Giới tỉ phú Ấn Độ: Vị quốc hay vị thân

THANH TUẤN 21/05/2024 17:00 GMT+7

TTCT - 6 tập đoàn lớn và quyền lực của các nhà tài phiệt đang giúp ích rất nhiều cho Ấn Độ nhưng cũng gây ra mối lo ngại về tập trung tài sản ở nhóm trên cùng, làm tăng bất bình đẳng và nạn tư bản thân hữu.

Từ trái sang: Các ông Andani, Modi và Ambani. Ảnh: CNN

Từ trái sang: Các ông Andani, Modi và Ambani. Ảnh: CNN

Hồi tháng 3, thị trấn biển yên tĩnh ở bang Gujarat bất ngờ với làn sóng tỉ phú và người nổi tiếng toàn cầu đổ tới dự tiệc. Hàng chục tỉ phú và ngôi sao trên khắp thế giới khi đó tấp nập tới Jamnagar, khiến sân bay này tắc nghẽn vì máy bay riêng. Họ có mặt ở đây để dự tiệc với tỉ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani.

Số là ông Ambani, 67 tuổi và là chủ Tập đoàn Reliance Industries, tổ chức tiệc trước đám cưới hoành tráng cho con trai để đón khoảng 1.200 khách từ Silicon Valley, Bollywood và khắp nơi. Trong số người nổi tiếng có Mark Zuckerberg, Bill Gates và Ivanka Trump.

Bữa tiệc kéo dài 3 ngày, với màn biểu diễn của ngôi sao Rihanna và nhà ảo thuật David Blaine, làm mê hoặc Ấn Độ và cũng thể hiện tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của giới nhà giàu nước này.

Tỉ phú Gautam Adani, người sáng lập Tập đoàn Adani, cũng có mặt ở buổi tiệc. Đại gia ngành đầu tư hạ tầng này đã khiến thế giới phải chú ý suốt 10 năm qua. Năm 2022, có lúc ông vượt Jeff Bezos để chiếm vị trí người giàu thứ 2 thế giới. 

"Đây là những thương nhân phi thường, họ duy trì tăng trưởng đều đặn ở môi trường Ấn Độ rất sôi động nhưng đôi khi hỗn loạn", nhà kinh tế Rohit Lamba ở Đại học Bang Pennsylvania nói với CNN.

Những Rockefeller mới

Reliance và Adani hiện là các tập đoàn có trị giá hơn 200 tỉ USD và chi phối nhiều mảng, từ nhiên liệu hóa thạch, công nghệ sạch tới truyền thông và công nghệ thông tin. Những nhà tỉ phú như Ambani và Adani, do đó, sẽ có vai trò lớn trong định hình nền kinh tế Ấn Độ trong nhiều thập niên tới.

Tata là tập đoàn đa ngành lâu đời hàng đầu ở Ấn Độ. Ảnh: Timeline Daily

Tata là tập đoàn đa ngành lâu đời hàng đầu ở Ấn Độ. Ảnh: Timeline Daily

Ở trung tâm tài chính Mumbai, dấu ấn của họ hiện diện khắp nơi, từ sân bay quốc tế (do Adani vận hành), tới các tuyến đường bộ và cao ốc (với thương hiệu Adani Realty), và cả các trung tâm văn hóa (với tên Ambani). 

Một số nơi không cần biển hiệu, nhưng dân Mumbai đều biết ai sống ở Antilia - cao ốc cá nhân của Ambani và gia đình, trị giá xấp xỉ 2 tỉ USD. Tòa nhà 27 tầng này có ba sân trực thăng và rạp chiếu phim 50 ghế nằm trên con đường được gọi là "phố tỉ phú".

Quyền lực và ảnh hưởng của các nhà tài phiệt như Ambani và Adani là hình mẫu chung của các nước đang trải qua giai đoạn phát triển nhanh đặc biệt. Hai người họ thường xuyên được so sánh với John D. Rockefeller, tỉ phú đầu tiên của nước Mỹ trong kỷ nguyên vàng son (30 năm cuối thế kỷ 19). 

Ở Mỹ khi đó, các nhà đại công nghiệp đã gia tăng nhanh chóng tài sản, tạo ra những gia tộc siêu giàu và góp phần quyết định vào quá trình vươn lên của nước Mỹ trong vai trò một siêu cường đích thực. 

Nhờ tài kinh doanh và những khoản đầu tư lớn của họ vào các lĩnh vực vận tải tàu hỏa, nhà máy và các khu đô thị, những gia tộc như Rockefeller, Frick, Astor, Carnegie và Vanderbilt đã góp phần tạo nền móng cho bộ mặt hạ tầng nước Mỹ mà chúng ta thấy ngày nay.

Ở châu Á, các tập đoàn chaebol đã chi phối kinh tế Hàn Quốc nhiều thập niên. Nhiều tập đoàn xuất phát từ cơ sở gia đình tài phiệt như Samsung, Hyundai đã trở thành những công ty hàng đầu thế giới ở các lĩnh vực tiên tiến như chip và xe hơi.

"Ấn Độ đang trải qua giai đoạn giống Mỹ và nhiều nước khác. Nước Anh những năm 1820, Hàn Quốc những năm 1960-1970, và Trung Quốc những năm 2000", James Crabtree, tác giả cuốn The Billionaire Raj về sự giàu có của Ấn Độ, nói. 

Theo ông việc các nước đang phát triển tăng tốc về sức mạnh kinh tế thường dẫn tới "tập trung tài sản ở nhóm trên cùng, làm tăng bất bình đẳng và rất nhiều tư bản thân hữu".

Với GDP 3.700 tỉ USD năm 2003, Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và vượt qua Anh, nước từng đô hộ họ trong quá khứ. Một số chuyên gia dự đoán năm 2027, Ấn Độ có thể trở vươn lên vị trí số 3, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

Ông Ambani tổ chức lễ cưới hoành tráng cho con trai. Ảnh: CNN

Ông Ambani tổ chức lễ cưới hoành tráng cho con trai. Ảnh: CNN

6 tập đoàn lớn

Theo báo Mỹ Wall Street Journal, các định hướng chính sách của chính quyền Thủ tướng Nerandra Modi ở quốc gia 1,4 tỉ dân ngày càng dựa nhiều vào chỉ khoảng 6 tập đoàn lớn (gồm Reliance và Adani). Họ có ưu điểm là khả năng huy động vốn lớn, kinh nghiệm và các mối quan hệ chính trị sâu để thúc đẩy hệ thống hành chính phức tạp ở Ấn Độ dịch chuyển. 

Dựa vào hỗ trợ của chính phủ cùng các kế hoạch tư nhân hóa, giới tỉ phú mới đã triển khai các dự án với quy mô và tốc độ không thể trông đợi ở sự tự thân vận động của nhà nước.

Một ví dụ điển hình là sân bay mới cho Mumbai, được thiết kế giống hình hoa sen bởi cố kiến trúc sư nổi tiếng Zaha Hadid. Đi vào hoạt động năm nay, sân bay này kết nối với đường sắt cao tốc và phục vụ khoảng 90 triệu lượt khách mỗi năm - xấp xỉ lượng khách ở sân bay lớn nhất thế giới theo lưu lượng hành khách hiện nay, Atlanta (Mỹ).

Sau khi đầu tư 45 tỉ USD vào các hệ thống viễn thông, Reliance - tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực hóa dầu, dệt may và bán lẻ - đang xây nhà máy sản xuất tấm pin và pin năng lượng mặt trời với mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành nguồn cung quan trọng khác ngoài Trung Quốc với các sản phẩm này. (Ấn Độ đã cam kết chi 75 tỉ USD trong 15 năm tới trong nỗ lực chuyển đổi xanh).

Một cái tên khác không thể không nhắc trong các siêu tập đoàn Ấn Độ là Tata. Đã 155 năm tuổi và vừa tiếp quản hãng bay Air India (trước thuộc sở hữu nhà nước) năm ngoái, Tata mới đây đã đặt một đơn hàng vào loại lớn nhất lịch sử ngành hàng không với 470 máy bay mới. 

Tập đoàn sản xuất từ muối, thép tới phần mềm này (hiện sở hữu hãng xe Jaguar Land Rover) đang đẩy mạnh kế hoạch sản xuất xe điện, máy bay vận tải quân sự, điện thoại thông minh và các thiết bị viễn thông với các kế hoạch trị giá 90 tỉ USD đầu tư ở Ấn Độ trong 5 năm tới.

6 tập đoàn hàng đầu này hiện kiểm soát và có cổ phần chi phối chiếm khoảng 25% công suất cảng, 45% công suất xi măng, 1/3 công suất thép, gần 60% lượng người dùng viễn thông và hơn 45% lượng than nhập khẩu của cả Ấn Độ. 

Phân tích của Trung tâm Theo dõi kinh tế Ấn Độ (CMIE) cho thấy khoảng 1/4 các đề xuất đầu tư mới từ giới tư nhân nước này trong 10 năm qua là từ 6 tập đoàn này.

"Những tập đoàn này rất quan trọng và có mối quan hệ rất sâu", Guido Cozzi, giáo sư kinh tế vĩ mô của Đại học St Gallen (Thụy Sĩ), nói. "Họ không phải là những tập đoàn độc quyền trì trệ thông thường. Họ khá năng động". 

Theo ông, họ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hạ tầng, hỗ trợ tăng trưởng, và thúc đẩy kết nối số cho quốc gia. Tuy nhiên, Cozzi cũng cảnh báo trong khi các tập đoàn lớn có thể thực hiện những dự án rất quy mô, việc tập trung quá nhiều tài sản và nguồn lực sẽ làm giảm cạnh tranh và khiến các dự án ở Ấn Độ không có các nhà đầu tư tư nhân đủ đa dạng.

Loại bỏ dần các đối thủ

Harish Damodaran, biên tập viên báo Ấn Độ Express và tác giả sách kinh tế, sử dụng thuật ngữ "tư bản tập đoàn" để miêu tả hiện trạng này. Dù chính phủ không chỉ đạo cụ thể các tập đoàn, ông nói việc tập trung quyền lực dưới thời Modi giúp tạo lợi thế cho những siêu công ty này. 

Họ dễ dàng vận động khi có một trung tâm quyền lực rõ ràng ở New Delhi, thay vì hệ thống quyền lực phân mảng ở từng vùng như trước thời Modi.

Ấn Độ đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Ảnh: Getty

Ấn Độ đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Ảnh: Getty

Adani, từ lâu đã có quan hệ mật thiết với chính ông Modi, trở thành nhà xây dựng hạ tầng lớn trong 10 năm qua. Tập đoàn ông hiện là nhà vận hành cảng lớn nhất Ấn Độ, ngoài xây dựng đường cao tốc, hệ thống truyền tải điện và hệ thống cung cấp khí đốt, chưa kể các dự án sân bay vốn trước đó trong tay các công ty quốc doanh. 

Người phát ngôn của Adani nói họ đã tạo ra mô hình thành công về phát triển hạ tầng và giúp thu hút 20.000 nhà cung cấp khác. "Reliance luôn tin vào cống hiến cho đất nước và điều gì tốt cho Ấn Độ thì sẽ tốt cho Reliance", người phát ngôn này nói.

Trong mảng viễn thông, Reliance cho thấy một siêu tập đoàn có thể làm được những gì, và cả những rủi ro của thực tế đó. Năm 2010, trước khi ông Modi lên làm thủ tướng, Ambani quyết tâm xây dựng hệ thống 4G của Ấn Độ - bước ngoặt về đầu tư ngoài ngành truyền thống của Reliance. 

Các tập đoàn viễn thông truyền thống khi đó như Bharti Airtel và Vodafone chủ yếu tập trung vào 3G và giá các gói cước ở Ấn Độ khi đó thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Bắt đầu chạy từ 2016, dịch vụ của Reliance (có tên Jio), chạy quảng cáo trang nhất nhiều báo với biểu tượng logo màu xanh và hình của Thủ tướng Modi (đắc cử lần đầu năm 2014) với dòng chữ "Tận tâm vì Ấn Độ cùng 1,2 tỉ người dân". 

Sau khi có những chỉ trích việc họ sử dụng không đúng hình ảnh ông Modi, Văn phòng Thủ tướng ra thông cáo nói chưa cho phép tập đoàn sử dụng hình ảnh, và Jio đã phải xin lỗi. Tuy nhiên, xét về hiệu ứng truyền thông thì đó là một chiến dịch đại thắng.

Ảnh: Smartprix

Ảnh: Smartprix

Ban đầu, Jio cung cấp gói gọi và tin nhắn miễn phí, dữ liệu Internet thì được miễn phí trong 6 tháng đầu, và sau đó tính giá chỉ bằng 1/4 giá trung bình thị trường. Kết quả là hàng trăm triệu người Ấn Độ lần đầu tiên được tiếp cận Internet ổn định. 

Một cuộc chiến giá cước cũng bùng lên, nhiều hãng không đủ tiềm lực phải bỏ cuộc, và cạnh tranh chấm dứt. Số người dùng Jio tăng nhanh chóng mặt, và giờ đã là 430 triệu. Công ty còn thu hút được hàng tỉ USD từ những đại gia công nghệ như Meta và Google. 

Năm 2022, Reliance lại đầu tư tiếp 11 tỉ USD vào mạng lưới 5G và thị trường bán lẻ với nền tảng thương mại điện tử JioMart, cạnh tranh trực tiếp với Amazon và Flipkart của Walmart ở Ấn Độ.

Giống như dịch vụ viễn thông, JioMart cũng bị nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Ấn Độ phản đối. Những doanh nghiệp này từng kiểm soát chuỗi cung ứng các hàng hóa như xà bông và snack từ nhà sản xuất tới các tiệm tạp hóa. 

Khi JioMart bắt đầu bán hàng tiêu dùng với giá thấp hơn, không qua trung gian cho các tiệm tạp hóa này, khoảng nửa triệu người Ấn Độ làm trong lĩnh vực này đã mất mối làm ăn.

Ở nhiều ngành khác, số lượng công ty có thể làm dự án lớn đã giảm trong thập niên qua. Một số không chịu được gánh nặng nợ và phải phá sản, một số thì bị các cá mập mua lại. Adani có tiếng là rất quyết liệt giành giật các dự án nhà nước. 

Năm 2018, khi chính quyền Ấn Độ tìm cách tư nhân hóa việc điều hành 6 sân bay, Adani, vốn không hề có kinh nghiệm trong mảng này, vẫn nhảy vào đấu thầu. 

Với giá bỏ thầu cao nhất, họ đã thắng thầu ở cả 6 sân bay, rồi sau đó tiếp tục giành thêm quyền điều hành sân bay Mumbai. Adani nay đã là nhà vận hành sân bay tư nhân lớn nhất Ấn Độ.■

Chaebol kiểu Ấn

Tập trung tài sản gây ra nhiều vấn đề. "Giờ họ không lấy thị phần của các tập đoàn quốc doanh nữa, mà là của các hãng tư nhân khác", Viral Acharya, cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, nói.

"Nhiều người không thấy giá trị khi cân nhắc tham gia các mảng đã bị các tập đoàn lớn chi phối", Rohit Chandra, giảng viên Học viện Công nghệ Ấn Độ, chỉ ra. "Ta sẽ không muốn một nhóm nhỏ các tập đoàn thắng hết dự án này tới dự án khác".

Vốn hóa của các tập đoàn này tăng trung bình 386% trong giai đoạn 2013-2023, hơn gấp đôi so với thị trường chung của cả nước.

Và bất chấp thành công của các siêu tập đoàn, tỉ lệ thất nghiệp trong người trẻ và bất bình đẳng giàu nghèo là vấn đề dai dẳng và ngày càng nhức nhối ở Ấn Độ. Năm 2022, theo Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập đầu người của Ấn Độ vẫn chỉ xếp thứ 147 thế giới.

Theo các chuyên gia, vài tập đoàn lớn sẽ không thể hấp thu khoảng 1 triệu người gia nhập lực lượng lao động mỗi tháng. "Ấn Độ sẽ không thể giàu nhờ một vài hãng lớn kiểu Adani hay Ambani", chuyên gia Lamba nói. "Ấn Độ nên có thêm nhiều hãng nữa".

Nhiều kinh tế gia đang so sánh tình hình hiện giờ ở Ấn Độ với "các tập đoàn vô địch quốc gia", tức các chaebol, của Hàn Quốc. Với sự ủng hộ của nhà nước, các chaebol đã giúp Hàn Quốc công nghiệp hóa và trở thành đế chế xuất khẩu lớn.

Mô hình Ấn Độ đang đi theo hướng này, theo nhà kinh tế Nouriel Roubini. Nhưng sự khác biệt với Hàn Quốc, theo Roubini, là các chaebol được nuôi dưỡng bởi chính quyền để có thể cạnh tranh quốc tế, trong khi các tập đoàn Ấn Độ chủ yếu hoạt động trong nước.

Chính quyền Modi thì nói họ không bắt chước mô hình chaebol. "Tôi không biết Hàn Quốc có biệt đãi gì cho các chaebol, nhưng ở Ấn Độ, mọi người cạnh tranh bình đẳng", Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal nói với WSJ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận