19/11/2009 05:52 GMT+7

Giáo viên "cắm bản" - Kỳ 2: Hạnh phúc nhọc nhằn

VĨNH HÀ - HÀ HƯƠNG
VĨNH HÀ - HÀ HƯƠNG

TT - Họ gặp nhau tình cờ trong một lần về huyện học chuyên đề. Bén duyên nhau, cứ cuối tuần thầy lại khoác ba lô vượt 70 km đường núi đến thăm cô. Thầy giáo Nguyễn Quốc Toàn trên bản Lùng Cúng (Nậm Có, Mù Căng Chải, Yên Bái) hài hước kể về câu chuyện tình yêu mà thầy gọi là “thời thanh niên điên rồ và sôi nổi”.

Giáo viên "cắm bản" - Kỳ 2: Hạnh phúc nhọc nhằn

TT - Họ gặp nhau tình cờ trong một lần về huyện học chuyên đề. Bén duyên nhau, cứ cuối tuần thầy lại khoác ba lô vượt 70 km đường núi đến thăm cô. Thầy giáo Nguyễn Quốc Toàn trên bản Lùng Cúng (Nậm Có, Mù Căng Chải, Yên Bái) hài hước kể về câu chuyện tình yêu mà thầy gọi là “thời thanh niên điên rồ và sôi nổi”.

ImageView.aspx?ThumbnailID=376029

Cô giáo Mai Thị Tuyết gõ mõ gọi học sinh đến lớp ở điểm Trường Khấu Sỉn, Xín Mần (Hà Giang)- Ảnh: BÁCH VIỆT
ImageView.aspx?ThumbnailID=376030
Học sinh xếp hàng vào lớp ở Lùng Cúng - Mù Cang Chải - Ảnh: Hà Hương

>> Kỳ 1: Trên đỉnh non cao

Những mối tình trên đỉnh núi

Từ bản Cao Phạ, nơi thầy từng dạy học, đến xã Lao Chải (Mù Căng Chải) của cô phải đi qua hàng chục kilômet qua đèo Khau Phạ luôn ngập trong mây mù lạnh buốt. Nhà của các thầy cô cắm bản dọc đường đến Lao Chải ngẫu nhiên trở thành “điểm trung chuyển tình yêu”.

Thầy Toàn kể nhiều lúc phải lội qua những con suối nước sâu đến tận cổ, thầy phải qua bản của các thầy giáo khác mượn quần áo khác để mặc. Cứ thế, cứ qua mỗi con suối sâu lại mượn quần áo của bạn. Đến điểm cuối cùng, sau khi đã tắm rửa sạch sẽ mới dám mang bộ quần áo đẹp nhất ra mặc. Đường về lại phải ghé qua chia chút quà của người yêu và trả lại quần áo.

Ban đầu mới đeo ba lô đi cắm bản, nhiều thầy, cô giáo tâm niệm sẽ không xây dựng gia đình ở nơi “rừng thiêng, nước độc” này, vì nếu vậy sẽ không dễ dàng quay về xuôi và cuộc sống sẽ mãi nhọc nhằn. Nhưng rồi một năm, ba năm, năm năm trôi đi vèo vèo, thực tế cuộc sống nơi đây khiến nhiều người đã phải thay đổi suy nghĩ. Hơn nữa, ở nơi heo hút, những người thầy cắm bản càng thấm thía nỗi cô đơn, càng cần xích lại gần nhau. Sự gian khổ, thiếu thốn và nỗi buồn khi màn đêm buông xuống đã là sự khởi đầu cho những mối tình của người thầy cắm bản.

Ở Nậm Có có đến 3-4 cặp vợ chồng lấy nhau khi phải cùng cắm bản trên những điểm trường xa xôi. Tuy nhiên, cưới nhau rồi lại xa nhau. Thầy Nguyễn Quốc Toàn ở Lùng Cúng thì vợ lại đến điểm Trường Tu San, thầy Bùi Văn Quân ở điểm Trường Phình Ngài, vợ ở điểm Trường Háng Cơ. Những cặp vợ chồng “cắm bản” thường chỉ ngóng nhau qua những ngọn núi. Thầy Toàn nói: “Rất nhiều lần vợ muốn thăm chồng, nấu cho nhau một bữa ăn rồi về, nhưng anh em chúng tôi đều không muốn, vì đường đi quá vất vả, lên rồi về lại buồn lo chồng chất”.

Hạnh phúc của các thầy, cô giáo cắm bản cũng nhọc nhằn như cuộc sống và công việc của họ. Thầy giáo Hoàng Anh Vượng ở điểm Trường Chế Tạo (Mù Căng Chải) giáp ngày cưới vẫn phải đi tập huấn, tối về chỉ kịp đi mượn vội bộ quần áo để cưới. Cưới xong vài ngày lại chia tay để về trường. Nhìn vợ mắt rơm rớm, lòng nặng trĩu nhưng vẫn phải ra đi.

Ở Lao Chải có những cặp vợ chồng nhà giáo cưới nhau cả năm trời nhưng không thể bố trí nổi một phòng ở riêng, hằng ngày vợ vẫn ở phòng độc thân của nữ, chồng ở phòng độc thân của nam. Ai cũng thương nhưng lực bất tòng tâm. Còn có những cặp vợ chồng nhà giáo như thầy Nguyễn Văn Hiên và cô giáo Trần Thị Vui cưới nhau hơn 20 năm mới được đoàn tụ. Vợ địu con trên lưng đi dạy ở một điểm trường, chồng đứng lớp ở nơi khác.

ImageView.aspx?ThumbnailID=376031
Những đứa trẻ ở điểm trường Cáng Dông - Xéo Dì Hồ - Mù Cang Chải - Ảnh: Vĩnh Hà
ImageView.aspx?ThumbnailID=376032
Cô giáo "cắm bản" ở lớp ghép tại Xéo Dì Hồ - Mù Cang Chải - Ảnh: Vĩnh Hà

Nỗi nhớ con giữa tứ bề là núi

Chỉ có Tết Nguyên đán và dịp nghỉ hè, những gia đình nhà giáo vùng cao phía Bắc mới có dịp đoàn tụ đầy đủ. Hầu hết thầy, cô giáo cắm bản chúng tôi gặp ở Mù Căng Chải (Yên Bái), ở Xín Mần, Đồng Văn (Hà Giang), Mường Tè, Sìn Hồ (Lai Châu) đều phải gửi con về quê để vợ chồng lo dạy học. Có gia đình phải gửi một con cho bà nội, một con cho bà ngoại, vợ chồng mỗi người ở một điểm, nỗi nhớ người thân chia làm bốn ngả đường.

Nếu như các thầy giáo có thể che giấu được sự mềm yếu vì nhớ con trong lòng thì với các cô giáo đó là việc cực kỳ khó khăn. Cô giáo Mai Thị Tuyết “cắm bản” ở Xín Mần đã khóc khi chúng tôi hỏi về chuyện gia đình.

Cô tâm sự: “Ngày mới lên tôi vẫn cố thu xếp về thăm con, nhưng lần nào về rồi quây quả đi cháu cũng khóc, cả nhà ôm nhau khóc nên sau này tôi không dám về nhiều. Hằng ngày cứ chiều đến lại ra sân xem bóng nắng, nhìn về phía chân núi xa mờ nghĩ về con. Những đêm trăng sáng, mấy chị em cùng điểm trường ngồi lặng nhìn sang bên kia sông Chảy, rồi mang rượu ra uống cho say. Nếu không thế sẽ không ngủ được”.

Tại những điểm lẻ của Trường tiểu học Căn Co, Sìn Hồ (Lai Châu), có nơi phải đi bộ đến gần 20km kể từ điểm trường chính, nỗi nhớ con của các cô giáo cắm bản bị nhốt lại giữa tứ bề là núi. Ban ngày dạy học, khi màn đêm buông xuống các cô giáo lại bị giằng xé nỗi nhớ con.

Thầy Bùi Công Nguyên - Trường tiểu học Xéo Dì Hồ - nói: “Đàn ông chúng tôi có lúc nghĩ đến con còn xót xa nữa là phụ nữ, nhưng mang con theo trên những chặng đường dạy học là một sự mạo hiểm. Giá rét, điều kiện thiếu thốn, chưa kể còn bị bọ chó hành hạ ghẻ lở đầy người khiến các thầy cô giáo không cầm lòng giữ con ở lại bên mình”.

Trò chuyện với các cô giáo nhiều năm “cắm bản”, chúng tôi đã phải cố gắng để tránh động đến nỗi niềm sâu kín của họ. Mỗi năm đoàn tụ hai lần, vợ chồng con cái ôm nhau cười ra nước mắt, nhưng ngay sau đó vẫn là nỗi lo cơm áo gạo tiền, chi phí đường trường của các cặp vợ chồng nhà giáo.

Vất vả, chống chọi với rất nhiều khó khăn trên những đỉnh núi heo hút, nhưng các thầy cô giáo “cắm bản” cũng chỉ nhận lương từ 1,2 triệu đến trên 3 triệu đồng/tháng, tùy theo thâm niên công tác. Tiền công tác phí cho những chuyến về trường hội họp, theo thầy Lò Văn Bích, hiệu trưởng Trường tiểu học Vừ A Dính - Nậm Có, chỉ có thể chi 1.000 đồng/km/lần đi. Mà mới chỉ có năm nay, còn trước kia các thầy phải tự túc. Mức chi phụ cấp đứng lớp ghép được giao về cơ sở nên những nơi quá khó khăn như Mù Căng Chải số tiền này rất ít ỏi.

Theo Phòng GD-ĐT Mù Căng Chải (Yên Bái), năm qua cũng có vài chục thầy cô giáo xin chuyển vùng, có người bỏ nghề. Ở Mù Căng Chải, chuyện “chảy máu chất xám” cũng xảy ra, nhiều thầy cô tâm huyết, chuyên môn, kinh nghiệm vững vàng bỏ đi không ngăn lại được. Những người ở lại trên những đỉnh non cao là những thầy cô giáo thật sự yêu nghề. Họ cũng có những lúc đấu tranh giữa chuyện đi hay ở, nhưng rồi trách nhiệm, sự cảm thông, thương yêu với học trò đã giữ họ ở lại nơi xa mù này.

VĨNH HÀ - HÀ HƯƠNG

______________________

Hầu như tất cả thầy cô giáo khi lên những vùng cao “cắm bản” đều muốn quay về, bỏ nghề. Nhưng có những sợi dây vô hình ràng buộc người thầy với những đứa trẻ vùng khó.

Kỳ tới: Không thể bỏ cuộc

======================================================================

Ý kiến bạn đọc

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

* Nhân Ngày 20-11 tôi xin chúc thầy cô giáo trên mọi miền tổ quốc lời chúc tốt đẹp nhất. Và xin được chia sẻ cùng các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa về những khó khăn thử thách. Tôi thật cảm phục sự hi sinh lớn lao của các thầy cô đang ''cắm bản" như bài viết trên. Chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe góp sức cho sự nghiệp trồng người.

ntduyen@...

* Tôi cảm động đến rơi nước mắt khi đọc được bài viết này. Thật sự đây mới chính là "những tấm gương sáng và hi sinh cao cả trong nghề trồng người". Nhân Ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam, tôi kính chúc các thầy cô giáo "cắm bản" luôn mạnh khỏe và hạnh phúc. Mong rằng Nhà nước ta có những ưu đãi đặc biệt đến những thầy cô nơi vùng xa vùng sâu này.

NGUYEN HONG LINH

* Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam, tôi xin gửi tới những kỹ sư tâm hồn lời chúc mừng chân thật nhất. Xã hội còn nhiều khó khăn nhưng để phát triển được thì công rất lớn là của các thầy cô. Mong rằng xã hội, các cơ quan có thẩm quyền, chức năng sẽ quan tâm hơn tới các thầy cô.

LÊ NA

* Trước đây tôi cũng từng hai năm làm thầy giáo "cắm bản" tại Trường tiểu học MaLyPho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (cũ).

Từng sống cuộc sống của người giáo viên nơi vùng cao nên tôi vô cùng thấu hiểu những nhọc nhằn, gian khó của thầy cô nơi đây. Sau khi hết hợp đồng, tôi không có dịp quay trở lại bản. Hôm nay đọc bài báo này tôi thấy mình như sống lại những tháng ngày đã qua. Tôi thật sự thấy buồn vì gần chục năm rồi mà cuộc sống của những thầy cô vùng cao vẫn còn nhọc nhằn, chưa được cải thiện là bao so với trước.

Qua Tuổi Trẻ, xin gửi lời chia sẻ chân thành đến các thầy cô giáo vùng cao, đặc biệt là thầy cô giáo Trường MaLyPho (Lai Châu). Mong các thầy cô luôn cố gắng để đem cái chữ đến cho các em nhỏ miền núi.

Nhân Ngày 20-11, xin chúc các thầy cô giáo Việt Nam cùng gia đình sức khỏe và hạnh phúc! Hi vọng có người quen nhận ra tôi, hãy liên hệ với tôi qua địa chỉ email: thangthongke@gmail.com

NGUYỄN PHƯƠNG THẮNG

* Em là một học trò nhỏ, rất may mắn được sinh ra và học tập trong một môi trường rất thuận lợi. Khi đọc bài viết này em rất khâm phục lòng yêu nghề của các thầy cô. Nhờ có các thầy cô mà nhiều em nhỏ đã không rơi vào cảnh mù chữ.

Em chúc các thầy cô dồi dào sức khỏe và luôn tìm thấy nhiều niềm vui trong con đường "cắm bản".

HUYỀN VŨ

* Nhân ngày 20-11 xin gửi tới các thầy cô trên mọi miền tổ quốc lời chúc mừng nồng nhiệt nhấ, nhất là các thầy cô đang "cắm bản". Bài viết rất xúc động, tôi rất khâm phục các thầy cô giáo ở đây. Mong rằng những đóng góp của họ được nhà nước ghi nhận hơn nữa, có những chính sách hợp lý để các thầy cô yên tâm công tác.

                                                                                                              TRẦN VĂN BÁCH

 

* Thật xúc động khi biết để đem con chữ cho các em miền núi lại cực khổ đến thế. Tôi là người sinh ra, lớn lên và học hành ở đồng bằng nên không thể tưởng tượng nổi sự vất vả của các thầy cô "cắm bản" lại lớn đến như vậy. Tấm lòng các thầy cô thật đáng để chúng ta học tập.

Nhân ngày 20/11, xin chúc các thầy cô sức khỏe và giữ tấm lòng mãi sắt son với nghiệp đưa đò vinh quang.

                                                                                                                                    AN

* Giữa những xô bồ náo nhiệt đến mệt mỏi ở thành thị, được đọc những dòng viết về các thầy cô ở vùng cao, thật như đang đi giữa giá rét gặp đốm lửa hồng nơi xa, ấm áp trong lòng biết bao. Tôi đồng tình với ý kiến hãy tạo ra một cách thức nào đó để giúp chúng tôi, những người đang được sống và làm việc yên ấm nơi đồng bằng, có thể hiểu và chia sẻ hơn nữa với các thầy cô và các em ở những vùng xa xôi của tổ quốc.

Xin cảm ơn các thầy cô, những người đã "sắt son giương cao ngọn cờ" về lòng nhiệt tình công việc, tiếp lửa thêm cho các thế hệ trẻ sau này. Xin cảm ơn Tuổi Trẻ đã cho chúng tôi thêm hiểu và thêm yêu nghề giáo cao quý.

                                                                                                                      XUÂN MINH

 

* Đọc bài báo mà tôi thấy khâm phục những thầy cô giáo nơi đây. Thật là cảm động trước những hy sinh của các thầy cô cho nền giáo dục. Sự cống hiến và lòng yêu nghề của thầy cô khiến mỗi chúng những người được học tập và lao động ở một điều kiện xã hội tốt phải cố gắng hơn nữa.

Sắp đến ngày 20/11, em chúc các thầy cô sức khoẻ, niềm vui để tiếp tục trồng cây cho đời.

                                                                                                                    HỒNG THẮM

* Tôi ở Úc, mang trong lòng một trái tim luôn nhớ về quê hương. Đọc bài viết tôi thật sự không ngờ Việt <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam mình còn quá nhiều khó khăn đến vậy. Cảm ơn các thầy cô, mong thầy cô luôn giữ vững niềm tin.

                                                                                                        NGUYEN YEN THANH

* Tôi là một giáo viên, lâu lắm rồi tôi mới được đọc một bài viết viết về gương người tốt, việc tốt trong ngành giáo dục. Cám ơn 2 nhà báo đã đến với cô giáo, viết về cô giáo “cắm bản”. Xin chia sẻ những khó khăn với những đồng nghhiệp đang cắm bản trồng người. Các anh chị phóng viên thân mến.

                                                                                                           TRAN VAN LUONG

---------------------

Ý kiến của bạn về câu chuyện này ra sao? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.

VĨNH HÀ - HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên