25/04/2024 12:50 GMT+7

Giải pháp về nguồn nước ĐBSCL - Kỳ 2: Ngăn mặn chậm tiến độ, người dân bất lợi

Tại miền Tây đang tồn tại những dự án, công trình ngăn mặn hàng chục, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng, bị chậm tiến độ hoặc đầu tư chưa đồng bộ gây lãng phí, khiến người dân khổ sở.

Cống Rạch Ông được đầu tư hoành tráng nhưng chưa hoạt động vì chưa có điện 3 pha để vận hành - Ảnh: C.CÔNG

Cống Rạch Ông được đầu tư hoành tráng nhưng chưa hoạt động vì chưa có điện 3 pha để vận hành - Ảnh: C.CÔNG

Và người dân ở các địa phương có những công trình này đang kêu trời vì hạn, mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dân lãnh đủ, Bộ NN&PTNT xin lỗi

Đầu tháng 4-2024, dưới cái nắng như đổ lửa, dù hạn hán đang xảy ra khắp nơi nhưng ông Nguyễn Văn Thiện (63 tuổi, ngụ xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) lại bì bõm lội trên con đường ĐX01 chạy ngang trước nhà.

Ông Thiện cho biết từ đầu năm đến nay, mỗi tháng hai lần, mỗi lần kéo dài chừng 3-4 ngày phải bì bõm lội nước vì triều cường. "Muốn đi đám tiệc là phải né giờ triều cường để đi. Khổ nhất là mấy nhà có con đi học, họ phải đóng xuồng để chở đi chứ xe máy không thể chạy được", ông Thiện nói.

Nơi ông Thiện và khoảng 1.000 người khác đang sinh sống nằm cạnh sông Cổ Chiên, mỗi lần triều cường cao, nước từ sông chảy theo Vàm Thơm vào sâu trong đất liền khiến khu vực này bị ngập nặng. Vào những tháng nước mặn lấn sâu, các tuyến kênh nội đồng và vườn tược của người dân cũng bị nước mặn tấn công nên huê lợi từ ruộng vườn chẳng được bao nhiêu.

Vào năm 2017, những người dân như ông Thiện đã khấp khởi vui mừng khi Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án JICA-3 - dự án thủy lợi có quy mô lớn được xây dựng tại tỉnh Bến Tre. 

Dự án có tổng mức đầu tư gần 6.200 tỉ đồng từ vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 9 làm chủ đầu tư.

Dự án gồm 8 cống: An Hóa, Thủ Cửu, Bến Tre, Tân Phú, Bến Rớ, Cái Quao, Vàm Nước Trong, Vàm Thơm trên địa bàn các huyện Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và TP Bến Tre. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào cuối năm 2023, giúp tỉnh Bến Tre chủ động điều hòa được nguồn nước, đảm bảo sản xuất và dân sinh, đặc biệt trước việc ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Thế nhưng, đến mùa khô năm 2024, tức là sau 7 năm triển khai dự án, hiện nay mới chỉ hoàn thành 2/8 công trình cống ngăn mặn gồm cống Tân Phú và cống Bến Rớ (huyện Châu Thành). Còn lại 6 công trình cống ngăn mặn của dự án chưa được thi công. 

"Nếu cống Vàm Thơm và cống Vàm Nước Trong được đầu tư đúng tiến độ thì gia đình tôi cùng hàng ngàn người dân Bến Tre khác sẽ được hệ thống cống bảo vệ, không bị ngập nước, đảm bảo có đủ nước ngọt sử dụng quanh năm", ông Thiện nói.

Trước tình trạng này, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ NN&PTNT với tỉnh Bến Tre mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã thừa nhận do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên dự án JICA-3 triển khai chậm hơn so với kế hoạch. Khi dự án kéo dài, do tỉ giá biến động và vật liệu tăng nên dự án bị đội giá hơn 2.000 tỉ đồng.

"Chúng tôi rất xin lỗi tỉnh Bến Tre vì trước đây Bộ NN&PTNT có cam kết với tỉnh là đến năm 2023 sẽ cơ bản hoàn thành dự án JICA-3 để cùng với các dự án thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre cơ bản khép kín, giải quyết được cơ bản câu chuyện điều hòa nguồn nước của tỉnh.

Nhưng đến giờ này, dự án chưa triển khai được là do vướng về tài chính", ông Hiệp thẳng thắn và cho biết thêm dự án này sẽ vẫn tiếp tục được triển khai.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (giữa) cùng lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiểm tra 1 trong 8 cống thuộc dự án JICA-3 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (giữa) cùng lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiểm tra 1 trong 8 cống thuộc dự án JICA-3 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Hàng loạt cống ngăn mặn thiếu đường dây điện vận hành

Gần 2h chiều một ngày giữa tháng 4-2024, phóng viên báo Tuổi Trẻ trở lại xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang) - nơi vị trí giáp biển và bà con địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp hạn mặn khiến tôm sú, cua biển nuôi trên ruộng lúa bị chết hàng loạt, ước năng suất bị thiệt hại 30 - 80%.

Bị ảnh hưởng hạn mặn khiến 2ha tôm sú của gia đình mất trắng, ông Lý Văn Tịnh - người dân ở xã Vân Khánh Đông - buồn buồn nói: "Cống Rạch Ông này cách vùng biển An Minh chỉ khoảng 500m nên nước biển trực tiếp lấn sâu vào các kênh nội đồng.

Nồng độ mặn tôi đo được lúc này lên đến 40‰ nên không thể bơm vào ruộng. Mặn đó mình chịu còn không nổi, nói gì con tôm con cua. Cống này mà đóng được chắc bà con mừng lắm", ông Tịnh chua chát.

Khoảng 5h chiều cùng ngày, thủy triều lên nhanh, nước biển theo cống Rạch Ông cuồn cuộn chảy vào các kênh nội đồng. Tuy nhiên, cống Rạch Ông cũng như nhiều cống ngăn mặn khác dọc tuyến ven biển An Minh - An Biên vẫn nằm im bất động dù được đầu tư bài bản, chắc chắn.

"Ở khu vực cống Rạch Ông địa phương chưa có đường dây điện (khoảng 1km) kéo trực tiếp ra đó nên không có điện để vận hành cống", ông Nguyễn Văn Til - phó chủ tịch UBND xã Vân Khánh Đông - thông tin.

Nói thêm, ông Nguyễn Thanh Điền - phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Minh - xác nhận cao điểm mùa khô 2024, nắng nóng kéo dài, mặn cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc người dân địa phương nuôi tôm sú, cua biển trên ruộng lúa. Đến nay địa phương ghi nhận có hơn 800ha tôm, cua nuôi bị ảnh hưởng.

"Hệ thống cống trên tuyến đê biển huyện An Minh - An Biên chưa có đường dây điện 3 pha nên địa phương chưa thể chủ động vận hành đóng cống kịp thời kiểm soát mặn. Nếu có đường điện 3 pha, địa phương sẽ chủ động vận hành đóng cống xen kẽ, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp của người dân", ông Điền nói.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, đơn vị tham mưu UBND tỉnh sớm trình trung ương bố trí vốn đầu tư dự án xây dựng hệ thống 9 cống dọc sông Xẻo Rô đến huyện An Minh - An Biên; cấp bổ sung kinh phí 22 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các cống kiểm soát mặn và các công trình phụ trợ, nạo vét kênh, đảm bảo tích trữ nước ngọt.

"Đối với 17 cống ven tuyến biển An Minh - An Biên hiện tỉnh đã phê duyệt và đang thực hiện thủ tục, sớm thi công hệ thống điện 3 pha nhằm vận hành hệ thống cống. Từ đó đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ sản xuất cho người dân", ông Lê Hữu Toàn - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - giải thích thêm.

Hội thảo "Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL"

Chiều 26-4, tại TP Cần Thơ sẽ diễn ra hội thảo "Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long" do báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường đại học Cần Thơ tổ chức.

Hội thảo quy tụ các chuyên gia trong và ngoài nước, các viện, trường, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và nhà quản lý tại những địa phương đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL…

Các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận, đưa ra các giải pháp về nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân trong vùng ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Từ đó giúp người dân có cuộc sống bền vững hơn trước hiện tượng thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan.

Âu thuyền Tắc Thủ 80 tỉ "chết đứng"

Công trình âu thuyền Tắc Thủ ngay ngã ba sông Ông Đốc, sông Trẹm thuộc xã Khánh An (huyện U Minh) và xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) được Bộ Giao thông vận tải đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2006, kinh phí xây dựng khoảng 80 tỉ đồng.

Đây cũng là công trình gây lãng phí ở miền Tây trong suốt thời gian qua. Vào thời điểm đó, âu thuyền Tắc Thủ được xem là công trình thủy lợi quy mô lớn nằm trong chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau.

Tuy nhiên, do hệ thống công trình kiểm soát mặn ven biển Tây chưa được đầu tư đồng bộ nên âu thuyền Tắc Thủ chỉ đóng mở được một lần ngay ngày khánh thành rồi sau đó bỏ hoang phí, gây bức xúc cho người dân. Vì không được vận hành và bảo trì nên hiện tại cửa âu thuyền bị hư hỏng, các hạng mục khác cũng xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - thông tin đang đợi bàn giao tài sản công trình trên giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ NN&PTNT.

"Âu thuyền này của Bộ Giao thông vận tải làm khá lâu rồi nên giờ phải mời hội đồng độc lập đánh giá lại giá trị tài sản để bàn giao, chúng tôi mới dám nhận. Nhận về, cái nào không xài thì thanh lý và sau đó làm mới lại. Cơ bản đây là công trình làm mới lại, chứ sử dụng được rất ít", ông Hiệp nói thêm.

Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL - Kỳ 1: Loay hoay tìm nguồn nước giải Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL - Kỳ 1: Loay hoay tìm nguồn nước giải 'cơn khát'

Đến mùa khô, Đồng bằng sông Cửu Long lại 'khát' nước, đặc biệt ở các tỉnh ven biển. Bài toán thiếu nước và đi tìm nguồn nước đã đặt ra từ nhiều năm qua nhưng vì sao chưa có lời giải?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên