20/02/2016 06:53 GMT+7

​Đường vào Quốc hội

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV bắt đầu sôi động. Vào tháng 3 tới, Mặt trận sẽ triển khai công việc lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Đây là lúc cử tri nghe danh những ứng cử viên mới và nghĩ về kết quả hoạt động của các đại biểu dân cử trong nhiệm kỳ gần qua.

Cách đây vài tháng, không phải tự nhiên mà khi phát biểu tại buổi lễ do cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận tổ chức công khai để xin lỗi, ông Huỳnh Văn Nén đã dành riêng một câu để “cảm ơn bà Lê Thị Nga, đại biểu Quốc hội”.

Trong những người đã góp phần giải oan cho ông Nén, có sự vào cuộc tích cực của bà Nga với tư cách đại biểu dân cử.

Nhiều phóng viên đưa tin nghị trường còn nhớ ngay từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa X (1997 - 2002), bà Lê Thị Nga đã nổi lên trở thành một trong những đại biểu chuyên trách hoạt động chất lượng, có chiều sâu với nhiều phát biểu và chất vấn gai góc như các vấn đề về xăng dầu, hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước, cải cách tư pháp, lấy phiếu tín nhiệm...

Một đặc điểm dễ nhận thấy là các phát biểu của bà Nga trên diễn đàn Quốc hội (trong khuôn khổ thời gian 7 phút) thường chỉ tập trung vào một vấn đề thay vì trải ra nhiều vấn đề như các đại biểu khác.

Rõ ràng đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga đã tạo cho mình một phong cách riêng. Và tại Đại hội XII của Đảng, bà Lê Thị Nga được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.

Kể ra trường hợp đại biểu Nga ở đây để thấy rằng những vị đại biểu có tấm lòng và trí tuệ sẽ luôn được người dân, trong đó có những người dân cụ thể như ông Huỳnh Văn Nén, biết ơn và ủng hộ con đường vào Quốc hội của họ. Ngược lại, cũng đã có đại biểu gây thất vọng cho cử tri.

Nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua là nhiệm kỳ chứng kiến sự tham gia nghị trường của doanh nhân đông nhất với gần 40 người. Được cơ cấu là đại biểu hoạt động không chuyên trách, nhiều doanh nhân sau khi trúng cử vẫn tiếp tục điều hành hoạt động doanh nghiệp của mình, đồng thời dành một phần thời gian cho hoạt động Quốc hội theo quy định.

Trong bối cảnh xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, các doanh nhân được kỳ vọng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của doanh nghiệp cả nước trên diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nhân có đóng góp thực tâm và thực việc, cử tri đã chứng kiến nhiều chuyện không hay về một số đại biểu Quốc hội là doanh nhân.

Có thể kể đến là vào đầu nhiệm kỳ, một doanh nhân đã bị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu với hơn 90% đại biểu đồng ý. Vào cuối nhiệm kỳ, nữ doanh nhân Châu Thị Thu Nga cũng bị bãi nhiệm với tỉ lệ tương tự. Thậm chí bà Châu Thị Thu Nga còn vướng vào vòng lao lý.

Thực tiễn nêu trên cho thấy mong muốn tăng tiếng nói của khối làm kinh tế vào nghị trường là chính đáng, nhưng để phát huy hiệu quả mong muốn này, cần phải làm sao để chọn lựa được những doanh nhân thật sự đủ chuẩn chất.

Luật cũng đã quy định người đại biểu không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ. Đó cũng là mong mỏi của đất nước và cử tri gửi gắm đến các đại biểu Quốc hội.

 

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên