16/08/2019 10:35 GMT+7

Gánh nặng xã hội từ giấc mơ Mỹ

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Sau những chiến dịch truy quét người nhập cư lậu, chính quyền Donald Trump vừa công bố quy định mới về cấp thẻ xanh (thường trú nhân), được cho là siết chặt cánh cửa với những di dân hợp pháp nghèo đến từ châu Mỹ Latin, châu Phi và châu Á.

Gánh nặng xã hội từ giấc mơ Mỹ - Ảnh 1.

Phước Lộc Thọ (Asian Garden Mall), trung tâm thương mại của người Mỹ gốc Việt đầu tiên tại khu Little Saigon, quận Cam, bang California, Mỹ, trong một dịp tết - Ảnh: Wikimedia Commons

Theo đó, trên cơ sở đánh giá mức độ phụ thuộc trợ cấp xã hội của di dân hợp pháp, Washington sẽ quyết định có cấp visa hay thẻ xanh cho người đó hay không. Quy định nhập cư mới còn được gọi là "quy tắc gánh nặng xã hội", ngay lập tức tạo ra những làn sóng tranh cãi ở Mỹ.

Tranh cãi

Những người ủng hộ quy định mới muốn giảm bớt số di dân nghèo xin trợ cấp nhà ở và lương thực. Họ cũng muốn cự tuyệt những di dân ốm đau có thể sẽ ngốn của chính phủ một khoản tiền lớn cho các dịch vụ y tế Medicaid. Những người ủng hộ cũng muốn ngăn những di dân không có khả năng tiếng Anh tốt đến Mỹ làm việc, định cư.

Dù vậy, sau khi chính quyền ông Trump công bố quy định mới, dư luận Mỹ đã nổi lên nhiều ý kiến trái chiều. Bởi những di dân bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất trong luật "gánh nặng xã hội" này lại chiếm một tỉ lệ lớn trong lực lượng lao động chính ở Mỹ.

"Chưa bao giờ trước đây trong lịch sử, chúng ta ngăn cản giấc mơ Mỹ với những người di dân có nhiều nỗ lực nhưng không thuộc tầng lớp trung lưu" - báo New York Times dẫn lời ông Doug Rand, người từng phụ trách chính sách nhập cư dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, cho biết. 

Trong khi đó, theo quyền giám đốc Cơ quan Di trú và nhập tịch Mỹ Ken Cuccinelli, "những người có thể tự đứng trên đôi chân" là những người sẽ không trở thành gánh nặng của xã hội.

Trên thực tế, các thành phần di dân tới Mỹ luôn đa dạng. Có người đến Mỹ với năng lực trình độ cao và nhiều tiền để đầu tư, song cũng có người chỉ có chút ít học vấn và chút tiền lận lưng. Những người nhập cư mong muốn được sống và làm diện thường trú nhân hợp pháp ở Mỹ có thể là các kỹ sư hay công nhân xây dựng, các nhà thiết kế web hoặc các nông dân, tài xế lái xe và sinh viên đại học...

Việc tiếp nhận những người tự lập, làm việc hiệu quả từ lâu đã là mục tiêu trong chính sách nhập cư của Mỹ. Luật di trú năm 1891, một trong những điều luật đầu tiên của Mỹ nhằm quản lý việc nhập cư của người nước ngoài, cho phép ngăn chặn và trục xuất những người được cho là gánh nặng với ngân sách quốc gia. 

Các đối tượng được xem là gánh nặng được nhắc tới trong luật là "những kẻ ngu ngốc, những người điên, những kẻ ăn xin hoặc những người chắc chắn sẽ trở thành gánh nặng xã hội".

Theo nhiều chuyên gia, Quốc hội Mỹ cho tới nay vẫn chưa thông qua luật cho phép thiết lập cơ chế quản lý di trú dựa trên năng lực, thành tích. Tuy nhiên, quy định mới của chính quyền ông Trump công bố hôm 12-8 được cho là sẽ có tác động tương tự với một luật như thế. Bởi với luật này, người nhập cư sẽ phải đáp ứng một loạt tiêu chí đánh giá mới như điểm tín dụng, nợ sinh viên và mức thu nhập. Theo đó, hệ thống di trú sẽ ưu tiên hơn cho những người có các kỹ năng học vấn chuyên môn và tài sản lớn hơn.

Quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15-10 nếu vượt qua được không ít thách thức pháp lý khác nhau từ các tổ chức ủng hộ, bảo vệ quyền của người nhập cư. Các luật sư ở hai hạt Santa Clara và San Francisco thuộc bang California đã nộp đơn kiện ngày 13-8, đề nghị tòa sở tại ngăn chặn "quy tắc gánh nặng xã hội".

Ảnh hưởng người Việt ra sao?

Căn cứ vào chính sách mới vừa nêu, những người Việt đang ở Mỹ nhưng chưa có thẻ xanh 10 năm hay chưa được nhập tịch và những người Việt đang chuẩn bị sang Mỹ định cư sẽ là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp.

Trước hết trong số các trường hợp chưa có thẻ xanh dài hạn (10 năm), có những người được cấp thẻ xanh tạm 2 năm khi nhập cư Mỹ theo diện vợ/chồng kết hôn với người Mỹ. Với các trường hợp đang có thẻ xanh tạm 2 năm, nếu muốn được tiếp tục cấp thẻ xanh 10 năm, trong 2 năm đó họ không nên xin các khoản trợ cấp như tiền (welfare), thực phẩm (food stamp), nhà ở (housing) và y tế (Medicaid).

Hoặc nếu khó khăn quá phải xin trợ cấp cũng không được vượt quá 12 tháng trong tổng quãng thời gian sống 36 tháng (3 năm) thì mới có cơ hội được xét cấp thẻ thường trú nhân (thẻ xanh) dài hạn, chiếu theo chính sách mới.

Nhóm bị ảnh hưởng thứ hai là các trường hợp tị nạn chính trị hoặc các trường hợp khác, đã được nhập cư vào Mỹ nhưng chưa được cấp thẻ xanh. Với những trường hợp này, nếu họ vừa tới Mỹ định cư đã xin trợ cấp xã hội ngay với 4 loại hình trợ cấp cơ bản vừa nêu thì theo luật mới họ cũng sẽ không được cấp thẻ xanh, và dĩ nhiên cũng sẽ không được nhập tịch.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một nhà báo người Việt ở California khuyến nghị: "Anh muốn làm gì thì làm, nhưng khi chưa là công dân Mỹ hãy nên cẩn trọng trong việc xin và nhận các trợ cấp xã hội".

1,3 triệu

Theo trang Migration Policy, năm 2017 có hơn 1,3 triệu người Việt Nam định cư tại Mỹ, chiếm 3% trong tổng số 44,5 triệu di dân và là nhóm người nhập cư sinh ở nước ngoài lớn thứ 6 tại Mỹ.

Cũng theo trang web này, năm 2017 có khoảng 19.000 người Việt Nam được nhập tịch. Trong khi đó, theo số liệu tính đến tháng 11-2018, trong số 3,8 triệu đơn xin cấp thẻ xanh đang chờ được xử lý, có khoảng 232.000 đơn của người Việt Nam.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên