Giáo viên vùng cao bám nghề với niềm tin có ngày vào biên chế

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chia sẻ như vậy khi thảo luận câu chuyện đổi mới giáo dục tại hội trường Quốc hội chiều nay 9-6.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu An Giang đứng lên phát biểu sau khi Bộ trưởng Giáo dục - đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu sáng nay.

Ông Nguyễn Lân Hiếu phân tích việc biến các cơ sở y tế, giáo dục công thành các đơn vị hoạt động độc lập như mô hình công ty.

Tránh sụp đổ mạng lưới

Theo ông, cách làm này trao quyền rất lớn cho lãnh đạo đơn vị, tạo ra mô hình rất mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong những tháng qua, mô hình mới chưa chính thức vận hành thì đã xuất hiện những bất cập.

Ví dụ việc bảo hiểm y tế xuất toán ồ ạt từ trung ương đến địa phương, rất nhiều bác sĩ, giáo viên vùng cao, vùng sâu bỏ việc, việc lạm dụng bảo hiểm y tế, việc triển khai các kỹ thuật trong y tế diễn ra tràn lan…

Mong Chính phủ thận trọng trong triển khai chủ trương này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phân tích: "Nếu về vùng cao, nếu trên đường các đại biểu gặp những giáo viên, bác sĩ thì họ không phải vì tiền, mà vì yêu nghề vẫn ở lại với bà con, họ cố gắng làm việc với niềm tin sẽ được nằm trong biên chế nhà nước".

"Nếu bỏ công chức trong giáo dục và y tế thì cần những cơ chế, chính sách hết sức cụ thể cho từng vùng miền, tránh sụp đổ mạng lưới mà chúng ta dày công xây dựng", ông Hiếu tha thiết.

Ngoài ra, theo đại biểu An Giang, trao quyền quá lớn cho các hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện, mà không có sự tuyển chọn kỹ càng, sẽ khiến chúng ta sẽ rơi vào tình trạng "trao trứng cho ác".

"Nếu bỏ biên chế trong hệ thống y tế và giáo dục thì nên bỏ biên chế trong toàn bộ hệ thống, chỉ để lại an ninh quốc phòng. Đưa tất cả cán bộ, công chức, viên chức về dạng hợp đồng, có hay không có thời hạn, có chế độ an sinh rõ ràng như hầu hết các nước trên thế giới", ông Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị.

"Nếu lập luận bỏ biên chế sẽ làm ngành giáo dục, y tế tốt hơn thì tại sao lại giữ biên chế các ngành quản lý hành chính, hiệp hội tốt cho xã hội. Có như vậy mới bỏ được tâm lý chạy một xuất vào biên chế".

'Đừng bắt học sinh thành các nhà bác học'

Đại biểu An Giang tiếp tục phân tích: Bỏ biên chế trong giáo dục sang hợp đồng không quan trọng bằng đổi mới giáo dục.

"Đổi mới giáo dục là điều tất yếu vì nhược điểm khiến ngành giáo dục ngày càng tụt hậu. Tuy nhiên phải nên nhớ đổi mới là xóa bỏ cái cũ. Đổi mới sẽ phải trả giá cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, quyết định của các nhà quản lý vĩ mô sẽ tiêu một lượng tiền thuế của nhân dân, và hiệu quả không phải ngày một ngày hai thấy được", ông Nguyễn Lân Hiếu nói.

"Các nhà quản lý giáo dục đừng nên phê phán chương trình giáo dục cũ. Cá nhân tôi cho rằng giáo dục nên mở, đừng ép buộc những tiêu chí cứng nhắc, đừng bắt học sinh trở thành những nhà bác học…"

Theo ông Hiếu, đổi mới giáo dục đại học thì nên quản lý, siết chặt đầu ra, cần xóa bỏ câu chuyện nhiều năm qua chúng ta siết chặt đầu vào bằng việc điểm cao mới đỗ vào ĐH, mà đầu ra lại quá dễ, khi có trường tỷ lệ tốt nghiệp đến 98-99%.

Tệ hơn nữa là trong y tế, có nơi, có cơ sở cần sinh viên nên đã hạ thấp đầu vào, và cả đầu ra đều dễ và thấp.

"Để có đội ngũ bác sĩ chất lượng cao, theo tôi nên có kỳ thi quốc gia để tất cả các bác sĩ khi ra trường đều có chất lượng ngang nhau", đại biểu An Giang góp ý.

Cũng theo ông Nguyễn Lân Hiếu, hiện nay có rất nhiều phần mềm giảng dạy, quản lý tốt, nhà trường có thể theo dõi giáo viên tốt hay không, có hoàn thành công việc hay không, phụ huynh học sinh cũng có thể biết được tình hình học tập của con em mình… Những tiến bộ khoa học này nên được áp dụng trong giáo dục.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên