16/05/2019 11:07 GMT+7

Hai số phận 11 năm sau 'tia sét định mệnh' trên sân bóng

T.PHÚC - H.DƯ
T.PHÚC - H.DƯ

TTO - Ngày 2-5-2008, trên sân Vĩnh Long ở Giải hạng nhì quốc gia, tia sét đánh thẳng xuống sân khiến Phạm Dư Thiên Chương (đội Vĩnh Long) cùng Trần Thanh Trường (đội Nguyễn Hoàng Kiên Giang) bất tỉnh và sau đó giã từ sự nghiệp bóng đá.

Hai số phận 11 năm sau tia sét định mệnh trên sân bóng - Ảnh 1.

Thanh Trường (giữa) lắp bắp nhắc lại những kỷ niệm về bóng đá của mình - Ảnh: T.P.

11 năm sau, cuộc đời của họ ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Thiên Chương giờ là y sĩ làm việc ở Trung tâm Y tế Bình Minh (Vĩnh Long), còn Trần Thanh Trường như một đứa trẻ phải sống trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ.

"Mong biết chữ, biết xài tiền và lái xe"

Đến Tiểu Cần, hỏi về Thanh Trường - cầu thủ bị sét đánh - ai cũng biết, ai cũng có thể chỉ đường và kể vanh vách về anh. Gia đình Thanh Trường giờ đã chuyển đến sống ở thị trấn Tiểu Cần, cách nhà cũ ở xã Hiếu Tử vài chục kilômét.

Vào nhà không lâu, Thanh Trường bước ra với chiếc áo thun ba lỗ, quần sọt xỉn màu đã rách. Cựu hậu vệ đội Kiên Giang nhanh nhẹn ngày nào giờ bước đi tập tễnh, ánh mắt như nhắm nghiền lại, ngồi xuống khó khăn. Ngồi bệt xuống đất, giọng nói lập bập không rõ, tay run run (hậu quả của việc bị sét đánh trúng), Trường chỉ vào những tấm ảnh cũ trong quyển album.

Như một đứa trẻ, Thanh Trường lễ phép xưng "con" và nói: "Đây là lúc con chụp khi đá trên sân Mỹ Đình". Lúc đó, ánh mắt của Thanh Trường sáng lên. Dù nói một câu thật dài là thử thách với anh nhưng Trường vẫn tỏ ra hào hứng khi kể lại những kỷ niệm thời còn đi đá bóng, những lần đối đầu các đội chuyên nghiệp...

Ông Trần Văn Quân (ba Trường) cho biết kết luận của bác sĩ là Trường bị chết một phần não. Cứu sống Trường đã khó, việc giúp anh trở lại với cuộc sống dù chỉ như đứa trẻ ngu ngơ, giọng nói tiếng được, tiếng mất vẫn là một kỳ tích.

Cú sét đánh khiến Thanh Trường - chàng trai 26 tuổi lúc đó chịu thương tật vĩnh viễn 71%. Sau 6 tháng nằm viện ở TP.HCM, Trường về nhà mà không biết gì, không đi đứng được. 11 năm sau, anh cũng chỉ đi đứng chậm chạp và sống lệ thuộc cha mẹ. Ông Quân nghẹn ngào nói: "Nhìn Trường vạm vỡ vậy chứ nhưng chẳng khác gì đứa trẻ. Bây giờ Trường vẫn chưa biết xài tiền, không biết viết, chưa tự ăn cơm được...".

Còn bà Lê Thị Anh (mẹ Trường) kể trong nước mắt: "Lúc nhỏ, Cu Đỏ (tên thường gọi của Trường) chỉ mê đá bóng. Không có banh thì lấy dừa khô lột vỏ rồi đá mà trở thành cầu thủ. Trường dọc ngang, lúc chơi cho Trà Vinh, lúc Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn ở Giải hạng nhất trước khi về đội Nguyễn Hoàng Kiên Giang rồi gặp nạn. 

Trường sống hiền, hòa đồng nên được nhiều người thương. Ngày nó bị nạn, người dân Tiểu Cần thuê cả xe ca lên TP.HCM thăm. Bây giờ Trường chỉ nhớ khoảng 30% nhưng chủ yếu là bóng đá".

Cuộc sống của Trường có lẽ chỉ vui mỗi dịp đồng đội hay các cựu danh thủ như Lê Huỳnh Đức, Phạm Như Thuần... và đặc biệt là Nguyễn Hồng Sơn đến thăm bởi đó là những người anh nhớ rõ nhất. Thật vậy, đôi mắt luôn hướng nhìn xa xăm như ngây như dại của Trường lại sáng lên khi chúng tôi nhắc đến bóng đá.

Trường cho biết vẫn xem và ủng hộ tuyển VN và có thể kể vanh vách Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường. Đó là thú vui của anh và cũng là lúc cha mẹ cảm thấy nhẹ nhõm nhất khi nhìn anh cười.

Chúng tôi hỏi Trường có dự định gì cho tương lai không? Cựu cầu thủ từng ấp ủ biết bao hoài bão thời tuổi trẻ lắp bắp nói: "Giờ con chỉ mong biết chữ, biết xài tiền và biết chạy xe máy để tự đi khám bệnh, lấy thuốc". 

Ngồi bên cạnh, ông Quân nói tiếp: "Phải chi hồi đó nó ở lại thi đấu cho đội Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn mà không về Kiên Giang thì đâu ra nông nỗi này!". Trong khi đó, bà Lê Thị Anh xoa đầu Trường rồi nói: "Mỗi người có một số phận. Làm sao mà tránh được!".

Nghèn nghẹn ông Quân buông một câu khiến chúng tôi quặn lòng: "Không biết sau này, chúng tôi già không còn lo được thì con sẽ sống ra sao?". Một nỗi lo thắt lòng bởi dù có cuộc sống tương đối nhờ vào một nhà trọ ở thị trấn Tiểu Cần nhưng rồi họ cũng sẽ già yếu trong khi Trường mãi như đứa trẻ với tương lai mờ mịt.

Hai số phận 11 năm sau tia sét định mệnh trên sân bóng - Ảnh 2.

Thiên Chương giờ là y sĩ tại Trung tâm Y tế Bình Minh - Ảnh: T.P.

Hết "nợ" với đá banh thì làm y sĩ

Trong khi đó, Thiên Chương đang làm việc tại Trung tâm Y tế Bình Minh. Tại đây, hỏi về Thiên Chương ai cũng biết và sẵn sàng cho số điện thoại. Thiên Chương xuất hiện trước mắt chúng tôi trong bộ blouse thay vì quần đùi áo số. Giờ đây, anh gắn bó với kim tiêm cùng những lời khuyên cho bệnh nhân chứ không phải là với trái bóng trên sân đấu.

Cũng gục trên sân nhưng Thiên Chương (đội Vĩnh Long) bị nhẹ hơn Trần Thanh Trường. Thiên Chương kể lại sự việc với giọng trầm xuống: "Tôi chỉ nhớ lúc đó là hiệp 1, khi đang di chuyển trên sân thì bỗng nhiên có tia sét đánh xuống và tôi tỉnh dậy trong... bệnh viện. May mắn tôi chỉ bị nhẹ, xuất viện ngay sau đó". 

Dù không bị di chứng nào đáng kể nhưng nỗi ám ảnh vẫn mãi theo đuổi Thiên Chương. Đến tận bây giờ, mỗi lần thấy sét là Chương hoảng sợ, có khi nằm rạp xuống đất để né tránh.

Chương cho biết mình xuất thân từ bóng đá phong trào rồi được tuyển lên huyện, tỉnh rồi đi đá chuyên nghiệp nên chưa hề qua lớp đào tạo bài bản nào. Thật ra, Chương theo bóng đá cũng để giải quyết bài toán kinh tế cho gia đình ở thời điểm đó. Anh từng thi đấu với các cầu thủ nổi tiếng như cựu tiền vệ tuyển VN Nguyễn Vũ Phong, thủ môn Lê Văn Hưng (đội SHB Đà Nẵng)...

Sau tai nạn, sức khỏe ít nhiều bị ảnh hưởng. Nghĩ đến tương lai mờ mịt cùng bóng đá nên Chương quyết định nghỉ hẳn để chuyển sang chương mới cuộc đời. Anh đi học và trở thành y sĩ của Trung tâm Y tế Bình Minh (Vĩnh Long) đến nay cũng đã 10 năm.

Tuy nhiên, đam mê với quả bóng tròn vẫn rất lớn nên anh thường xuyên đi đá bóng phong trào cho khuây khỏa. "Cuộc sống hiện nay của tôi khá ổn so với thu nhập của cầu thủ Giải hạng nhì trước đây. Tôi có vợ và con 4 tuổi. Nếu không bị sét đánh và tiếp tục đời cầu thủ, chắc cuộc sống không được như hôm nay" - Chương nói.

Sự cố trên sân Vĩnh Long

Phút 13 trận Vĩnh Long - Nguyễn Hoàng Kiên Giang (Giải hạng nhì) diễn ra ngày 2-5-2008 trên sân Vĩnh Long, sét đánh xuống sân đã làm các cầu thủ, trọng tài lăn lộn trên sân.

Phát hiện hai cầu thủ nằm quằn quại, lãnh đạo hai đội bóng và nhân viên y tế lập tức vào sân để đưa Thanh Trường và Thiên Chương cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long.

Thiên Chương xuất viện ngày 3-5 và không có di chứng gì đáng kể. Còn Trần Thanh Trường tiếp tục ở lại điều trị và sau đó được chuyển lên bệnh viện ở TP.HCM với chẩn đoán chết một phần não.

Tiền vệ Trần Thanh Trường vẫn phải thở bằng máy Tiền vệ Trần Thanh Trường vẫn phải thở bằng máy

TT - Chiều 3-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Đồng Lập, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch kiêm trưởng đoàn bóng đá Nguyễn Hoàng Kiên Giang (NHKG), cho biết tiền vệ Trần Thanh Trường, người bị sét đánh nặng nhất, vẫn đang nằm cấp cứu tại khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long trong tình trạng còn thở máy.

T.PHÚC - H.DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên