13/05/2011 08:13 GMT+7

"Gã khổng lồ Phố Wall" gục ngã

HIẾU TRUNG (Theo Wall Street Journal, New York Times, Bloomberg)
HIẾU TRUNG (Theo Wall Street Journal, New York Times, Bloomberg)

TT - Sau tám tuần xét xử, ngày 11-5 Tòa án New York (Mỹ) đã ra phán quyết khẳng định tỉ phú gốc Sri Lanka Raj Rajaratnam, giám đốc quỹ đầu tư danh tiếng Galleon Group, phạm 14 tội danh lừa đảo chứng khoán. Như vậy, người sáng lập quỹ đầu tư Galleon Group sẽ phải ngồi tù từ 15,5 -19,5 năm.

hA3Buws1.jpgPhóng to

“Gã khổng lồ Phố Wall” Raj Rajaratnam đã đánh mất tất cả sau khi vụ án giao dịch nội gián hạ màn - Ảnh: AFP

"Là một trong những chuyên gia thông minh, có giáo dục, thành đạt nhất nước Mỹ, nhưng giống như nhiều người khác, ông ta đã để cho lòng tham và sự hủ bại dẫn dắt"

Preet Bharara, người đứng đầu Cơ quan tư pháp New York, mô tả về sự sụp đổ của Rajaratnam sau khi bị FBI bắt giữ ngày 16-10-2009

Tòa án xác định Rajaratnam đã lập một mạng lưới giao dịch nội gián tinh vi, thu thập bí mật kinh doanh của các tập đoàn Phố Wall và Thung lũng Sillicon từ năm 2003 đến tháng 3-2009, kiếm lợi nhuận và tránh lỗ tổng cộng 63,8 triệu USD. Bằng chứng giúp truy tố Rajaratnam là 45 đoạn ghi âm lén các cuộc trò chuyện giữa Rajaratnam và những người cung cấp thông tin mật từ năm 2008.

Thủ đoạn của Rajaratnam là thu thập những thông tin “không được phép công bố” từ các tập đoàn Phố Wall và Thung lũng Silicon, và sử dụng những thông tin này để đầu tư chứng khoán. Phần lớn đầu mối thông tin của Rajaratnam là những chuyên gia, giám đốc thuộc “câu lạc bộ” Nam Á, đến từ Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka, trong những thập niên qua đã đạt nhiều thành công trong ngành tài chính, công nghệ Mỹ.

Anil Kumar - chuyên gia tư vấn thuộc Hãng tư vấn quản trị McKinsey & Co - và Rajaratnam quen biết nhau từ đầu thập niên 1980 tại Trường kinh doanh Wharton thuộc ĐH Pennsylvania.

Mùa thu năm 2003, Rajaratnam gặp Kumar sau một buổi gây quỹ ở Manhattan và đề nghị Kumar cung cấp thông tin mật về việc Tập đoàn bán dẫn Advanced Micro Devices Inc (AMD) - một khách hàng của McKinsey & Co - đang mua lại Hãng ATI Technologies Inc trước khi hai bên công bố thỏa thuận. Đổi lại, Rajaratnam sẽ trả Kumar 500.000 USD. “Anh làm việc chăm chỉ, đi lại rất nhiều, nhưng những người khác kiếm được hàng đống tiền trong khi anh phải đi xa. Anh xứng đáng được hưởng nhiều hơn thế” - Rajaratnam nói với Kumar. Vài tuần sau Kumar gật đầu.

Năm 2006, Rajaratnam còn đưa ra một đề nghị hấp dẫn hơn với Kumar: trả tiền thưởng cuối năm dựa trên “thành tích” báo tin của cả năm. Nhờ đó, khi đầu tư vào cổ phiếu ATI, Rajaratnam kiếm lời tới 23 triệu USD trước khi ATI và AMD công bố thỏa thuận mua bán năm 2006. Rajaratnam trả tiền thưởng cho Kumar 1 triệu USD. “Khi đó tôi suýt té ngửa vì được quá nhiều tiền” - Kumar khai trước tòa.

Tương tự, Rajaratnam chiêu dụ Rajiv Goel - một giám đốc của Tập đoàn Intel và là người bạn cũ. Biết cuộc sống của Goel gặp khó khăn, Rajaratnam đề nghị được giúp đỡ, đổi lại Goel giúp Rajaratnam biết được kết quả doanh thu của hãng cũng như kế hoạch thành lập một liên doanh không dây trị giá 1 tỉ USD. Sau các cuộc điện thoại dài tổng cộng 30 phút với Goel, Rajaratnam đầu tư vào cổ phiếu Intel và kiếm lời 2 triệu USD. Đổi lại, Rajaratnam cho Goel mượn 600.000 USD để mua nhà và có tiền chăm só1c cha bị bệnh.

Danh sách những người bắn tin cho Rajaratnam còn có những nhân vật như thành viên ban quản trị Ngân hàng Goldman Sachs Rajut Gupta, nhân viên Hãng dịch vụ tài chính Moody’s (cung cấp thông tin về việc quỹ đầu tư Blackstone bí mật lên kế hoạch mua Tập đoàn khách sạn Hilton), nhân viên tư vấn Hãng Google, giám đốc quản lý quỹ đầu tư đối thủ New Castle Funds, một chuyên viên Hãng sản xuất chip Atheros... Rajaratnam còn thuê một cựu cố vấn của New Castle Funds là Danielle Chiesi, một phụ nữ có nhan sắc, để moi thông tin về Tập đoàn IBM từ chuyên viên cao cấp Robert Moffat.

Đến nay có 26 người bị buộc tội trong vụ Rajaratnam, trong đó 21 người đã nhận tội. Một số người như Kumar, Goel hay cựu nhân viên Tập đoàn Galleon Group là Adam Smith đã khai chống lại Rajaratnam để được giảm án.

Trong 18 tháng qua, tòa án Mỹ đã truy tố 47 giám đốc quỹ đầu tư và doanh nhân vì tội giao dịch nội gián, và Rajaratnam là người thứ 35 bị kết án hoặc nhận tội. Các công tố viên khẳng định sau Rajaratnam sẽ có một làn sóng cáo trạng mới nhắm vào các quỹ đầu tư, công ty nghiên cứu, giám đốc các tập đoàn bị tình nghi giao dịch nội gián.

Một kết cục đầy đau đớn cho “gã khổng lồ Phố Wall” Raj Rajaratnam, 53 tuổi. Sinh ra và lớn lên ở Sri Lanka, Rajaratnam học cơ khí ở Anh và quản trị kinh doanh ở Mỹ trước khi khởi đầu sự nghiệp tại các ngân hàng Chase Manhattan Bank, Needham & Co và nhanh chóng vươn lên chức chủ tịch Needham & Co năm 1991 khi mới 34 tuổi.

Tháng 3-1992, Rajaratnam lập quỹ đầu tư Galleon Group, chuyên đầu tư vào cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ cao như Google, Intel, AMD... Năm 2008, Galleon Group quản lý tới 7 tỉ USD tài sản và đến năm 2009 Rajaratnam trở thành người giàu thứ 236 tại Mỹ với tổng tài sản 1,8 tỉ USD.

HIẾU TRUNG (Theo Wall Street Journal, New York Times, Bloomberg)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên