07/07/2020 09:41 GMT+7

Hà Nội không cho nuôi gia súc, gia cầm ở các quận nội thành

XUÂN LONG - THÚY HẰNG
XUÂN LONG - THÚY HẰNG

TTO - Với tỉ lệ 100% đại biểu tán thành, HĐND thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết quy định không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các quận nội thành và một số phường, thị trấn.

Hà Nội không cho nuôi gia súc, gia cầm ở các quận nội thành - Ảnh 1.

Ông Chu Phú Mỹ, giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn đọc tờ trình đề xuất quy định khu vực không được chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Hà Nội - Ảnh: XUÂN THÀNH

Sáng 7-7, ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ, giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Hà Nội, đọc tờ trình nêu căn cứ và sự cần thiết phải quy định khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, trừ động vật làm cảnh.

Ông Mỹ cho biết qua thống kê, đến tháng 5-2020, toàn thành phố có hơn 207.000 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Theo ông Mỹ, tại các phường thuộc các quận nội thành và 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, 6 thị trấn của 5 huyện ven đô, hiện đàn có 3.354 trang trại, nông hộ chăn nuôi 20.000 con gia súc, gia cầm.

Ông Mỹ cho rằng số lượng gia súc, gia cầm đang chăn nuôi ở khu vực các phường thuộc các quận nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, 6 thị trấn thuộc 5 huyện ven đô, số lượng ít, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng môi trường chăn nuôi ngày càng ô nhiễm. Việc chăn nuôi cũng tăng khả năng lây lan dịch bệnh cao, có nhiều mối nguy hiểm về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tác động không tốt đến sự phát triển đô thị.

Theo ông Mỹ, quy định khu vực cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được nêu trong Luật chăn nuôi, vì vậy, 3.354 nông hộ, trang trại chăn nuôi với khoảng 2.606 lao động cần phải dừng hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Nêu ý kiến từ phản ánh của cử tri, đại biểu Nguyễn Lan Hương, chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, cho biết đây là nội dung có tác động tới một bộ phận người dân, tuy số hộ dân không nhiều nhưng việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi chắc chắn có tác động.

"Ùy ban MTTQ cũng tổ chức phản biện, nội dung này thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, cử tri. Qua đó nhận thấy số lao động đang chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu là người lớn tuổi, nên việc chuyển đổi nghề không khả thi. Vì vậy, việc hỗ trợ dừng chăn nuôi cần phải được quan tâm nhiều hơn cho những người khó chuyển đổi việc làm" - bà Hương nêu.

Bà Hương cũng cho rằng dù không cấm nuôi động vật làm cảnh, nhưng khái niệm thú cưng, thú cảnh cũng chưa rõ, nhiều gia đình nuôi cả đàn chó, mèo trong khu dân cư, ngay người dân liền kề cũng có ý kiến, vì vậy, cần có hình thức quản lý phù hợp.

Thống nhất về sự cần thiết quy định khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết với tỉ lệ 100% đại biểu tán thành thông qua nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi, chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Khu vực không được phép chăn nuôi gia sức gia cầm, trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm, được quy định gồm: Các phường của các quận thuộc thành phố; 4 phường Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền, Lê Lợi (thị xã Sơn Tây); các thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), Phùng (huyện Đan Phượng), Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), Trâu Quỳ, Yên Viên (huyện Gia Lâm), Văn Điển (huyện Thanh Trì); Các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Để hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, nghị quyết của HĐND thành phố quy định hình thức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề với mức hỗ trợ chi phí học nghề tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học.

Bà Phùng Thị Hồng Hà, phó chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, cho biết thời gian thực hiện di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi từ khi nghị quyết của HĐND có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2023.

​Hưng Yên đầu tư hơn 10 tỷ đồng chăn nuôi gia cầm theo VietGAHP ​Hưng Yên đầu tư hơn 10 tỷ đồng chăn nuôi gia cầm theo VietGAHP

Tỉnh Hưng Yên đang triển khai dự án "Phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học theo hướng VietGAHP giai đoạn 2016-2020".

XUÂN LONG - THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên