạnh phúc và phát triển.

Các sáng kiến khuyến khích và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ là điều cần thiết để nuôi dưỡng một cộng đồng khỏe mạnh hơn và thúc đẩy một tương lai bền vững hơn".

Sữa mẹ trong phòng thí nghiệmSữa mẹ trong phòng thí nghiệm

TTCT - Mơ ước của các bà mẹ, và đích đến tham vọng của khoa học, là có một loại sữa mẹ nhân tạo - tiện lợi như sữa công thức và mang lại lợi ích sức khỏe cho trẻ sơ sinh tương tự sữa mẹ.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên