03/08/2016 13:57 GMT+7

​ “Gian lận thì đừng làm thầy giáo”

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Đó là phát biểu của ông Lê Vĩnh Lợi  - trưởng đoàn Gia Lai tham dự Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) 2016 tại Hội nghị về công tác giáo dục thể chất và phong trào HKPĐ trong trường học giai đoạn 2012- 2016 sáng 3-8 tại Nghệ An.

Đội Quãng Ngãi (áo xanh) bị loại khỏi HKPĐ vì vi phạm điều lệ HKPĐ, đưa VĐV là thành viên đội U-17 bóng đá Quảng Ngãi từng giành HCĐ Giải U-17 quốc gia 2015 dự thi. Ảnh tư liệu. Tác giả ảnh: DƯ HẢI

Góp ý cho công tác tổ chức HKPĐ, ông Lợi cho biết không khó để biết được VĐV nào là học sinh phổ thông bình thường, VĐV là là học sinh năng khiếu thể thao dự đại hội.

Ông Lợi chia sẻ: “Nếu hỏi các em sẽ nói hết, em nào là học sinh năng khiếu thể thao “bị bắt” đi thi hệ phong trào. HKPĐ là đại hội thể thao của học sinh, vì thế phải tách các VĐV năng khiếu ra vì các em đã có Đại hội TDTT toàn quốc để dự thi. Chúng ta là thầy giáo, gian lận thì đừng làm thầy giáo nữa. Nếu tiếp tay cho gian lận, học sinh sẽ coi thường chúng ta. Đừng để một vài học sinh, phụ huynh phải tức tưởi vì bị trọng tài xử ép, vì chúng ta chơi không trung thực”.

Cũng liên quan đến các đối tượng dự HKPĐ, ông Nguyễn Xuân Trường  - phó giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo Vĩnh Phúc đề nghị BTC HKPĐ hạn chế đưa những môn võ đối kháng, có nguy cơ chấn thương cao vào chương trình thi đấu của đại hội.

Ông Trường nói: “Điều lệ đại hội đã quy định rõ đối tượng dự thi nhưng ở đâu đó vẫn có những trường hợp trộn VĐV chuyên nghiệp vào dự thi. Điều này khiến các địa phương ngại đưa học sinh đi thi đấu vì học sinh làm sao đấu được với các VĐV đã được đào tạo. Với những môn võ đối kháng, học sinh thi với VĐV được đào tạo thì sẽ dẫn đến việc các em học sinh bị đánh dẫn đến chấn thương, thời gian qua cũng đã có những em bị như thế này rồi”.

Về công tác giáo dục thể chất trong trường học, theo báo cáo của Bộ Giáo dục & Đào tạo, khó khăn lớn nhất để phát triển thể chất trong trường học là thiếu quỹ đất, tiền để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ môn học. Cả nước hiện nay mới có 7% trường học có nhà tập luyện thể chất, chỉ có 175 trường học có bể bơi. Diện tích đất bình quân trên đầu học sinh năm 2016 chỉ đạt 2,5m2/học sinh, có địa phương chỉ có 1,2m2/học sinh. Nhận thức của các ngành, các cấp, thậm chí đại đa số phụ huynh cũng coi trọng học văn hóa hơn là phát triển thể chất cho con em mình.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên