17/08/2013 04:23 GMT+7

Gánh sương sâm của mẹ

TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

TT - Gia đình tôi hồi xưa nghèo lắm, ba suốt ngày cặm cụi làm lụng ngoài đồng ruộng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm ra hạt lúa, củ khoai nuôi sáu đứa con đi học.

Mẹ tôi làm thêm nghề đổ kẹo đậu phộng, bưng bán khắp xóm. Trong một lần mẹ nấu nước đường, ngào với đậu phộng chuẩn bị trút ra mâm, bất ngờ trật tay, chảo nước đường nóng đổ lên bàn chân trái của tôi. Tôi hét toáng lên, mẹ nhanh chóng vớt con giấm chua đắp lên vết phỏng trên chân tôi rồi cõng tôi đến trạm xá.

Từ lúc tôi bị phỏng, mẹ cũng nghỉ làm kẹo, hằng ngày cõng tôi đi xức thuốc thay băng. Hơn tháng sau vết phỏng kéo da non, tôi tự đi lại được bằng cách co chân đau lên còn một chân nhảy lò cò. Lựa lúc mẹ vui tôi hỏi: “Sao mẹ không đổ kẹo đậu phộng bán nữa?”, mẹ trả lời: “Cũng do mẹ sơ ý làm con bị phỏng, nhìn thấy vậy mẹ rất xót lòng nên mẹ nghỉ, ngày mai mẹ tính chuyển sang làm nghề khác”. Hôm sau, mẹ vò sương sâm và lại tảo tần gánh bán khắp xóm, mặc dù tiền lời ít ỏi nhưng mẹ nói đùa: “Làm sương sâm chỉ bỏ công vò lá, có lỡ đổ cả thau sương sâm vào mình con cũng không sao”.

Chuyện đã qua 40 năm, mẹ tôi cũng mất gần 20 năm, có lúc tôi ngẫm nghĩ chỉ vì sơ ý làm tôi bị phỏng mà mẹ ân hận, đau xót bỏ cả nghề đổ kẹo đậu phộng. Mỗi lần nhìn vết phỏng bàn chân trái đã liền sẹo, tôi lại nhớ đến mẹ, cả đời mẹ tần tảo lo cho con có cái ăn và được cắp sách đến trường mà mẹ không quản ngại gian khổ, buôn gánh bán bưng…

TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên