22/08/2020 15:02 GMT+7

Hà Bích Hảo: 'Bố mẹ không có lỗi khi con xấu xí'

HỒNG THẮM - LAN TRÀ
HỒNG THẮM - LAN TRÀ

TTO - Gương mặt hỏng một bên, bị méo mó, mất một bên tai và gần như hỏng hẳn một bên mắt nhưng Hà Bích Hảo luôn cố gắng không ngừng nghỉ mỗi ngày, lan tỏa năng lượng tích cực đến người đồng cảnh ngộ.

Hà Bích Hảo: Bố mẹ không có lỗi khi con xấu xí - Ảnh 1.

Với nụ cười luôn nở trên môi, Hà Bích Hảo truyền cảm hứng cho rất nhiều người đồng cảnh ngộ, sống lạc quan mỗi ngày - Ảnh: HỒNG THẮM

"Mỗi người sinh ra đều không có quyền lựa chọn cho mình hoàn cảnh sống, nhưng có quyền được lựa chọn cách sống. Mình luôn cố gắng từng ngày để bố mẹ không cảm thấy có lỗi khi con mình xấu xí", Hà Bích Hảo, 26 tuổi, quê Nam Định bộc bạch.

Mọi người hay gọi cô là "Mầm", cũng bởi cô gái đặc biệt ấy luôn đi gieo mầm yêu thương, lan tỏa năng lượng tích cực, truyền cảm hứng cho người đồng cảnh ngộ.

Bước đến cánh cổng tri thức

Hảo mắc bệnh u máu ngoài da. Tròn 6 tháng tuổi, cô gái bé nhỏ phải bước vào những cuộc phẫu thuật, gắn chặt đời mình với thuốc men. Cuối cùng Hảo cũng được về nhà, nhưng với gương mặt hỏng một bên, bị méo mó, mất một bên tai và gần như hỏng hẳn một bên mắt.

Ngày bạn bè cắp sách vào lớp 1, thầy cô nghĩ Hảo không thể tiếp thu được kiến thức như chúng bạn. "Khi đó mình chỉ được học lớp dự thính, đến để đủ sĩ số lớp thôi", Hảo nhớ lại.

Hà Bích Hảo: Bố mẹ không có lỗi khi con xấu xí - Ảnh 2.

"Mình luôn cố gắng từng ngày để bố mẹ không cảm thấy có lỗi khi con mình xấu xí" - Ảnh: HỒNG THẮM

Nhìn thấy cô học sinh nhỏ luôn cố gắng đến trường mỗi ngày, cuối cùng thầy cô cũng công nhận năng lực của Hảo. Cô được đến trường như bao bạn bè.

Song ngoại hình đặc biệt của Hảo lại là trở ngại trong chính trường học. Hảo nhớ, có lần cô bị bạn bè trong lớp dùng giày thể thao ném vào mặt, vứt sách vở và đuổi ra khỏi lớp.

Hảo luôn canh cánh trong lòng câu nói của mẹ: "Nếu có thể thay con gánh chịu thì mẹ có chết cũng cam lòng". Lời của mẹ in sâu vào tâm trí, nhắc nhớ Hảo phải sống tốt hơn mỗi ngày vì bố mẹ không có lỗi. Ban cho Hảo sinh mệnh, được có mặt trên cuộc đời này đã là một niềm may mắn.

Hà Bích Hảo: Bố mẹ không có lỗi khi con xấu xí - Ảnh 3.

Gương mặt hỏng một bên, bị méo mó, mất một bên tai và gần như hỏng hẳn một bên mắt nhưng Hảo đã làm được, đã bước đến cánh cổng giảng đường - Ảnh: HỒNG THẮM

Bị giảm thính lực một bên tai và một bên mắt gần như không thể nhìn rõ, việc học tập của Hảo cũng khó khăn hơn bạn bè. Bố mẹ không đặt nhiều kỳ vọng vào việc học của Hảo, hàng xóm cũng xì xào bàn tán về việc học của cô. Nhưng cô quyết tâm nuôi ước mơ vào giảng đường.

Năm đó, khi tất cả các trường có kết quả tuyển sinh thì Trường đại học Sư phạm Hà Nội vẫn chưa công bố điểm. Hàng xóm nói với bố mẹ: "Thôi mua cho nó cặp bò cho nó đi chăn, chứ sức nó làm sao đỗ đại học".

Nhận giấy báo điểm, bố mẹ, hàng xóm ngỡ ngàng khi hay tin Hảo xuất sắc đạt số điểm 25,5 và trúng tuyển vào đại học.

Gieo mầm năng lượng tích cực

Suốt 4 năm giảng đường, Hà Bích Hảo còn tích cực tham gia các câu lạc bộ, các chiến dịch vì cộng đồng. Hảo tham gia câu lạc bộ "Sinh viên khuyết tật thành phố Hà Nội", cô nhận ra bản thân vẫn may mắn hơn rất nhiều người.

"Chỉ một chút khiếm khuyết về ngoại hình, không đáng phải suy sụp", Hảo quả quyết.

Hà Bích Hảo: Bố mẹ không có lỗi khi con xấu xí - Ảnh 4.

Hảo luôn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, truyền năng lượng tích cực đến mọi người - Ảnh: NVCC

Cô tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện. Chính tinh thần trách nhiệm, năng lực và làm việc đầy nhiệt huyết, các thành viên tin tưởng khi cô gái nhỏ nhắn giữ chức vụ phó chủ tịch câu lạc bộ. Cô thừa nhận ở thời điểm hiện tại, không phải bất cứ ai cũng công nhận, cô vẫn gặp nhiều rào cản về vấn đề ngoại hình khi tìm việc làm.

Không dừng lại ở bốn năm đại học, Hảo sắp sửa hoàn thành chương trình học thạc sĩ. Cô còn làm thêm tại phòng hỗ trợ giáo dục tại một trường mầm non ở Hà Nội.

Hiện tại, thị lực của Hảo kém đi nhiều, đi học cô luôn phải ngồi bàn đầu, nhờ thầy cô nói to hơn một chút và nhìn khẩu hình miệng của giáo viên để theo kịp bài giảng.

Hà Bích Hảo: Bố mẹ không có lỗi khi con xấu xí - Ảnh 5.

Cô gái nhỏ vẫn từng ngày hoàn thiện bản thân, gieo cho đời những nụ cười - Ảnh: NVCC

Khi được hỏi tại sao lại chọn học thêm bằng thạc sĩ, cô gái nhỏ mỉm cười: "Mình muốn khẳng định năng lực của bản thân để được mọi người công nhận, chứ không phải thương hại. Để mọi người nhìn nhận, để mình có những cơ hội cạnh tranh công bằng như bao người khác".

Với nguồn năng lực tích cực, cô gái nhỏ vẫn từng ngày hoàn thiện bản thân, gieo cho đời những nụ cười. Có rất nhiều người tìm đến Hảo để xin lời khuyên, từ khi gặp cô họ học cách cười nhiều hơn.

"Mình đã có khoảng thời gian rất khó khăn, nhưng khi được biết đến chị Mầm qua một nhóm về sách, nhìn sự lạc quan, những nụ cười đầy năng lượng của chị, mình cảm thấy yêu đời và trân trọng từng giây phút của cuộc sống hơn", Nguyễn Hương Giang, ở Hà Nội chia sẻ.

Ước mơ của Hảo là thành lập một doanh nghiệp xã hội nhằm giáo dục hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, xây dựng quỹ học bổng ước mơ "Mầm và những người bạn" cho trẻ em khuyết tật, trẻ nghèo vượt khó có cơ hội được đi học.

Cô gái mồ côi trúng tuyển Trường ĐH Fulbright Việt Nam với suất hỗ trợ 2,2 tỉ đồng Cô gái mồ côi trúng tuyển Trường ĐH Fulbright Việt Nam với suất hỗ trợ 2,2 tỉ đồng

TTO - Suốt 18 năm vượt qua nghịch cảnh cuộc đời, mới đây cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Thường khiến người dân Hương Ngải (huyện Thạch Thất, Hà Nội) xôn xao khi "rinh" về giấy báo đậu Đại học Fulbright Việt Nam, với suất hỗ trợ tài chính đến 2,2 tỉ đồng.

HỒNG THẮM - LAN TRÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên