15/05/2017 11:05 GMT+7

Đường khởi nghiệp gian truân của chàng lực sĩ

HUY ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
HUY ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN

TT - Từ một đứa trẻ sớm rời quê hương kiếm sống, đi học nghề khắp nơi, rồi nhập ngũ, học cao đẳng nghề, đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc trước khi trở về nước theo nghiệp VĐV và HLV thể hình, cuộc đời của lực sĩ 38 tuổi Phạm Khắc Hy đầy những giai đoạn thăng trầm khó tin với một VĐV.

Phạm Khắc Hy hướng dẫn một người Hàn Quốc tập luyện trong phòng tập của anh. Ảnh: H.Đ
Phạm Khắc Hy hướng dẫn một người Hàn Quốc tập luyện trong phòng tập của anh. Ảnh: H.Đ

Trong làng thể hình VN, cái tên Phạm Khắc Hy được xem như một “bông hoa nở muộn” của thể thức thi đấu fitness (phân nội dung theo chiều cao).

Chàng binh sĩ hiếu học

Đến tận tuổi 30, chàng lực sĩ quê Bình Thuận này mới bắt đầu xuất hiện tại đấu trường chuyên nghiệp trong nước, trước khi tiến ra các giải đấu danh giá nước ngoài. Thậm chí, những người từng quen biết một Phạm Khắc Hy thời niên thiếu sẽ hoàn toàn không nhận ra anh ngày hôm nay, bởi trong ký ức họ, chàng trai Phạm Khắc Hy ngày đó chỉ là một gã thiếu niên lang thang học nghề khắp nơi, nặng chỉ tầm 55kg (hiện nay anh nặng khoảng 75kg, cao 1,78m).

Năm 1992, Khắc Hy - khi đó chỉ mới là một cậu nhóc 13 tuổi - đã phải rời bỏ quê nhà Bình Thuận để vào Sài Gòn kiếm sống. Sống tạm bợ trong nhà của một người bà con, Khắc Hy xin đi học nghề ở khắp nơi, từ những cơ sở làm nhang cho đến gara xe hơi. Siêng năng, cần mẫn theo “sư phụ” học nghề, đến năm 16 tuổi Khắc Hy quyết định đi nghĩa vụ quân sự. Anh được phân vào tiểu đoàn 482 tại Bình Thuận, nằm trong đội đặc nhiệm chống phá rừng ở rừng Tánh Linh. Ý chí của một chàng lực sĩ thép bắt đầu được rèn nên từ đó, trong những ngày theo con đường quân ngũ.

“Hồi đó, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, nghỉ ngơi tôi lại lấy sách vở ra học thêm. Từ lúc học nghề sửa xe là tôi đã bắt đầu học bổ túc. Sinh ra trong gia cảnh khó khăn, không có điều kiện học hành nhiều nhưng tôi biết rõ việc học rất quan trọng với mình” - Khắc Hy nói. Đến năm 19 tuổi anh xuất ngũ rồi thi ĐH, trở thành sinh viên Trường CĐ Công nghiệp 4 (nay là ĐH Công nghiệp TP.HCM). Đến năm 25 tuổi, anh đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, trở về nước rồi lại sang Hàn Quốc 1 năm sau.

Những ngày tháng tại Malaysia cũng là thời điểm Khắc Hy bắt đầu đến với thể hình. Có thói quen rèn luyện thân thể, cơ bắp từ thời trong quân ngũ, chàng công nhân khi đó giết thời giờ trên đất khách bằng những máy tập “tự chế”, khi thì một cặp bánh đà của máy nổ làm tạ, lúc lại là chiếc yên ghế gắn thêm lò xo thành ngay một chiếc ghế tập... Phải đến khi sang Hàn Quốc, Khắc Hy mới thực sự được tập trong một phòng tập thể hình đúng nghĩa tại công ty anh làm việc.

Thể hình nâng bước cuộc đời

Thân hình ngày càng cường tráng, lại sẵn tính năng động, thích giúp đỡ mọi người, Khắc Hy được các đồng nghiệp, người tập cùng nhờ chỉ vẽ nhiều thứ. Dần dà, anh nảy sinh ý tưởng hành nghề HLV thể hình.

“Muốn hành nghề phải đi học lấy bằng. Trước khi xuất khẩu lao động, tôi đã học một ít tiếng Hàn. Trong 1-2 năm đầu ở Hàn Quốc tôi cũng chăm chỉ học tiếng bản xứ nên tôi quyết định đi học lấy bằng luôn. Cũng may ở đây người ta học bằng trực quan nhiều nên không quá khó với người ngoại quốc, chữ được chữ mất như tôi” - Khắc Hy kể. Lấy được bằng rồi, anh được một số khách trong phòng tập mời làm HLV dạy kèm riêng, với mức thù lao lên đến 40 USD/giờ. Trung bình mỗi tuần Hy đều “chạy sô” đến khoảng 20 giờ, thu nhập so ra còn cao hơn so với nghề công nhân sửa xe máy.

Tích cực làm việc nên chỉ sau 5 năm, Khắc Hy đã có một số vốn kha khá để trở về quê nhà lập gia đình, đầu tư kinh doanh. Cậu bé gầy gò, thiếu ăn ngày nào nay đạt được ước nguyện, trở thành một ông chủ mở nhà hàng rồi gara. Nhưng có thừa ý chí quyết tâm là chưa đủ trên bước đường kinh doanh, Khắc Hy liên tục làm ăn thua lỗ. Chỉ sau 2 năm, anh lại quay về cảnh tay trắng.

Giữa cảnh khốn khó, thể hình một lần nữa lại trở thành cánh cửa cuộc đời cho Phạm Khắc Hy. Nhận được sự ủng hộ từ bạn bè, đồng nghiệp, Khắc Hy lần đầu tiên tham dự một giải đấu chuyên nghiệp vào năm 2012 - Giải thể hình fitness TP.HCM. Một con đường vinh quang trên sàn đấu từ đó mở ra cho anh, Khắc Hy lần lượt vô địch TP.HCM rồi đến quốc gia.

Không chỉ vậy, vinh quang trong làng tập thể hình còn giúp anh tạo dựng tên tuổi trong nghiệp HLV. Anh nhận dạy ngày càng “đắt sô” hơn. Dần dà, Khắc Hy lại nảy ý tưởng kinh doanh một lần nữa - lần này là đúng sở trường, mở phòng tập thể hình. Còn được chút vốn liếng, nhận thêm hỗ trợ từ gia đình vợ, Khắc Hy được ông Huỳnh Ngọc Minh - chủ tịch Liên đoàn Cử tạ - thể hình TP.HCM - cho thiếu nợ khoản vật dụng tập luyện để xây dựng một phòng tập nho nhỏ. Sau 2 năm, anh trả đủ vốn và hiện đã mở rộng thêm được một phòng tập nữa.

Sau rất nhiều thăng trầm, rốt cuộc chàng lực sĩ giàu nghị lực, nhẫn nại cũng đã có được một cuộc sống thoải mái. Công việc kinh doanh sẽ còn thử thách anh nhiều hơn trong thời gian tới, nhưng với những bài học quý giá mà Khắc Hy trải qua, có lẽ thành công chỉ mới bắt đầu “gõ cửa” cuộc đời anh.

“Thể hình không phải là công việc duy nhất mà tôi từng trải qua, nhưng có thể nói nó đã cho tôi nhiều nhất. Thời còn học làm HLV ở Hàn Quốc, tôi tiếp thu nhiều thông tin bổ ích về sức khỏe, dinh dưỡng, nhờ vậy mà khi mở phòng tập, huấn luyện sau này, mọi người cũng tin tưởng tôi hơn” - Khắc Hy trải lòng.

“Tôi giúp Hy vì thấy cậu ấy thật thà, quyết tâm”

Cho Khắc Hy mua trả góp một lượng lớn dụng cụ, máy tập luyện thể hình thuở mới mở phòng tập, ông Huỳnh Ngọc Minh được anh xem như ân nhân. Chia sẻ về điều này, ông Minh nói: “Ngày đó Khắc Hy đến nói với tôi cậu ấy muốn mở phòng tập nhưng chỉ có đúng 100 triệu đồng. Số tiền đó không thấm tháp gì nhưng quen nhau đã lâu, tôi biết Hy là người thật thà, có nghị lực rất lớn, xứng đáng nhận được sự giúp đỡ. Tôi cũng tin rằng Hy sẽ đủ sức trả nợ nên tôi cho Hy thiếu khoản đầu tư mua dụng cụ”.

HUY ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên