12/11/2023 08:55 GMT+7

Giới học thuật nói Trường đại học Tôn Đức Thắng né tránh nhắc đến tiêu cực

Sau bài ‘Bị tố mua bài báo khoa học, Trường đại học Tôn Đức Thắng lên tiếng’, nhiều chuyên gia, giới học thuật cho rằng nhà trường né tránh nhắc đến những điểm tiêu cực.

Trường đại học Tôn Đức Thắng - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Trường đại học Tôn Đức Thắng - Ảnh: TRẦN HUỲNH

* TS Hoàng Ngọc Vinh (chuyên gia giáo dục đại học)

Lấy nguồn thu học phí đổi lấy "hư danh"

Trên thế giới có mô hình mời nghiên cứu viên từ nơi khác đến cơ sở mình để tham gia cùng nghiên cứu (visiting researchers), chia sẻ trí tuệ và kinh nghiệm của các đồng nghiệp để có sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Trường đại học Tôn Đức Thắng được thí điểm tự chủ đầu tiên, họ có thể đã làm những điều vượt quá khuôn khổ của pháp luật như: trả thù lao rất cao để khuyến khích nhà nghiên cứu công bố quốc tế đứng tên trường...

Trong điều kiện nguồn tài chính thu được từ các hợp đồng nghiên cứu khoa học, chuyển giao từ nền kinh tế hoặc tài trợ không nhiều thì trường trả thù lao cao chắc chắn sẽ lấy từ nguồn thu học phí cao nhờ "tự chủ". Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của nhà trường đánh đổi lấy "hư danh".

Để nhìn nhận khách quan hơn về những công trình công bố "đáng giá" nhiều chục triệu đồng thì cần xem những công trình đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ học tập sinh viên, đời sống giảng viên như thế nào. 

Đồng thời, cũng cần đánh giá những tác động của các công trình đó đến sự phát triển khoa học nước nhà nói chung, và vào những ngành học mà trường này đang đào tạo, cũng như nguồn thu từ các nghiên cứu này mang lại do có đóng góp cho nền kinh tế ra sao.

* TS Doãn Minh Đăng (Cộng hòa Liên bang Đức)

Né tránh nhắc đến tiêu cực của cái gọi là "hợp tác nghiên cứu"

Phần trả lời của đại diện Trường đại học Tôn Đức Thắng thể hiện sự né tránh, không nhắc đến những điểm tiêu cực của cái mà họ gọi là "hợp tác" với cán bộ nghiên cứu bên ngoài.

Bản chất của hợp tác này là chỉ có tờ hợp đồng để phân định số tiền trả cho từng loại bài báo chứ ít có hoạt động trao đổi tri thức thực sự có thể giúp tăng nội lực khoa học của trường.

Theo cách tổ chức phổ biến của những trường đại học, các phòng - ban làm chức năng quản lý và hỗ trợ, còn hoạt động học thuật chủ yếu do đội ngũ ở các khoa/bộ môn tiến hành.

Với cách tổ chức các nhóm nghiên cứu lại thuộc về một phòng quản lý phát triển khoa học công nghệ, chắc hầu hết nghiên cứu ở những nhóm đó không thực sự diễn ra tại trường này.

Tôi nghĩ đấy là kiểu làm ăn xổi, chỉ muốn đạt kết quả nhanh (tạo danh tiếng) nhưng không dựa vào nội lực, dễ dẫn đến cái mà người ta ví von là "người khổng lồ chân đất sét".

* TS Nguyễn Tấn Đại (nghiên cứu viên liên kết, Phòng thí nghiệm liên đại học về khoa học giáo dục và truyền thông, Đại học Strasbourg, Pháp)

Thành tích giả tạo trong các cơ sở dữ liệu đo lường thư mục quốc tế

Trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý có nhiều lỗ hổng, các quy chế quản lý nội bộ còn lỏng lẻo, nhu cầu tăng thu nhập bức thiết trong khi ý thức cá nhân chưa đủ sâu sắc, rất nhiều trường hợp lạm dụng phương tiện và nguồn lực của đơn vị để mưu cầu lợi ích riêng.

Nhưng họ vẫn nghĩ mình không sai vì đã hoàn thành nghĩa vụ tối thiểu và cơ quan không cấm.

Ví dụ, khi nguồn lực của trường Y bị giảng viên A sử dụng, tạo thành sản phẩm đứng tên trường X, thì giảng viên A đã vi phạm về sở hữu trí tuệ. Và việc trường X trả tiền giảng viên A để có sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ đối với trường Y đã dẫn đến xung đột lợi ích giữa ba bên.

Trường hợp sản phẩm là bài báo khoa học, nếu giảng viên A cam kết với tạp chí rằng sản phẩm của mình không có xung đột lợi ích thì đó chính là một bằng chứng sai phạm. Nếu có khiếu kiện thì tạp chí hoàn toàn có thể xem xét rút bài vì vi phạm liêm chính học thuật.

Thậm chí, các tạp chí cho phép mỗi tác giả ghi đến 2 hay 3 nhiệm sở khác nhau nếu đề tài có sự hợp tác giữa các tổ chức ấy, nhưng trường mua bài dứt khoát "ăn trọn" bằng cách buộc tác giả phải ghi cả 2 dòng nhiệm sở cho 2 đơn vị khác nhau thuộc trường mình.

Trường hợp này sai phạm có chủ đích nhằm thu lợi bất chính thông qua thành tích giả tạo trong các cơ sở dữ liệu đo lường thư mục quốc tế là rất rõ ràng.

* GS.TS Lương Văn Hy (Đại học Toronto, Canada và Chủ tịch Hội đồng Đạo đức nghiên cứu, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM):

Mua hư danh ảo, vi phạm liêm chính học thuật

Nếu một đại học ở Việt Nam được xếp hạng cao trên thế giới dựa vào thực lực của mình, tôi mừng cho Việt Nam và cho trường này. Thực lực ở đây là khả năng của đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên cơ hữu, có thể có thêm một ít cộng tác viên thực sự làm việc bán thời gian và tương đối ổn định ở trường.

Nhưng nếu thứ hạng này dựa vào việc mua bài học thuật tràn lan từ những người không có tương tác gì với cộng đồng giảng viên và sinh viên của đại học, thì đấy là mua hư danh ảo, vi phạm liêm chính học thuật, không giúp cho đại học phát triển bền vững.

Thay vì dùng tiền để mua bài tràn lan thì nên dùng vào việc phát triển thực lực một cách bền vững.

Vung tiền mua bài báo quốc tế: Có lừa gạt học sinh, xã hội?Vung tiền mua bài báo quốc tế: Có lừa gạt học sinh, xã hội?

Bài báo 'Bị tố mua bài báo khoa học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng lên tiếng' trên Tuổi Trẻ ngày 11-11 thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên