22/06/2020 08:23 GMT+7

Giải marathon quốc tế Dalat Ultra Trail 2020: Lũ cuốn chết VĐV, lỗi do ai?

MAI VINH - KHƯƠNG XUÂN
MAI VINH - KHƯƠNG XUÂN

TTO - "Nếu ban tổ chức không đánh giá được rủi ro và nguy cơ tai nạn nguy hiểm, thì vận động viên không có lý do để dừng lại" - anh Trần Thanh Lâm, một người tham gia giải Dalat Ultra Trail 2020, nói.

Giải marathon quốc tế Dalat Ultra Trail 2020: Lũ cuốn chết VĐV, lỗi do ai? - Ảnh 1.

Đường chạy lên đỉnh Langbiang với dốc hơn 40 độ nhưng VĐV chỉ có 1 sợi dây hỗ trợ để bám leo mà không có dây an toàn - Ảnh: M.V.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-6 sau sự cố 1 vận động viên bị lũ cuốn tử vong tại Giải marathon quốc tế Dalat Ultra Trail 2020 ở Lâm Đồng, ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao - cho biết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho VĐV là ưu tiên số 1 khi tổ chức các giải thể thao.

Ông Phấn nói: "Các cuộc thi marathon trên đường bằng đã vô cùng khắc nghiệt, thi trên núi cao ở các cự ly 70 - 100km thì càng khắc nghiệt, rủi ro. Chính vì vậy, ban tổ chức các giải phải chuẩn bị ở mức cao nhất để đảm bảo an toàn tính mạng cho vận động viên".

VĐV phàn nàn điều kiện thi đấu không tốt

VĐV tử vong vào chiều 20-6 là T.Đ.T. (40 tuổi), khi bị nước cuốn trôi trong lúc cố gắng chạy qua một con suối ở khu vực suối Vàng (đường đi Cổng Trời), xã Đạ Sal, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Những người tham gia cuộc thi cho biết trưa 20-6 xuất hiện một trận mưa lớn ở thượng nguồn khiến nước lũ dâng cao đột ngột. Lúc này Giải Dalat Ultra Trail vẫn tiếp tục diễn ra. Vào khoảng 14h, VĐV T.Đ.T., tham dự cự ly 70km, đã cố gắng băng qua suối để hoàn tất phần thi của mình và bị nước cuốn trôi. Khu vực nạn nhân tử vong là vùng rừng núi hoang sơ, địa hình hiểm trở và có nhiều suối sâu, suối cạn.

Anh Trần Thanh Lâm, VĐV tham dự giải ở cự ly 70km, là người chạy trước VĐV T.Đ.T. một đoạn. Anh Lâm cho biết các con suối cạn, suối nước đều dâng cao và đục ngầu. Người của ban tổ chức không can thiệp gì để hạn chế rủi ro cho VĐV, nên mọi người cứ chạy theo kế hoạch định sẵn và hiển nhiên mọi người băng qua các con suối bất chấp nguy hiểm. 

Người có kỹ năng băng suối thì cởi áo mưa, nắm tay nhau theo hàng dài để lội qua. Nhưng có những người khác vì cố gắng hoàn thành đường chạy trong lúc không có đồng đội đã một mình băng qua suối.

"Tôi không gặp nạn có lẽ nhờ may mắn. Chính tôi cũng băng qua con suối có VĐV tử vong chỉ ít phút trước đó. Tôi cũng nói rõ hơn, khó mà nói VĐV không cẩn thận dẫn đến tai nạn, đây là đua thể lực và ý chí mà VĐV đã phải luyện tập trước đó cả năm, thậm chí nhiều năm. 

Khi tham gia cự ly từ 45km trở lên, VĐV luôn có ý thức hoàn thành cuộc đua bằng mọi giá với ý chí và nỗ lực cao độ, vì đó là danh dự và là sự công nhận cho những nỗ lực rèn luyện trong quá khứ. Do đó, nếu ban tổ chức không đánh giá được rủi ro và nguy cơ tai nạn nguy hiểm thì VĐV không có lý do để dừng lại" - anh Lâm nói.

Anh Nguyễn Hoàng (TP.HCM) tham dự giải ở cự ly 70km cho biết thêm, trong quá trình chạy, anh quan sát thấy đất đá trên núi sạt lở rất nhiều, các dòng suối nhỏ nước dâng lên nhanh chóng. Ngoài ra, số điểm check point (trạm ghi nhận mức độ hoàn thành và tiếp tế thức ăn, nước uống cho VĐV) nằm cách nhau quá xa, người hướng dẫn với số lượng hạn chế hơn các năm trước khiến có vận động viên lạc đường... 

"Khi chạy, chúng tôi có nói chuyện với nhau nếu có lũ quét hay có người kiệt sức không rõ sẽ cấp cứu ra sao, khi người của ban tổ chức quá ít so với 6.200 vận động viên tham gia" - anh Hoàng nói.

Anh K.H.T. (tỉnh Khánh Hòa) tham dự cự ly 70km chia sẻ thêm: "Tại đoạn cuối lên đỉnh Langbiang, ban tổ chức cho vận động viên vượt dốc hơn 40 độ theo kiểu leo núi mà không hề có bảo hộ và hành lang an toàn. Nhiều VĐV đã ngã lăn xuống dốc, may mắn không va vào gốc cây và đá. Khi đi qua địa hình này, tôi cảm thấy ức chế với vấn đề coi thường sự an toàn".

Ban tổ chức nói gì?

Bà Nguyễn Thị Nguyên - giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, trưởng ban tổ chức giải - nhìn nhận ban tổ chức chưa có phương án tốt cho giải diễn ra trong điều kiện thời tiết mưa, bởi các năm trước giải đều diễn ra trong mùa nắng. Mặt khác, Lâm Đồng là nơi ít có sạt lở trong rừng, không có lũ quét nên ban tổ chức ít nhiều có chủ quan. 

"Sau lần này, chúng tôi sẽ nghiêm khắc trong việc cấp phép cho các giải chạy diễn ra trong mùa mưa, thậm chí không cấp phép. Để đảm bảo an toàn, ngoài vấn đề y tế thì cần đánh giá các vấn đề an toàn chuyên sâu" - bà Nguyên nhận định.

Bà Nguyên thông tin thêm: "Đây là cuộc thi đáng lẽ diễn ra vào mùa nắng như các năm trước, nhưng do vướng dịch COVID-19 nên việc tổ chức dời sang tháng 6. Vì thay đổi thời gian trước áp lực đăng ký quá đông nên ban tổ chức không dự liệu được những rủi ro thời tiết. Thực sự đây là tai nạn đáng tiếc. Sở và Công ty cổ phần Việt Nam MTB Series đang hỗ trợ gia đình vận động viên gặp nạn lo hậu sự".

Phía ban tổ chức chưa lý giải rõ ràng về quy trình kiểm tra, đánh giá độ an toàn cho cuộc đua. 

Giải siêu marathon quốc tế Dalat Ultra Trail là giải chạy địa hình lớn thuộc hệ thống Asia Trail Master. Đây là giải đấu thu hút nhiều vận động viên chuyên nghiệp, nghiệp dư và người nổi tiếng đến từ nhiều nước. 

Với những giải đấu như vậy, theo ông Trần Đức Phấn, đội ngũ y tế phải được triển khai với lực lượng tốt, túc trực ở các địa điểm có nhiều nguy cơ có thể xảy ra sự cố để sơ cấp cứu kịp thời. Ban tổ chức phải chuẩn bị đường đua ở mức tốt nhất, có thông báo và hướng dẫn cụ thể với vận động viên về các điểm nguy hiểm, núi cao, vực sâu, nơi trơn trượt để vận động viên nắm được.

Một vận động viên dự Giải Dalat Ultra Trail 2020 bị lũ cuốn tử vong Một vận động viên dự Giải Dalat Ultra Trail 2020 bị lũ cuốn tử vong

TTO - Một vận động viên dự Giải marathon quốc tế Ultra trail Dalat 2020 bị lũ cuốn trôi trong cơn mưa lớn chiều 20-6. Hiện đã tìm thấy thi thể VĐV này.

MAI VINH - KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên